Xuất khẩu cử nhân, đột phá hay ảo tưởng?

16/07/2017 10:48 GMT+7

Báo chí đưa tin Bộ LĐ-TB-XH đang khẩn trương hoàn tất đề án xuất khẩu 54.000 cử nhân và ra nước ngoài trong giai đoạn 2018 - 2020. Tin quá đã!

Phen này các trường đại học càng dễ tuyển sinh vì cử nhân cao đẳng Việt Nam có thêm triển vọng ngời ngời là được ra nước ngoài làm việc. Cử nhân là phải chuyên gia, chứ ai thèm làm công nhân. Phải nói là một dự án đột phá táo bạo. Cả Asean chưa ai làm được việc này. Họ chỉ xuất khẩu lao động chứ chưa dám mơ xuất khẩu cử nhân.
Kinh phí dự án lên tới 1.300 tỉ hoành tráng. Dự báo đây sẽ là ngành kinh doanh triển vọng vì nguồn hàng vô tận, xuất không kịp. Nếu không đẩy nhanh sản lượng và tiến độ sẽ khủng hoảng thừa và mất giá.
Theo báo chí, Hà Nội từng tiên phong là “Đến năm 2020, 100% cán bộ quản lý quận huyện có bằng tiến sĩ; 50% cán bộ quản lý xã phường phải thạc sĩ trở lên”. Nghe quá đã!
Việt Nam, hiện có 412 trường đại học và cao đẳng với trên 2,2 triệu sinh viên. Cả tỉ lệ sinh viên lẫn tiến sĩ, thạc sĩ trên đầu dân đều bỏ xa các nước phát triển...
Tôi đang huyên thuyên tự hào thì một thầy giáo già dội ngay gáo nước lạnh vào mặt. “Bằng cấp Việt Nam nhiều thế nhưng ai thừa nhận, trừ Campuchia và Lào. Bởi mình cấp hàng ngàn học bổng toàn phần cho họ. Chứ khi tuyển dụng, họ cũng phớt lờ các bằng cấp Việt Nam. Nếu giáo dục Việt Nam chất lượng thì làm gì có chuyện con nhà giàu, những thành phần có điều kiện luôn tìm mọi cách du học ngay từ phổ thông, thậm chí tiểu học”.
Có thật vậy không hả trời? Có mấy ông bạn về hưu đề nghị là các trường đại học cao đẳng nên tạm đóng cửa mấy năm, để xuất khẩu cho hết hàng tồn kho cao cấp. Chứ kiểu này, hàng tồn kho, cứ năm sau cao hơn năm trước. Vậy mà mấy doanh nghiệp kêu gào là thiếu nhân sự quản lý, thiếu lao động chất xám, có trình độ… Hàng trăm ngàn thạc sĩ và cử nhân đang thất nghiệp mà cứ kêu thiếu là sao?
Mấy bạn trẻ đang quản lý doanh nghiệp tranh luận với tôi là cử nhân cao đẳng Việt Nam, trong nước còn chê làm sao xuất khẩu. Có ai xuất khẩu "hàng dạt" bao giờ?
Nhiều người chứng minh là con em họ, từng nỗ lực và tìm mọi cách chen chân vào đại học nhưng ra trường vẫn ế, kể cả công lập. Thế là lại xoay xở, chạy chọt, thế chân hàng trăm triệu để được đi làm công nhân xuất khẩu. Dĩ nhiên phải giấu nhẹm bằng đại học của mình. Muốn xuất khẩu lao động thì cứ học nghề, mắc mớ gì tốn 4 năm đại học (nếu không bị đúp lớp). Biết bao công sức, thời gian, tiền bạc chỉ để lấy tấm bằng làm kỷ niệm? Hàng xịn, thiên hạ sẽ tìm mua, sẵn sàng trả giá cao, chứ sao phải tốn cả ngàn tỉ. Chưa kể là lộ trình thu hồi vốn cho cả nhà nước lẫn cá nhân còn rất mù mờ.
Hàng hóa nào cũng vậy. Muốn xuất khẩu thì phải phải tốt hơn nội địa. Đằng này, nội địa chê, lại tính chuyện xuất khẩu là ngược đời...
Nhờ bạn đọc chỉ giáo vài đường để tranh luận với mấy người đang phản bác dự án táo bạo của Bộ LĐ-TB-XH mà tôi và nhiều người đang kỳ vọng. Mong lắm thay!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.