Yêu nước

15/05/2016 11:30 GMT+7

Chúng ta hãy thôi nói về lòng yêu nước, về những điều lớn lao khi yêu nước là gì nếu không phải là sự tự xấu hổ.

Thi thoảng tôi xem việc đến trễ một chút cũng chẳng sao, nhất là khi nơi tôi sống, thời gian có thể bị bẻ cong như miếng cao su trong thuyết tương đối rộng của Einstein, cho tới khi tôi đến Nhật.
Một lần ăn tối ở Osaka, trong thang máy lên nhà hàng ở tầng 5, tôi gặp cô du học sinh nhỏ nhắn người Việt đang hớt hơ hớt hải và lẩm nhẩm tính từng phút mỗi khi thang máy trồi lên một tầng, hỏi ra thì được cô giải thích rằng ở đây, chỉ cần đi làm trễ một phút cô sẽ bị sa thải mà không cần biết lý do.
Sự nghiêm khắc về thời gian của người Nhật còn được thể hiện qua độ chuẩn xác của hệ thống tàu cao tốc Shinkansen. Kỳ quan công nghệ này có tỷ lệ đến bến không sai một giây nào trong năm lên đến 96,1% và chỉ trễ trung bình 36 giây một chuyến.
Trong lần di chuyển từ Kakegawa đến Shizuoka, tôi được biết quy định nếu tàu đến bến trễ hơn 5 phút, nhân viên sẽ đến xin lỗi và phát cho mỗi hành khách một tấm thẻ như là bằng chứng tàu đến trễ nhằm tránh rắc rối cho hành khách nơi công sở.
Tôi cứ nghĩ rằng những câu chuyện ứng xử văn minh của người Nhật chỉ là sự cường điệu của truyền thông, cho tới khi tôi đặt chân đến đây.
Ở Nhật không có thùng rác công cộng nhưng đất nước này lại được xem là sạch nhất thế giới. Hãy thử lấy tay chạm vào ô cửa sổ, mặt đường hoặc quan sát những chiếc bánh xe đang rong ruổi xung quanh mình, bạn sẽ ko tìm thấy cả... những hạt bụi.
Có bao giờ các bạn ngẫm lại mình, một dân tộc có dân số ít hơn không đáng kể, cùng chịu ảnh hưởng văn hoá Khổng Nho tương đồng, lại được thiên nhiên ưu đãi, có chủ nghĩa Mác - Lê nin là kim chỉ nam soi đường dẫn lối nhưng tất cả các chỉ số phát triển đều rất thấp và lại luôn bị cả thế giới nhìn với ánh mắt khinh rẻ.
Đi giữa phố Tokyo, nơi mật độ giao thông sầm uất nhất thế giới, bạn sẽ có cảm giác như đang xem một bộ phim câm 3D khổng lồ. Không có bất kỳ tiếng còi xe hay âm thanh nào phát ra, kể cả khi đứng cạnh một cao ốc đang thi công. Và trong nhà hàng, mặc dù rất đông thực khách, tiếng ồn ào chỉ thực sự phát ra khi có một nhóm người Trung Quốc hay Việt Nam nào đấy bước vào.
Không thấy bóng cảnh sát hay nhân viên công lực nhưng nước Nhật được xem như không có trộm cắp (trừ người nước ngoài đến đây, trong đó 40% các vụ bị phát hiện là người Việt).
Ở đây có những cửa hàng bán lẻ không có người bán, khách vào mua rồi tự giác bỏ vào ngăn kéo đúng số tiền đã niêm yết.
Dù đất chật người đông, nghèo tài nguyên lại luôn bị thiên tai đe dọa, nhưng hầu như không người Nhật nào bỏ ra nước ngoài sinh sống. Tỷ lệ sinh viên du học phương Tây về nước làm việc luôn cao nhất châu Á.
Lịch sử phương Đông là lịch sử của những cuộc chiến đẫm máu, của cách mạng long trời lở đất và của những vương triều mê ngủ trong dục vọng, còn lịch sử nước Nhật là lịch sử của những lần thức tỉnh.
Tháng 7 năm 1853, khi triều đình Tokugawa từ chối không cho thuyền trưởng Mathew Perry lên bờ trao thư của tổng thống Fillmore, ông đã cho nổ một loạt đại bác lên trời để thị uy. Chính những tiếng đại bác ấy làm người Nhật giật mình, họ ngỡ ngàng trước sự phát triển của phương Tây và cảm thấy xấu hổ về những lạc hậu yếu kém của mình.
Chính thời điểm ấy, người Nhật thức tỉnh và đã chủ trương "thoát Á", rũ bỏ dứt khoát những hủ tục phong kiến, mở ra cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân đưa nước Nhật sau 44 năm không chỉ bắt kịp mà còn vượt cả phương Tây.
Năm 1945, sau khi bại trận bởi hai quả bom nguyên tử, người Nhật nuốt nhục vào trong, bắt đầu tái thiết đất nước trên một đống tro tàn. Những ngày này, thế giới lại chứng kiến tinh thần không thể khuất phục của người Nhật, trên khắp đất nước, bất kỳ đâu cũng thấy treo và chỉ treo duy nhất 1 khẩu hiệu "Phẫn nộ đồ cường", tức là "Hãy biết tức giận khi nước nhà không mạnh". Đến năm 1970, đúng 25 năm sau, nước Nhật vươn lên thành cường quốc kinh tế, chỉ sau Mỹ.
Có bao giờ các bạn ngẫm lại mình, một dân tộc có dân số ít hơn không đáng kể, cùng chịu ảnh hưởng văn hoá Khổng Nho tương đồng, lại được thiên nhiên ưu đãi, có chủ nghĩa Mác - Lê nin là kim chỉ nam soi đường dẫn lối nhưng tất cả các chỉ số phát triển đều rất thấp và lại luôn bị cả thế giới nhìn với ánh mắt khinh rẻ.
Chúng ta hãy thôi nói về lòng yêu nước, về những điều lớn lao khi yêu nước là gì nếu không phải là sự tự xấu hổ.
Nói như Marx: "Xấu hổ là loại hình nổi giận hướng vào bên trong, nếu như cả một dân tộc biết xấu hổ thì nó sẽ mang sức mạnh của con sư tử thu mình lại để chuẩn bị phóng tới”.
Khi không biết xấu hổ, thanh niên sẽ vô cảm bàng quan trước thời cuộc, quan chức sẽ bòn rút của công mà ko chút áy náy và sẽ chẳng ai thấy chút trách nhiệm nào về hiện tình đất nước.
Đã đến lúc chúng ta thôi say sưa và ru ngủ nhau về những trang sử vàng. Đã đến lúc nhìn lại mình, biết xấu hổ để đối diện thực tế tổ quốc đang lâm nguy. Đã đến lúc đừng vì lợi ích bản thân, cùng nhau nắm chặt bàn tay, tìm ra giải pháp chấn hưng, thay đổi vận nước.
Từ đấy mới mong đưa đất nước thoát khỏi bóng tối tụt hậu và thu hẹp khoảng cách với các nước văn minh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.