Ẩm thực ngày hòa bình - Kỳ 1: Vịt quay chợ Cũ trong lâu đài chú Hỏa

26/04/2016 13:05 GMT+7

Ngày mới hòa bình, cách đây gần 41 năm, quả thật, lúc đó ít ai nghĩ tới chuyện… ẩm thực. Dù ai cũng phải ăn.

Nhưng bây giờ nghĩ lại, nhà thơ Thanh Thảo chợt phát hiện, những ngày hòa bình đầu tiên, mình thích ăn cái gì nhất. Có món ăn nào của những vùng đất nào để lại cho mình ấn tượng sâu đậm nhất? Thì vẫn là những món ăn rất bình dị, thậm chí rất dân giã đó thôi, nhưng sao tác giả lại nhớ tới chúng với một tình cảm đặc biệt như vậy? Nhân sắp tới kỷ niệm Ngày Thống nhất, xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài Ẩm thực ngày hòa bình của nhà thơ Thanh Thảo về một đề tài cổ xưa như… ẩm thực, và cũng vui vẻ hào hứng gần ngang với… ẩm thực.
Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975 Ảnh: T.L
Nhà thơ Hữu Thỉnh đi cùng binh đoàn tăng - thiết giáp đánh vào Sài Gòn theo con đường Bắc - Nam. Hồi đó Hữu Thỉnh mới ngoài ba mươi tuổi, còn trẻ lắm. Chiều 30.4.1975, Hữu Thỉnh đã có mặt ở Dinh Độc Lập để… ăn bữa cơm chiều. Bữa cơm được anh nuôi tăng - thiết giáp bày biện ngay trên bãi cỏ trước Dinh Độc Lập. Thực đơn thế này:
"Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện
Rau muống xanh như hái tự ao nhà"
(Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập - thơ Hữu Thỉnh)
“Thực đơn” chẳng lẽ chỉ có canh rau muống thôi sao? Tôi nghĩ, chắc có món… thịt hộp “nhà giồng được” sẵn trên xe tăng.
Còn thêm món gì nữa thì không nghe nhà thơ kể, nhưng ngay chiều 30.4 lại ở tại Dinh Độc Lập mà có bữa cơm như thế cũng đã quá tươm rồi! Theo Hữu Thỉnh kể trong thơ, thì hình như “lê anh nuôi” có chia cơm cho cả cựu Tổng thống Sài Gòn (?). Chả biết thực hư thế nào, nhưng tôi nghĩ, nếu ông Dương Văn Minh có tham gia bữa cơm ngay bãi cỏ Dinh Độc Lập với các chiến sĩ quân giải phóng thì cũng rất vui. Và biết đâu, “thực đơn” canh rau muống với thịt hộp dã chiến lại khiến vị “cựu” đại tướng này thấy ngon vì… lạ miệng.
Thực ra thì vào thời điểm ấy, ăn gì không quan trọng, vấn đề là ăn trong “không khí” nào, không gian nào:
Kìa gắp đi anh, ai nấy giục
Có gắp chi đâu, mải ngắm trời
Tự do xanh quá, mênh mông quá
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi”
(Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập)
Đúng thế, mải ngắm trời xanh lúc ấy cũng đủ… no rồi. Trời xanh của ngày hòa bình đầu tiên, nó lạ lắm. Còn ăn bát cơm trong bữa chiều hòa bình đầu tiên ấy ngay trước Dinh Độc Lập, thì không phải ai cũng có được cơ may đó. Hữu Thỉnh đã biến cơ hội ấy thành một… bài thơ, một bài thơ mang tính lịch sử hẳn hoi, do ở không gian và thời điểm ra đời của nó, do nó không mô tả một trận chiến, mà mô tả một… bữa cơm.
“Có thực mới vực được đạo”, ông cha mình nói đố có sai. Nếu lúc ấy, đang vừa ngắm trời xanh vừa gắp rau muống, mà Hữu Thỉnh lại làm bài thơ về “Trận đánh cuối cùng” chẳng hạn, thì tôi tin, bài thơ ấy dẫu có “hoành tráng” cũng không hề thuyết phục được người đọc như bài thơ giản dị Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập mà anh đã làm. Thơ dễ, mà khó vậy.
Bộ đội tại ngã tư Hàng Xanh trong ngày giải phóng Ảnh: Nguyễn Đạt
Còn tôi, trong những ngày hòa bình đầu tiên, tôi cứ đi lang thang trong thành phố Sài Gòn lúc ấy còn rất lạ lẫm với mình, đi mà chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện bữa trưa hay bữa chiều mình ăn gì, ăn ở đâu.
Vậy mà tôi chẳng bữa nào “lỡ nhịp”, bữa nào cũng có ăn, bữa nào cũng có… nhậu. Nhưng nói về ẩm thực ngày hòa bình ở Sài Gòn, thì tôi nhớ nhất món… vịt quay chợ Cũ. Hồi ấy, nếu hỏi tôi chợ Cũ ở đâu, có chết tôi cũng không biết. Nhưng bạn tôi, Tám Nhân, thì biết.
Vì anh ta vốn là sinh viên Sài Gòn tham gia hoạt động nội thành rồi lên chiến khu, ở đó chúng tôi đã quen và chơi thân với nhau. Một bữa chiều hòa bình, Tám Nhân rủ tôi và nhà thơ Ngô Thế Oanh đi tới nhà chú Hỏa chơi.
Tôi cứ tưởng “chú Hỏa” là chú của… Tám Nhân, chứ đâu biết, chú Hỏa là một trong những người giàu nhất Sài Gòn từ hồi Pháp thuộc qua thời Mỹ chiếm. Nghe Tám Nhân kể trên đường đi, ông “chú Hỏa” này vốn là người Tiều, từng sở hữu tới 20% “địa ốc” ở Sài Gòn. Giàu cỡ đó thì quá cỡ… thợ mộc rồi.
Tôi với Ngô Thế Oanh cứ hớn hở theo Tám Nhân tới nhà chú Hỏa. Tới nơi mới biết, đây không phải là nhà, mà là… lâu đài. Một lâu đài theo đúng nghĩa, to và sang trọng hết cỡ. Không được gặp chú Hỏa, vì hóa ra, ông đã mất lâu rồi. Con cháu ông cũng không còn ở lâu đài này nữa.
Chỉ có mấy anh vệ binh giải phóng đang canh gác ở đây. Thấy chúng tôi tới chơi, anh em rất mừng. Chúng tôi nói muốn gặp vệ binh Lương Minh Cừ, là một nhà thơ trẻ quân giải phóng mà chúng tôi quen, nhưng anh em nói Cừ đi… nhậu ở đâu đó, chưa về. Anh em mời chúng tôi vào thăm lâu đài, và… nhậu chơi.
Gì chứ đề nghị thứ hai này thì chúng tôi quá hưởng ứng, nên vui vẻ theo anh em vệ binh vào thăm lâu đài. Chuyện cái đòn gánh được thờ ở lâu đài chú Hỏa thì tôi đã có dịp kể, nhưng anh em tôi chỉ thăm qua những gì lấp lánh nhất được bày ở đây thôi, chứ thú thật, cũng chả để ý mấy. Cho tới khi anh em vệ binh lấy từ hầm rượu nhà chú Hỏa mấy chai rượu Tây, chúng tôi mới thực sự thấy có cảm hứng.
Một tiệm bán vịt quay, heo quay... tại Sài Gòn trước ngày giải phóng Ảnh: T.L
Tám Nhân nói, chợ Cũ gần đây có món vịt quay kiểu Tàu là nổi tiếng nhất. Anh xung phong đi mua. Chúng tôi chọn bàn nhậu là một góc… cầu thang nhà chú Hỏa. Nói là góc cầu thang, nhưng thú thật, đời tôi chưa bao giờ được ngồi ở một chỗ “sạch sẽ và sáng sủa” (chữ dùng của văn hào E. Hemingway) như thế.
Cầu thang lát đá cẩm thạch, là loại vật liệu tôi chỉ mới đọc trong sách chứ chưa bao giờ thấy. Với Ngô Thế Oanh, chắc cũng vậy, vì chúng tôi vừa từ sình lầy Đồng Tháp hay núi rừng miền Trung bước tới Sài Gòn. Khi Tám Nhân mua vịt quay về, mâm cỗ lập tức được bày ra ngay trên góc cầu thang lát đá cẩm thạch.
Chúng tôi lại hớn hở nâng ly, mừng hội ngộ. Nào ai ngờ được mình còn có một buổi chiều như thế, uống rượu Tây với vịt quay chợ Cũ ngay trong lâu đài chú Hỏa. Cùng với những đồng đội chưa quen nhưng đã vô cùng thân thiết. Nhậu qua chiều tới tối, khoảng 10 giờ đêm thì Lương Minh Cừ mới đi chơi về.
Gặp chúng tôi, Cừ mừng quá, cứ nhắc đi nhắc lại “Em rất được hân hạnh”, khiến tôi nghe mà bật cười. Gặp mấy thằng lính quèn, văn nghệ quèn, nhà báo quèn như chúng tôi thì có gì mà hân hạnh chứ! Nhưng khi Cừ hô lên “Sâm-banh mừng các anh!” thì mấy anh em tôi tỉnh hẳn.
Hóa ra, trong hầm rượu nhà chú Hỏa có hàng trăm loại rượu, từ Tây, Tàu tới Nga, Mỹ… chả thiếu thứ gì. Sâm-banh ư? Hay quá! Thế là sâm-banh Pháp được đệ lên, mấy anh em chúng tôi (có lẽ trừ Tám Nhân biết đâu đã từng được uống sâm-banh) hào hứng nâng ly, chúc Lương Minh Cừ làm thơ hay, chúc một đêm của tình bạn và rượu ngon, chúc cả món vịt quay chợ Cũ hết sức đậm đà.
Bây giờ nếu ai hỏi tôi: trong những ngày hòa bình đầu tiên ấy, anh thích nhất món ăn nào của Sài Gòn? Chắc tôi sẽ trả lời ngay, không do dự: “Vịt quay chợ Cũ”. Tôi chỉ nhớ mỗi món đó, dù đã ăn không ít các món ngon Sài Gòn trong những ngày này. Hóa ra, ẩm thực luôn gắn với “đối tượng cùng ăn”, với không gian và thời điểm ăn. Một khi nó đã thành ký ức, thì chắc chắn là nó… ngon rồi.
Người dân Sài Gòn chào đón quân giải phóng ngày 30.4.1975 Ảnh: T.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.