Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 4: Ước nguyện cuối đời

14/06/2015 05:50 GMT+7

Trong buổi trao đổi về Bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê giữa PV Báo Thanh Niên với GS-TS Trần Quang Hải, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và ông Trần Bá Thùy (trong tiểu ban tang lễ dự kiến), có nhiều nội dung, trong đó có ước nguyện tư gia của cụ sẽ được giữ lại để chuyển đổi thành Nhà lưu niệm Trần Văn Khê.

Trong buổi trao đổi về Bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê giữa PV Báo Thanh Niên với GS-TS Trần Quang Hải, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và ông Trần Bá Thùy (trong tiểu ban tang lễ dự kiến), có nhiều nội dung, trong đó có ước nguyện tư gia của cụ sẽ được giữ lại để chuyển đổi thành Nhà lưu niệm Trần Văn Khê.

GS-TS Trần Văn Khê về thăm làng Vĩnh Kim (1983)
GS-TS Trần Văn Khê về thăm làng Vĩnh Kim (1983)
Triển khai đì nguyện
Các vị này khẳng định vẫn thực hiện đúng di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê nhưng cần phải triển khai thêm để công việc thuận lợi và tinh thần Trần Văn Khê được hiểu đúng, tỏa sáng hơn.
Vì thế, ở mục 1 (nhân sự lo tang lễ), ngoài các nhân vật do cụ Khê chỉ định, tiểu ban tang lễ sẽ mời thêm một số người. Cụ thể, Ban tang lễ gồm Chủ tang: ông Trần Quang Hải; phụ trách tài chính: bà Trần Thị Thủy Ngọc; nghi lễ an táng: Thượng tọa Thích Lệ Trang; phụ trách thông tin - báo chí: ông Trần Quang Hải, ông Nguyễn Đắc Xuân, bà Thế Thanh, bà Khánh Vân; tiếp tân: TS Nguyễn Nhã, bà Khánh Vân, ông Hồ Nhựt Quang; nhạc lễ - nhạc truyền thống: nhạc sĩ Nhất Dũng, TS Hải Phượng, Th.S Huỳnh Khải, nhạc sĩ Kiều Tấn...; ẩm thực: Nguyễn Thị Na, Diệp Thị Hường; MC: Đặng Viên Ngọc Trai...
Từ trái qua: Các ông Nguyễn Đắc Xuân, Trần Quang Hải và Trần Bá Thùy - Ảnh: H.Đ.N
Từ trái qua: Các ông Nguyễn Đắc Xuân, Trần Quang Hải và Trần Bá Thùy - Ảnh: H.Đ.N
Ở mục 4 (hòa tấu, biểu diễn nhạc cổ truyền trong tang lễ), ngoài các nhạc sĩ phụ trách nhạc lễ - nhạc truyền thống đã nêu ở trên sẽ thỉnh nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (bạn tri âm, từng nhiều lần hòa đàn từ năm 1938), NSƯT Phạm Thúy Hoan và các môn sinh của cụ Khê, CLB Tiếng hát quê hương (cụ Khê là cố vấn danh dự từ lúc mới thành lập) cùng các nhóm âm nhạc dân tộc, đờn ca tài tử khác...
Ở mục 7 (cách thức lưu giữ hũ tro cốt), theo như sở nguyện của cụ Khê thì sau khi hỏa táng, hũ tro sẽ được đem về tư gia (32 Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để dưới bàn thờ ông bà, nhưng nếu vì một lý do gì đó mà không thể lưu giữ ở đây thì tiểu ban tang lễ có quyền quyết định nơi thuận tiện nhất. Các vị trong tiểu ban tang lễ đang có nhiều phương án: xây một bảo tháp nhỏ (cao chừng
1 m) ở trước khuôn viên (hoặc cổng) để bạn bè, người thân, học trò có thể đến viếng, thắp hương bất cứ lúc nào. Cũng có thể đưa hũ tro về quê của cụ ở Vĩnh Kim (Tiền Giang).
Mục 8 viết về sử dụng tiền phúng điếu và việc thành lập Quỹ học bổng Trần Văn Khê hoặc Giải thưởng Âm nhạc truyền thống Trần Văn Khê. Do Bản di nguyện được GS-TS Trần Văn Khê đích thân soạn thảo trước khi có chỉ đạo đặc biệt của Thành ủy, UBND và Sở Y tế TP.HCM là sẽ lo toàn bộ chi phí điều trị cho cụ Khê, nên tiểu ban tang lễ thống nhất tất cả tiền phúng điếu sẽ được dùng thành lập Quỹ học bổng Trần Văn Khê hoặc làm Giải thưởng Trần Văn Khê hằng năm, tặng thưởng những người có những công trình nghiên cứu hoặc cống hiến cho âm nhạc truyền thống VN.
Nhà lưu niệm mang tên Trần Văn Khê
Ở mục 9 (Nhà lưu niệm Trần Văn Khê), cụ Khê ước mong sau khi qua đời tư gia của cụ sẽ được giữ lại để chuyển thành Nhà lưu niệm Trần Văn Khê, do một người có uy tín trong gia tộc quản lý (giúp việc là bà Nguyễn Thị Na, người đã có hơn 10 năm giúp việc cụ Khê và hiểu rõ từng ngóc ngách căn nhà này). Trong Nhà lưu niệm sẽ lưu giữ các kỷ vật liên quan đến cuộc đời thường ngày và cuộc đời hoạt động nghệ thuật của cụ. Đặc biệt là có thư viện với nhiều hiện vật cụ đem từ Pháp về như: sách báo, đĩa nhạc, các nhạc cụ - nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy cassette, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh... Cụ ao ước Ban quản lý Nhà lưu niệm sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho những người có nhu cầu đến đây tham khảo, nghiên cứu...
Chân dung GS-TS Trần Văn Khê - Ảnh: tư liệu gia đình
Chân dung GS-TS Trần Văn Khê - Ảnh: tư liệu gia đình
Ông Nguyễn Đắc Xuân cũng tiết lộ rằng hiện Công ty văn hóa Phương Nam đang gấp rút in ấn để có thể ra mắt cuốn sách ảnh về GS-TS Trần Văn Khê (từ thời niên thiếu đến những ngày gần đây nhất), sách ảnh do Nguyễn Đắc Xuân, Phạm Dũng và Lê Quốc Ân tuyển chọn và thực hiện.
Để bạn đọc hình dung tại sao có căn biệt thự (sẽ là Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này) và Thư viện Trần Văn Khê ra sao, chúng tôi xin trích Hồi ký Trần Văn Khê (đoạn cuối):
“Trong thời gian tham dự Festival Huế (năm 2002), nhân bữa tiệc chiêu đãi quan khách tôi được xếp ngồi kế bên cháu Trương Ngọc Thủy (Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM). Cháu Trương Ngọc Thủy hỏi tôi có ý định lưu trữ những tư liệu nghiên cứu của mình ở đâu chăng? Tôi tâm sự đã gom góp khá nhiều tư liệu về âm nhạc VN cũng như những nền âm nhạc lớn của châu Á, hiện đang cất giữ ở Pháp, chờ khi thuận tiện sẽ trao lại toàn bộ cho cơ quan chức năng trong nước. Nhưng tôi ao ước trong lúc còn sống có được điều kiện đem về VN. Cháu Trương Ngọc Thủy tươi cười: “Cháu xin thay mặt Sở VH-TT TP.HCM sẽ tìm cách giúp bác đem về để lưu trữ trong một căn nhà, sau này sẽ là Nhà lưu niệm Trần Văn Khê”... Ngay trong năm đó, cháu Trương Ngọc Thủy cùng đại diện UBND TP.HCM sang Pháp và đến thăm tôi tại tư gia. Nhìn thấy tận mắt khối tư liệu chất đầy kín 5 căn phòng, mọi người đều thích thú và quyết tâm tìm cho tôi một căn nhà ở TP.HCM. Cháu Thủy giao cho Phó giám đốc Thế Thanh thay mặt Sở VH-TT TP.HCM xúc tiến việc này.
Tháng 1.2003, một công ty vận tải biển của Pháp lo việc đóng gói và chuyên chở toàn bộ “sự nghiệp tinh thần” tôi đã chắt chiu tạo dựng qua hơn nửa thế kỷ để đem về VN. Tất cả gói gọn trong 465 kiện hàng. Trong đó có những bộ sách ghi chép về lịch sử âm nhạc VN, những đĩa hát đầu tiên của một vài nghệ nhân VN và các nước châu Á mà ngay ở các nước sở tại cũng khó mà tìm được.
Hơn 100 quyển từ điển bách khoa của Anh, Mỹ, Ý, Pháp; gần 200 cuốn sổ đi đường ghi chép hành trình tôi tham dự hơn 200 hội nghị ở khoảng hơn 68 nước trên thế giới; hơn 2.000 sách, tạp chí nghiên cứu âm nhạc học và nhạc kịch VN, một kho hình ảnh cùng 800 băng cassette ghi lại nội dung gặp gỡ nghệ nhân trong các chuyến điền dã khắp VN và một số nước trên thế giới...
Đầu tháng 12, chiếc tàu chở các kiện hàng của tôi cặp bến Sài Gòn an toàn. Nhờ sự giúp đỡ của Sở VH-TT, nhất là Giám đốc Trương Ngọc Thủy và Phó giám đốc Thế Thanh mà các thủ tục được tiến hành nhanh chóng và được chở về gửi tạm ở Bảo tàng TP.HCM...
Cuối cùng, Thế Thanh cho biết Sở VH-TT đã chọn được một biệt thự cũ ở số 32 Huỳnh Đình Hai, phường 24, quận Bình Thạnh và giao kiến trúc sư sửa chữa, xây dựng lại cho phù hợp với yêu cầu làm việc và sinh sống của tôi...
Tháng 10.2005, UBND TP.HCM đã chính thức bàn giao căn nhà trên cho tôi để làm nơi cư trú và lưu trữ toàn bộ hiện vật liên quan. Sau khi tôi qua đời, nơi đây sẽ trở thanh “Nhà lưu niệm Trần Văn Khê”...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.