Còn thương - Truyện ngắn của Vĩnh Quyền

24/11/2013 03:00 GMT+7

Tôi đến thăm Ba Hoành. Vừa bước vào cổng, thấy một biển báo có nội dung kỳ quặc treo trên tường, cạnh cửa chính: Xin đừng khóc tôi!

Tôi đến thăm Ba Hoành.

Vừa bước vào cổng, thấy một biển báo có nội dung kỳ quặc treo trên tường, cạnh cửa chính:

Xin đừng khóc tôi!

 Còn thương - Truyện ngắn của Vĩnh Quyền d
Minh họa: Văn Nguyễn

Đúng là giọng Ba Hoành, tôi nghĩ.

Dù vậy vẫn nghe tiếng khóc rưng rức từ đâu đó vẳng ra.

Mấy tháng rồi Ba Hoành liệt giường, bệnh ung thư gan chuyển sang giai đoạn cuối.

Nhớ lần thăm trước, khi nhìn lên giá sách, nơi có nhiều cuốn in các bài phỏng vấn, bút ký về nhân vật Ba Hoành, tôi tỏ ra ân hận và nói tới giờ tôi chưa có dòng nào về ông.

Lúc đó Ba Hoành cười với ánh mắt tinh quái dù giọng nói nghe đã yếu:

- Vậy là may cho cậu, may cho bạn đọc, và trên hết là may cho tôi.

Lần này, khi tôi đến cạnh giường Ba Hoành đã có vài người thân ở đó.

Nhận ra nữ bác sĩ đang theo dõi bệnh tình cho Ba Hoành là người quen, tôi hỏi nhỏ về tình hình, cô khẽ lắc đầu bảo khó lòng qua khỏi ngày hôm nay, rồi thở dài:

- Ảnh mới ngoài năm mươi.

Nhìn qua những gương mặt đứng quanh người sắp chết, tôi thấy cay đắng sự đời khi nhận ra sự thiếu vắng một số quan chức thành phố vốn là thuộc cấp của Ba Hoành, từng cùng vào sinh ra tử với ông trong chiến tranh. Thực ra, những nhân vật này đã chia tay người hùng Ba Hoành khá lâu, họ tránh ông như tránh hầm chông trên hoạn lộ.

Tôi cũng biết trong khoảng năm năm sau bảy lăm nhiều nhà báo nhà văn đã tìm gặp Ba Hoành để thu thập tài liệu và cảm hứng viết báo hoặc sáng tác truyện ký cách mạng. Những khoảnh khắc oanh liệt trong đời Ba Hoành còn được sử dụng để xây dựng nhân vật chính của một bộ phim truyện về lực lượng biệt động nội thành.

Vậy mà lúc này tôi chẳng thấy nhà văn, nhà báo nào có mặt ở đây để vĩnh biệt nhân vật anh hùng bằng xương bằng thịt của họ.

Quanh giường bệnh, ngoài người nhà chỉ có một số trong những chiến hữu của ông.

Những mẩu chuyện truyền tụng về Ba Hoành thường được huyền thoại hóa. Tuy nhiên, sau nhiều năm uống rượu với ông, tôi nghiệm ra đời thực của ông có khả năng làm nên huyền thoại. Tôi muốn nói ai từng nghe chuyện Ba Hoành cũng bị cuốn hút như đang xem phim gián điệp, rồi sau đó, khi chia sẻ với người khác thì thế nào cũng truyền tải thêm cảm hứng “sáng tạo” của mình, cái mà các nhà văn gọi là hư cấu.

Ba Hoành một thời chỉ huy một đơn vị biệt động. Chiến công của ông vang dội khắp cả nước. Ông có thể thâm nhập đồn trại, cơ quan của Mỹ như một bóng ma; đôi khi lại cải trang thương gia thành đạt lui tới các nhà hàng sang trọng, sàn nhảy có tiếng để tiếp cận, giao du với quan chức Sài Gòn và Mỹ. Trên mặt trận đèn xanh đèn đỏ đó Ba Hoành đã gặp Nhi, một gái nhảy có nhan sắc và tâm hồn, rồi đem lòng yêu thương.

Nhi có với Ba Hoành một bé gái trước khi biết ông thật ra là ai sau lớp vỏ thương gia. Đúng ngày đầy tháng con, ông nói với cô sự thật. Nhi chấp nhận số phận, chấp nhận con người thật Ba Hoành, chia sẻ cuộc sống bất ổn và nguy hiểm của ông, thậm chí còn tham gia những trận đánh liều lĩnh giữa trung tâm thành phố do ông lên kế hoạch và chỉ huy trực tiếp.

Đầu năm bảy hai, Ba Hoành gặp một đối thủ đáng gờm vừa trải qua hai năm huấn luyện phản gián ở Mỹ. Ba Hoành quyết định áp dụng “mỹ nhân kế” sau khi tên này đánh sập ba cơ sở bí mật của ông trong vòng một tháng. Nhi được Ba Hoành chọn làm “mồi nhử”. Cô tìm cách tiếp cận, giả vờ có cảm tình qua lại với gã sĩ quan phản gián để thu thập thông tin.

Điệp vụ của Nhi đang triển khai thì Ba Hoành được lệnh ra Hà Nội dự khóa tập huấn. Tạm biệt vợ con lên đường, Ba Hoành không thể biết ông chỉ có thể trở lại miền Nam ba năm sau, khi tham gia chiến dịch xuân bảy lăm.

Về thành, Ba Hoành lập tức tìm vợ và con gái, nhưng không tìm thấy. Trong khi đó những người thạo tin xầm xì Nhi đã có một bé trai với “con mồi” của cô và vì vậy cô chẳng còn mặt mũi gặp lại chồng. Tin đồn ấy cuối cùng cũng lọt tai Ba Hoành. Ông âm thầm đến từng trại cải tạo sĩ quan chế độ cũ nhưng không tìm được thông tin nào về tên sĩ quan phản gián.

Từ ngày chấp nhận thất bại trong cuộc tìm kiếm gia đình, và thất vọng về lòng trung thành của vợ, Ba Hoành lao vào công việc. Nhưng không khí ở cơ quan không phải lúc nào cũng mang lại niềm khuây khỏa. Trước mắt Ba Hoành bắt đầu xuất hiện những ông quan cách mạng. Thế là ông đấu. Rốt cuộc ông bị chính những người này quy vào diện bất đồng và tìm cách đặt ông vào vị trí chầu rìa. Ba Hoành sa vào rượu và thuốc lá, cho đến một ngày bác sĩ lắc đầu nói đồng chí ơi, lá gan của đồng chí hỏng rồi!

Trong số những người có mặt bên Ba Hoành lúc này, tôi bị thu hút bởi một nhà sư mặc cà sa phái Nam tông mà tôi nghe mọi người cung kính gọi Tâm Quán thiền sư. Nhà sư không tụng niệm cầu an cho Ba Hoành mà chỉ nắm bàn tay khẳng khiu của ông trong im lặng.

Nhiều người biết Tâm Quán cũng là nhân vật huyền thoại trong chiến tranh. Tuy nhiên nhà sư đã giữ im lặng về những chiến công của mình. Ông càng im lặng người ta càng tò mò, càng tìm hiểu và thêu dệt cả một trời huyền thoại.

Có lần Ba Hoành cho tôi biết đôi điều giữa ông và Tâm Quán.

Năm năm tư, sau khi Hiệp định Genève được ký, Quán - tên thật của nhà sư, một cán bộ dân vận được tổ chức giao nhiệm vụ ở lại miền Nam trong vỏ bọc người tu hành, hoạt động công khai giữa lòng địch. Theo hiệp định, cứ tưởng vở kịch chỉ diễn trong hai năm, không ngờ kéo dài đến hơn hai mươi năm.

Suốt cuộc chiến, ngôi chùa của Tâm Quán là một cơ sở an toàn của đơn vị biệt động. Mỗi lần địch càn rát, Ba Hoành lại vào chùa nấp trong tượng Phật Di lặc khổng lồ rỗng ruột. Đôi khi địch đóng quân ngay trong vườn chùa, Tâm Quán phải đợi tới nửa đêm mới có thể mang cơm cho “Phật” và nhận chỉ thị để đưa ra ngoài.

Sau ngày toàn thắng, ông Quán không cởi áo cà sa trở lại vị trí một cán bộ của thành phố mà quyết định tiếp tục là Tâm Quán. Nguyện vọng của ông cuối cùng được tổ chức chấp thuận. Hôm ấy ông thấy mình lâng lâng, không biết chắc đó là một kết thúc hay là một khởi đầu.

Còn bây giờ tôi thấy Tâm Quán ngồi cạnh Ba Hoành, một tay nắm lấy bàn tay chiến hữu thời trai trẻ, một tay lần tràng hạt như đang đếm ngược thời gian hữu hạn một cuộc đời trầm luân bao lần vào sinh ra tử.

Mọi người dịch chuyển, nhường đường cho một người đàn ông Mỹ đến gần giường Ba Hoành. Tôi nhớ ngày người Mỹ này dọn đến căn hộ bên cạnh, Ba Hoành buồn ra mặt. Ông gọi tôi đến chia sẻ một chai Vodka rồi nói: Hồi chiến tranh, tôi sẽ bắn bỏ thằng nào dám bói rằng cuối cùng tôi làm hàng xóm với thằng Mỹ. Vậy mà cậu xem, thật nhãn tiền!

Ba Hoành hé một nụ cười thoáng qua khi người hàng xóm Mỹ nháy mắt với ông, như thể họ đang vượt qua rào cản quá khứ, đối xử với nhau như những người đàn ông.

Bỗng có tiếng trẻ con khóc từ ngoài cổng, mọi người nhìn ra.

Một bé gái khoảng sáu tuổi chạy vào, miệng kêu ông ơi ông ở đâu bằng thứ tiếng Việt lơ lớ.

Một thiếu phụ trẻ xuất hiện ngay sau đó mà mọi người có thể đoán là mẹ của đứa bé.

Cuối cùng là một người đàn ông trạc tuổi Ba Hoành.

Thiếu phụ nắm tay con gái đến bên giường Ba Hoành, quỳ sụp xuống, nói trong tiếng nấc:

- Ba ơi, đứa con gái bất hiếu của ba đây…

Bé gái thấy mẹ khóc cũng khóc theo.

Người đàn ông đứng phía sau hai mẹ con, mái đầu hoa râm hơi cúi thấp.

Những vị khách như trên trời rơi xuống khiến mọi người có mặt trong phòng trước đó chìm vào khoảng lặng ngỡ ngàng - tôn trọng và tâm trạng họ xung động mãnh liệt trước cảnh giao thoa giữa mừng vui và bẽ bàng.

Sư Tâm Quán niệm danh hiệu Phật, nhẹ nhàng đứng lên, bước lùi nhường chỗ cho cuộc hạnh ngộ xót xa.

Trong khi đó Ba Hoành lại là người không phản ứng kịp với những gì đang diễn ra chung quanh. Ông nằm im trên giường, chỉ có đôi mắt là còn sinh động và bị hút bởi gương mặt thiếu phụ, gương mặt đang khiến ông ngỡ Nhi vừa xuất hiện sau màn nước mắt của ông.

Tuy nhiên Ba Hoành đã tỉnh người trở lại khi nghe tiếng khóc. Ông cố sức đưa cánh tay phải lên khỏi mặt giường, ra dấu cho thiếu phụ đứng lên. Nhưng cô vẫn giữ tư thế của người đang khẩn cầu, hai tay đón đỡ bàn tay ông, áp vào má.

Người cha cảm nhận được độ ấm của nước mắt con gái.

Người đàn ông có mái tóc hoa râm không thể chịu đựng im lặng thêm nữa, hắng giọng trước khi lên tiếng.

- Anh Hoành... Tôi dẫn con gái và cháu tôi từ Cali về thăm anh, cũng là con anh, cháu anh đó. Xin lỗi vì đã không thể sớm hơn...

Lời phát biểu đầy khó khăn đó làm mọi người xác nhận ông ta chính là kẻ thù của Ba Hoành, trên chiến trường cũng như trong tình trường.

Ba Hoành nhướng mắt nhìn vào mắt người đàn ông tóc hoa râm đứng trân trước mặt ông.

Cái nhìn sắc lạnh dịu dần cho đến khi thanh thản hoàn toàn.

Sau một lúc im lặng, Ba Hoành mấp máy môi:

- Nhi đâu?

Người đàn ông tóc hoa râm cúi đầu trước câu hỏi dường như rất khó dành cho ông, và không thể trả lời ngay.

Bé gái bất ngờ chen vào giữa hai người ông, liến thoắng nói với Ba Hoành:

- Ngoại ơi, bà bị ốm phải vào bệnh viện, không về được đâu. Bà khóc, dặn cháu nói với ông là bà còn thương ông lắm!

Nước mắt trào ra từ đôi mắt người đàn ông đang hấp hối, nước mắt cũng trào ra từ đôi mắt người đàn ông tóc hoa râm.

Bằng một nỗ lực cuối cùng, Ba Hoành chỉ ngón trỏ vào tai trái mình.

Tưởng ông không nghe rõ, bé gái lặp lại to hơn điều vừa nói.

Ba Hoành khó khăn lắc đầu:

- Cháu ơi, lấy giúp ông…

Bé gái nhìn vào tai Ba Hoành, chợt hiểu ông muốn gì. Bằng những ngón tay nhỏ nhắn dễ thương nó khều ra một mẩu giấy nhỏ hình tròn từ bên trong tai ông.

Mọi người ồ lên ngạc nhiên khi nhìn thấy chân dung của Nhi được cắt ra từ một tấm hình xưa cũ.

Bàn tay khẳng khiu của Ba Hoành níu lấy bàn bay bé xíu của cháu gái như một cam kết.

- Về nói với bà, đó là hành trang ông mang theo…

Đó cũng là lời cuối tôi nghe được từ người anh hùng một thời.

V.Q

>> Saturday Bridal' - Truyện ngắn của Phạm Minh Châu
>> Khúc sống - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang
>> Ngun ngút Ngườm Ngao' - Truyện ngắn của Kiều Bích Hậu
>> Một bản tin - Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên
>> Bậc thầy truyện ngắn Alice Munro đoạt giải Nobel Văn học 2013
>> Chim thiên đường - Truyện ngắn của Văn Vương
>> Tíc tắc buồn' - Truyện ngắn của Tô Hải Vân
>> Chiến tranh' - Truyện ngắn của Thái Bá Tân
>> Lần này, lần trước - Truyện ngắn của Hoàng My

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.