Nội dung bài... không hát

18/10/2008 00:10 GMT+7

Hồi học cấp 2 (chứ không phải gọi là THCS như bây giờ), trường tôi có thầy Nguyễn Xuân Màng, thanh niên miền Nam được đưa ra Bắc đào tạo trở thành giáo viên, xung phong về tuyến lửa Quảng Bình dạy học. Thầy bảo quê thầy ở bên kia cầu Hiền Lương, cách nơi thầy dạy có một tầm đạn đại bác. Thầy về đây dạy, để khi nào quê hương cần thầy về cho nhanh, cứ đi ngược lại, hết tầm đạn đại bác là đến.

Thầy rất hay làm thơ, cái gì thầy cũng biến thành thơ, ai cũng thuộc vài câu thơ của thầy. Sau này tôi mới biết nhiều bài không phải thơ mà một loại văn vần cho dễ nhớ. Đối với người làng tôi lúc đó, thầy Màng là số 1, người "xuất khẩu thành thơ".

Trường cấp II An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) hồi đó chia ra nhiều nhóm, học ở các làng khác nhau để tránh máy bay oanh tạc. Đôi khi một thầy cô lại dạy rất nhiều môn. Thầy Màng dạy Sử nhưng thiếu giáo viên đôi khi thầy nhận luôn việc dạy môn Sinh vật, đôi khi lại dạy Vật lý...

Vì học phân tán trường không mấy khi chào cờ hay họp hành gì nên học sinh không biết hết mặt giáo viên, dù hội đồng nhà trường hồi ấy chỉ có 11 người. Thế nhưng đến nay đám bạn đồng học ai cũng nhớ tên, thậm chí nhớ cả quê quán của các thầy, các cô qua bài thơ của thầy Màng:

Hội đồng tôi năm nay rất trẻ
11 người có từng quê mẹ khác nhau
Thầy Phúc quê ở Diễn Châu
Thầy Màng Quảng Trị qua cầu Hiền Lương
Mấy năm tạm biệt quê hương
Là thầy Võ Dự bên đường Hiền Ninh
Bao năm rồi chung tình đồng chí
Đây thầy Cù Lộc Thủy cách sông

Thầy Lợi truyền thống Đại Phong
Thầy Kiệm Thái Thủy cách sông trở đò
Tiếng ai hay hát hay hò
Cô Cảnh Phong Thủy ai so được tày
Thầy Mai tuy hát không hay
Nhưng mà luyện tập cả ngày lẫn đêm...
Đại để thế...

Thầy Màng hơn 30 chưa vợ, về làng tôi ở dạy học, thầy điểm danh hết con gái đẹp trong làng vào... thơ.
Găp o An, thầy đọc liền:
Em An ở phía gần cầu
Làm ăn rất giỏi nên câu dạy đời.
Gặp o Gái lại đọc:

Đêm khuya chưa rõ mặt người
Thương cha kính mẹ tiếng đời còn ghi
Khắp nơi phận gái khó bì
Xã giao bè bạn việc chi cũng tài
Em Gái ở gần đội 2...

Hồi đó trong làng duy nhất chỉ có o Bê xinh đẹp học hết cấp ba (hết lớp 10), thầy Màng đọc:
Em Bê văn hóa lớp 10
Tính tình hòa nhã người người ngợi khen...

Tôi học lớp 5 (lớp đầu cấp 2), người nhỏ thó nhưng học được nên được cô Cảnh dạy Toán cưng. Cô Cảnh ở trọ nhà bác cạnh nhà tôi nên hay gọi tôi qua vô sổ điểm. Đôi khi cô mới tập được một bài hát nào đó trên Đài tiếng nói VN lại bảo anh em tôi qua nghe cô hát. Cô hát rất hay nên bọn tôi gọi là cô Cảnh Tân Nhân (cô hát hay nhất bài Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ mà cô Tân Nhân hay hát trên đài).

Một hôm thầy Màng bảo tôi: "Thịnh này, em cho thầy làm em một bữa". Tôi ngơ ngơ không hiểu. Sau này mới biết thầy tán cô Cảnh mãi mà không được, thầy cứ đến cô lại cứ đuổi về, cô nói với tôi cô ghét vì thầy tra (già - hồi ấy 30 chưa vợ đã gọi là già) lại hay hút thuốc lá... Tôi nói thầy Màng làm thơ hay chơ cô. Cô nói hay thì hay nhưng tra lại hay hút thuốc lá...
Tôi ngu lâu lại mang chuyện đó méc thầy Màng, thầy không giận lại còn đọc liền mấy câu:

Em Cảnh chê anh Màng tra
Cứ ngồi mà hát với ca suốt ngày
Thôi em say để em say
Đến ngày em tỉnh ta đây không cần.
Nói xong thì móc thuốc lá ra hút.

Chị Nghĩa con bác ruột tôi cũng nằm trong số 10 cô gái xinh đẹp nết na của làng mà thầy Màng đưa vô thơ.
 Em Nghĩa mất mẹ còn cha
Anh thương em như thể con gà mồ côi.

9 cô xinh đẹp trong làng được thầy Màng đặt thơ lần lượt đi lấy chồng, nhưng không có ai lấy thầy Màng, đến lượt chị tôi cưới anh Minh, hôm cưới, thầy Màng xin lên góp vui văn nghệ rồi tự giới thiệu:

"Thầy Màng Quảng Trị quê ta
Hôm nay đã tắt tiếng ca giữa chừng
Đó là nội dung bài không hát do anh Nguyễn Xuân Màng thể hiện".
Nói xong thì đi xuống.

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.