Truyện ngắn: Suốt một mùa đông

25/04/2009 22:16 GMT+7

Mùa đông rù rì đến sớm. Tôi ngồi uống ly mocha nhiều đường, trà bạc hà và ăn bánh rán nhân mứt quả bồ anh tử. Don lái xe dọc miền Nam, bảo sẽ mang về cho tôi chút gió. Sao lại gió? Vì gió thì miễn phí. Đồ keo kiệt. Vậy thì nắng nữa nhé? Ừ thì nắng nữa! Nghe đọc truyện

M. kéo cổ áo tôi cao lên. Anh bảo mặc phong phanh thế có ngày không còn tiếng mà cãi nhau với người ta. M. mặc áo dạ màu ghi xám. Quần âu kẻ sọc nhỏ mờ màu đen. Hai tay đút túi quần. M. đi thẳng lưng, đầu luôn hướng về phía trước, vuông với mặt đất một góc 90 độ. Tôi nhớ M. đến mê man lên được. Cái cảm giác tê buốt đầu lưỡi khi M. nhìn tôi. Khi M. ôm chầm lấy tôi. Khi M. vuốt dọc sống lưng tôi. Cái cảm giác tê buốt đầu lưỡi khi mùa đông ràn rạt không thể lọt nổi qua kẽ hở bé tẹo lúc chúng tôi ôm nhau.

Don rủ đến Barca đi. Ở đấy có nhiều nắng lắm. Don sẽ mua tapas cho tôi, tuy không miễn phí nhưng cũng không đắt là mấy. “Đồ keo kiệt!”. Tôi lại hét ầm lên.  “Tapas mà chê à?”. “Về nhà đi Don, con Don đang đợi bố về”.  “Không, ở Barca cũng có mùa đông”.

Tôi sơn móng tay đỏ, mặc áo vàng. M. bảo tôi đang sưởi ấm mùa đông. Tôi rúc đầu vào ngực M. Mình lấy nhau đi. M. cười. Ừ lấy đi. Lấy luôn bây giờ! Tự nhiên thấy M. bị cuốn phăng đi. Bay chới với trong không gian với nụ cười còn chưa kịp tắt trên khóe môi. Lưng M. vẫn thẳng. Mắt M. vẫn nhìn tôi. Đầu lưỡi vẫn còn tê buốt. M.!

 Don kể vừa gọi điện về hỏi thăm con rồi Don im lặng. Don lại bảo hôm qua sinh nhật Breana tròn 6 tuổi. Lúc Don gọi về,  vợ Don - Karen nghe máy, nhất quyết không cho nói chuyện với con. “Đáng đời!”. “Làm ơn đừng mắng!”. “Cứ mắng”. Don trầm giọng đi hẳn. “Làm thế nào để nói với Karen?”. Tôi hỏi:  “Nói gì?”.

M. dắt tôi đi siêu thị. M. chỉ biết mua cà chua và thịt bò viên băm nhỏ. Tôi cười M. “Sao mà cười? Mua thêm cả phô-mai nhé. Thế mới đủ chất mà chống chọi với mùa đông”. “Ừ. Chống chọi với mùa đông”. Tôi lẩm bẩm một mình: “Chống chọi, chống chọi...”. M. rủ tôi đi chống chọi. Với nỗi sợ hãi. Với sự cô đơn. Với những cao hứng nhất thời bộc phát. Buổi tối hôm ấy, nằm bên cạnh M., tôi mơ thấy mình ngồi trước một nồi thịt bò viên hầm cà chua, à cả phô-mai nữa, to như cái vại. M. đứng sau lưng tôi, khăn buộc trên đầu hét lớn: “Cố lên! Cố lên!”. Tôi choàng mình tỉnh dậy. Ôm chặt lấy M. Nước mắt rịn ra. Ôi M.!

Tình yêu đã hết. Như thế nào là hết? Nghĩa là không còn thấy đam mê. Tôi không thôi nghĩ đến Don. Trẻ con cần có bố. Nhưng trẻ con cũng cần bố và mẹ chúng nó yêu nhau.

M. bắt đầu đi làm. Công việc của một nhân viên có trách nhiệm. M. mặc áo sơ-mi, quần u là thẳng mượt, li nào ra li nấy, xách túi da màu nâu, nhìn ra vẻ người đàn ông chững chạc, có trách nhiệm. M. là một người đàn ông chân chính. Chân chính vì hạnh phúc khi biết mình đang sống với một trách nhiệm trên vai. Buổi sáng M. đi làm, tôi pha cà phê thêm vào một nửa thìa mật ong vàng sánh. Loại mật chiết xuất từ hoa cây keo, màu tím, rất hiếm. Đấy là trên vỏ chai người ta quảng cáo thế, chắc để cho tương đương với cái giá 8 euro. Tôi thắt cà-vạt cho M. Sửa cổ áo cho M., lắng nghe M. thở nhè nhẹ vào bầu không gian lạnh quánh. Tôi nhìn M. mang giày. Mở cửa. Gió ở ngoài đùn đẩy ùa vào, thi nhau chích lên đầu những ngón chân trần.

Mùa đông rù rì. Lẩn quất.

Don đã về đến Philadelphia. Ở sân bay Don gọi điện, bảo trời mưa ghê quá, chắc chưa về nhà vội. Tôi trả lời: “Thôi đừng có kiếm cớ”.  “Chắc từ nay không gọi điện nữa”. “Tại sao?”. “Mỹ với châu u, phí cao lắm!”. “Về nhà cài cái chương trình MSN vào máy tính cho miễn phí”. Don im lặng. Tôi im lặng. Không có chiến tranh. Không có sinh ly tử biệt. Không có bom đạn khủng bố. Không có vũ khí hóa học, quái vật ngoài hành tinh. Vậy mà im lặng đôi khi có thế giết chết người. “Thôi đi về đi! Karen có thể sẽ hiểu, có thể sẽ không hiểu. Trẻ con có thể hiểu, có thể cũng sẽ không. Nhưng dù sao, trở về để không còn xa cách nào nữa”. Tôi nói với Don, mà tưởng như đang độc thoại.

Những con đường lát gạch trong khu phố cổ phủ đầy khói lúc mùa đông. M. bảo là do sương không tan đi được. Những con đường đó làm tôi thấy mình đang sống trong ảo ảnh, và M. là một phần của nó. M. mua cho tôi một cốc vang đỏ nóng, bên cạnh một cửa hàng bán đủ loại đồ lưu niệm thập cẩm. Từ những cái hộp nhạc lò xo rè rè những bài tình ca cũ kỹ cho đến những chai rượu mùi sô-cô-la gói ghém lòe loẹt. M. nhận xét cũ mèm ra thế rồi còn bán. Tôi cười, nghĩ chắc vì đây là phố cũ. M. lại nhận xét cũ thế có khi thành mốt, thành nghệ thuật, thành lãng mạn. M. có vẻ thích thú lắm khi chỉ trích vào lãng mạn! Khói ở những con đường cũ tan dạt ra, bay về hai, ba, bốn năm hướng, để lộ những ngôi nhà mòn vẹt vì thời gian, vì hàng ngàn hàng vạn điều rủ rỉ không thành lời.

Vợ Don dọn đi khi anh trở về. Don bận tối mắt tối mũi. John chỉ lên 2. Breana lên 6, học lớp 1. Buổi sáng Don dậy lúc 5 giờ, cho bọn trẻ con đánh răng, ăn sáng, đến lớp. Buổi chiều đón chúng về, nấu cơm, tắm rửa. Don bảo cuộc sống thật hạnh phúc. Chúng là những thiên thần. Tự nhiên hai bàn tay tôi siết chặt. Tôi buột miệng hỏi có cần tôi đến giúp. “Đến đâu?”. “Đến Philadelphia, nhà Don”. Ngôi nhà màu trắng, cửa mở trông ra con đường gọn ghẽ như được vẽ ra từ trong giấc mơ. Tôi biết làm pancake buổi sáng. Biết trẻ con cần phải ăn rau củ đầy đủ. Biết trẻ con cần sự kiên nhẫn vô cùng từ người lớn. Don chúc tôi ngủ ngon bằng một nụ hôn nhẹ như thở qua điện thoại. Từ đây cách Philadelphia 6 múi giờ.

M. đang thao thao về một tổ chức xã hội đang nổi lên ở một thành phố lớn nào đó của Trung Đông. Nó ảnh hưởng đến cả bữa cơm tối lãng mạn. Dạt cả nến, cả hoa. Tôi nắm tay M. Tôi nhìn thẳng vào mắt M. Tôi để mặc cho đám tin tức về cái tổ chức xã hội của M. bay vò vè quanh tai. Đầu tôi lắc khẽ, cố để xua đi. Một hành động vô hình. Chắc M. chẳng bao giờ để ý đến. Đột nhiên M. im bặt. M. hỏi tôi có thích đi du lịch vào mùa hè không. “Đi đâu?”. “Đi đến nơi nào em muốn”. Trong đầu tôi bật ra ngay hình ảnh Philadelphia. Ngôi nhà trắng. Con đường gọn ghẽ. Hai tờ báo sáng cuộn tròn quăng trước cửa. Don và bọn trẻ. Những hình ảnh đó tới tấp bay vội vã ra khỏi nơi ẩn náu tận sâu trong đầu óc tôi như thể nếu không trốn thoát ra khỏi lúc này thì đến một vạn năm sau chúng vẫn phải còn ở nguyên chỗ ấy. M. hắng giọng. Rượu vang đỏ hết. Chúng tôi nắm tay nhau, bước đi trên con đường lát gạch lởm chởm, gập ghềnh. Đã từ rất lâu, chúng tôi không còn đặt tên cho nỗi buồn nữa. Phải, đã từ rất lâu, từ khi M. nói thủ thỉ với tôi: “Anh không đủ để lấp hết những nỗi buồn của em ư?”.

Mùa đông ẩm ướt.

“Bọn trẻ con sẽ không hiểu”. Don mở đầu e-mail như thế. Philadelphia trở lạnh. John ốm. Don ốm. Mọi thứ rối tung như món thập cẩm nào đó ở quận Mười ba Paris. Tôi bật cười. Don nhớ Paris. Paris có tôi tóc dài “không có mùi hóa chất”, hay thở dài để kiếm cớ hát những bài hát tiếng Anh thật kinh khủng. Những cuộc bỏ trốn bao giờ cũng thú vị. Vì những sợ hãi, lo lắng rất thật sẽ khiến trái tim kích thích khôn cùng. Cho đến trước khi tôi 30, hãy cố mà bỏ trốn lấy một lần. Đến một nơi xa lạ. Gặp một người xa lạ. Xao động với hắn ta. Mơ mộng với hắn ta về New Zealand, về những con cừu, về xe ngựa leng keng ngày cưới. Bất kể là thứ gì. Miễn phí mà, phải không? Đừng nắm trái tim mình bằng cả hai bàn tay siết chặt. Tôi thấy Don như thế đang đứng phía bên kia cánh cửa. Mỉm cười. M. mà biết chắc đánh Don tím người, M. nhỉ!

M. bảo tôi đưa hộ chiếu để M. làm giấy tờ cho tôi đi Mỹ vào mùa hè. Lúc M. nói, tôi đã nhìn chăm chú vào mắt anh. Tôi kiếm tìm sự nghi kị, dò hỏi, ghen tuông, hay bất kỳ một dấu chấm hỏi nào đấy cũng được. Tôi nghiêng đầu sang trái, quay mình sang phải, nắm lấy tay M. Chỉ có tiếng rè rè phát ra từ lò sưởi gắn tường. M. vừa soạn giấy tờ vừa “quảng cáo” về Philadelphia một cách nhiệt tình. Nào là Liberty Bell, và món bánh mì kẹp thịt bò và phô-mai đun chảy, cả những trung tâm thương mại nữa... M. có vẻ như đã tìm hiểu rất kỹ và rất nhiều. “Anh không thắc mắc tại sao em muốn đi Philadelphia à?”. Tay M. vẫn tiếp tục soạn giấy. “Anh nghĩ là em thích”. Mắt M. vẫn chưa ngước lên. “Nhưng tại sao lại thích thành phố ấy, mà không phải New York hay Cali?”. Tay M. vẫn tiếp tục soạn giấy. “Có bao giờ em thích gì mà cần lý do đâu nào”.

Mùa đông mưa bay lất phất.

Tôi nghe gió về sàn sạt. Cuối tháng mười một, trời đã bắt đầu có tuyết. Lúc ra đường, hai tay cứ phải ghì chặt lấy cổ áo, mặt mũi cúi gằm vì buốt. Những ngày cuối năm kề cận, M. bận túi bụi với những báo cáo tổng kết. Tối nào cũng gọi điện một lần hỏi xem hôm nay tôi có ăn đủ bữa hay không. Tôi thấy tháng mười hai hối hả ngoài cửa sổ, vậy là vội vã quay mình, giấu đầu trong lớp chăn bọc vải hoa tím ngát. Don ngày nào cũng kể chuyện trẻ con. Nào là hôm Halloween cùng trẻ con đi xin kẹo, khắc bí ngô. Breana khéo tay nhất nhà. Lễ Tạ ơn lại còn bận hơn cả, suýt nữa thì làm cháy con gà. John đã nằng nặc đòi mang cây thông về trang trí. John lý luận rằng nhà nào có cây thông sớm, ông già Noel sẽ đến sớm hơn. Don hỏi tôi đã viết thư gửi ông già Noel chưa mà sao Don chưa nhận được. Ăn ngoan, ngủ ngoan, Don sẽ để dành cho tôi một nụ hôn giao thừa thật lớn... Tôi nhìn thấy tháng mười một giãy giụa. Vậy là tôi khóc. Òa lên. Nấc lên. Tôi đổ thừa tại tháng mười một đã bỏ đi quá vội. Tôi đổ thừa tháng mười hai, người ta rủ nhau hân hoan, rủ nhau hạnh phúc. Tôi đổ thừa gió, đổ thừa mùa đông, đổ thừa cả cái lò sưởi rè rè không dứt... Ấy vậy mà không thể đổ thừa Don.

M. bảo dạo này tôi hay nói mê trong giấc ngủ nhưng nói gì thì M. không nghe rõ. Tôi lại hay giật mình hơn trước. Đừng sợ vì có M. ở bên. M. sẽ chống cả bầu trời cho tôi được an giấc. Thỉnh thoảng, tôi thích chống cằm ngắm M., nhìn bản năng đàn ông đầy trách nhiệm và che chở như một vầng hào quang bao phủ lấy anh. Tuần nào M. cũng gọi điện về Việt Nam cho gia đình, cho cả mẹ tôi. Bất kỳ một cuộc gọi nào, M. cũng kết thúc bằng câu: “Cô cứ yên tâm giữ gìn sức khỏe, con sẽ lo lắng đầy đủ cho em”. Tôi biết mình không phải là một đứa con gái ngoan nhưng đủ hiểu chuyện để cảm thấy biết ơn M. mỗi lần như thế. Mà lòng tốt ấy đôi khi như tấm vải vuông che ngang trước mắt.

Mùa đông lỡ cỡ.

Don viết một e-mail rất dài. Không rõ đâu là đầu và đâu là cuối. Chỉ có những dư âm vảng vất cứ chạy dài từ dòng chữ này sang dòng chữ khác. Don thôi không kể chuyện về trẻ con. Về thời tiết hôm nay ở Philadelphia. Về nhiệt độ ở những công trường mà Don hay phải tới. E-mail của Don đầy những chữ cái cụt ngủn. Đầy những dấu chấm cảm và chấm xuống dòng. E-mail của Don là lời chào vĩnh viễn. Giống như một buổi sớm mai thức dậy, Don mở cửa và ra đi.  Đọc xong mail Don, tôi chợt nhớ đến lúc tôi mười sáu tuổi, cậu bé nhà hàng xóm gửi tặng một tấm bưu thiếp vẽ đầy hoa. Trong bưu thiếp viết: “T. à, đừng bao giờ buồn lúc mùa đông nhé, trời lạnh lắm, chúng không tan ra được đâu!”. Ừ phải, trời lạnh lắm! Làm thế nào để những nỗi buồn của tôi có thể tan ra được chứ?

Tôi sinh vào cuối tháng hai. Khoảng thời gian mà mùa xuân và những ngày nắng ấm đã bắt đầu nhen nhóm thèm khát trong lòng người. Vào lúc mười ba giờ hằng ngày, tôi ngồi uống trà trong một tiệm nhỏ ngay trong trung tâm thương mại. Phải đến tuần thứ ba, tôi mới nhận ra rằng, mình là kẻ duy nhất lạc lõng ở đây. Ở phía cửa sổ là người đàn ông quần áo chỉnh tề, cắm cúi vào máy tính xách tay, tập trung đến độ không thể ngẩng đầu lên nhìn người phục vụ để nói lời cảm ơn khi anh ta đặt ly cà phê xuống bàn. Ngay bên cạnh tôi, ba người phụ nữ trung niên văn phòng, hăm hở khoe mình giảm cân, mua ti vi màn hình phẳng, chồng tặng váy lụa Maje đến tận mấy trăm euro, mùa hè này cả nhà sẽ đi đảo Martinique... Một đám thanh niên tầm mười sáu, mười bảy tuổi ồn ào nói cười ở góc quán. Tôi đôi khi cảm thấy ganh tị với họ. Tôi gọi điện cho M. M. bảo ai cũng có những chuyện khổ sở của riêng mình. M. bận, bảo tôi đừng nghĩ vớ vẩn nữa hay thôi ngồi quán lúc nghỉ trưa, mua cà phê về văn phòng mà uống. Những chuyện nói cười, khát khao của thiên hạ hà cớ gì mà tôi phải ganh? Cuối tuần M. sẽ dắt tôi đi mua một loạt váy mùa xuân. Tôi không đi Philadelphia nữa.

Phan Ý Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.