Bảo tàng cổ vật biển Việt Nam

26/02/2011 08:29 GMT+7

Các chuyên gia khảo cổ và cả những nhà sưu tập trong nước mong muốn có một nơi để giữ gìn và giới thiệu với thế giới về những cổ vật này.

Phù hợp với mục đích trên, cách đây không lâu UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khá đặc biệt để xây dựng khu bảo tàng cổ vật kết hợp du lịch sinh thái rộng đến 49,27 ha trên đảo Phú Quốc (thuộc khu vực mũi Ông Quới, Cửa Cạn).


Cổ vật dưới lòng đại dương Việt Nam được trưng bày tại phố Lê Công Kiều, TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Khu bảo tàng không chỉ trưng bày những giá trị văn hóa, lịch sử của Kiên Giang và Phú Quốc, mà còn giới thiệu tập trung và đậm nét nhất về các cổ vật trục vớt từ những con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam từ trước tới nay. Các thủ tục ban đầu đã tiến hành từ năm 2008 và dự kiến sẽ bắt tay thực hiện trong năm 2012. Đơn vị được UBND tỉnh Kiên Giang giao tổ chức lập quy hoạch trên là Công ty Đoàn Ánh Dương (TP.HCM) - công ty này đã có quá trình dài hơn một thập niên khảo sát hoặc trục vớt cổ vật tàu đắm trên vùng biển Cù Lao Chàm và Cửa Đại (Quảng Nam), Tuy Phong và La Gi (Bình Thuận), Phù Mỹ (Bình Định), Hà Tiên (Kiên Giang)...

Đại diện của Công ty Đoàn Ánh Dương gần đây cho PV Thanh Niên biết họ sẽ đem 62.000 cổ vật tàu đắm hiện đang sở hữu để trưng bày tại Bảo tàng Kiên Giang nói trên... bao gồm các loại chén, đĩa, ấm, bình trà bằng gốm, hoặc tiền đồng, hộp đồng, chậu đồng, đèn đồng, ống nhổ bằng đồng, cùng các nghiên mực bằng đá, dấu triện bằng đá. Cũng có nhiều loại chén sứ, bát sứ hoa lam rất mỏng, các lư hương, các hũ sứ hoa lam khác cùng nhiều mảnh gỗ bị vỡ, bánh lái bằng sắt, các cột buồm cháy dở dang, hoặc các loại khóa bằng đồng, bằng sắt chìm dưới biển nhiều thế kỷ nay, vớt lên từ tàu cổ Cù Lao Chàm (thế kỷ 15), tàu cổ Bình Thuận (thế kỷ 17), tàu cổ Hòn Cau (1690), tàu cổ Cà Mau (1723-1735), tàu cổ Kiên Giang (thế kỷ 15)…

Phần quan trọng của hoạt động bảo tàng này là lập hồ sơ khoa học về cổ vật tàu đắm, cũng như giới thiệu những tài liệu lịch sử văn hóa, những công trình nghiên cứu công phu, những lý giải về con đường hàng hải ngang qua vùng biển Đông nước ta bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chẳng hạn TS Nguyễn Đình Chiến khẳng định về giá trị khai quật các tàu cổ đã “góp phần nghiên cứu mối giao thương quốc tế trên biển Việt Nam” - ông trích dẫn tài liệu lịch sử cho thấy từ năm 1149, thuyền buôn của các nước Lộ Lạc, Xiêm La đến Vân Đồn để mua bán hàng quý, dâng hiến sản vật: “Con đường tơ lụa trên biển giữ vị trí rất quan trọng trong mối quan hệ giao lưu quốc tế (…). Từ năm 1636 Hà Lan được phép của chúa Nguyễn mở thương điếm ở đàng trong tại Faifo (Hội An) do Abraham Duijeker làm giám đốc. Năm 1637 dưới đời vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng, người Hà Lan cũng được mua bán ở Phố Hiến cùng với người Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Anh và Bồ Đào Nha. Cho đến năm 1659, lần đầu tiên những đồ sứ đặt làm ở miền Bắc Việt Nam và Nhật Bản được chở đến thương điếm Batavia của Hà Lan tại Nam Dương (Indonesia)”.

Như thế, không chỉ từ phía Nam (Cù Lao Chàm trở vào tới Cà Mau), mà cần nghiên cứu con đường hàng hải ở phía Bắc Việt Nam nữa. Vì thế trong tương lai, Bảo tàng cổ vật ở Phú Quốc tỉnh Kiên Giang cũng sẽ trưng bày các cổ vật mang dấu ấn về “con đường gốm sứ trên biển” thông qua cửa ngõ của phố Hiến và các hải cảng phía Bắc. Bởi chính từ đó nhiều chiếc bát cổ do Việt Nam xuất khẩu vào thế kỷ 15-16 đã được chở đi khắp nơi, như trong bài viết về “vẻ đẹp Chu Đậu”, tác giả Hồ Trung Tú nhắc đến nhận định của Morimura Kenichi rằng: “Đồ gốm sứ Việt Nam thế kỷ 15-16 đã có ảnh hưởng và mối quan hệ mật thiết với quá trình hình thành các dòng phái trà đạo của Nhật. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều chiếc bát cổ từ thời quan hệ giao thương Việt - Nhật qua cửa ngõ Hội An - phố Hiến được lưu giữ tại các ngôi chùa nổi tiếng ở Nhật và chỉ được đem ra sử dụng trong các dịp lễ trà đạo lớn.

Chiếc bát chân cao được dùng trong hầu hết các dòng phái trà đạo và được xem như một kết tinh của nền văn hóa Nhật Bản”… Để chuẩn bị, vào giữa năm 2010, Công ty Đoàn Ánh Dương và bà giám đốc Võ Thị Hạnh Dung đã nhờ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP.HCM giám định đợt đầu 1.500 cổ vật, với kết luận: “Đây là các cổ vật Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan được tìm thấy trên các con tàu đắm có niên đại từ thế kỷ 15 - 18”. Tất cả đều đã và đang được trưng bày tại cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam chuyên về Cổ vật trong lòng đại dương mở tại phố Lê Công Kiều, Q.1, TP.HCM.

Những động thái tiếp theo đang gấp rút thực hiện để trong vài năm tới sẽ hình thành khu bảo tàng và du lịch sinh thái đặc biệt tại tỉnh Kiên Giang - một địa điểm văn hóa sẽ trưng bày và giữ gìn số lượng cổ vật tàu đắm lớn nhất nước ta.

“Hiện nay có những hiện vật gọi là độc bản, mang nét đặc trưng tiêu biểu của một thời kỳ lịch sử Việt Nam nhưng lại là sở hữu của các bảo tàng lớn ở nước ngoài, trong khi ở Việt Nam đã không tìm thấy những sản phẩm tương tự. Vì vậy, nên chăng những ngành chức năng trong việc quản lý cổ vật có kế hoạch tìm hiểu và lập danh sách những báu vật quốc gia hiện có mặt ở nước ngoài, để tiến hành trao đổi, thương lượng giữa hai quốc gia nhằm thu hồi những cổ vật quý hiếm, trong đó có đồ gốm (vớt được trên các con tàu đắm). Và theo tôi đó cũng là một trong những biện pháp góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam”.

Nguyễn Thị Ngọc Huyên (BTLS Việt Nam - TP.HCM)

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.