Biểu tượng rồng Bắc Ninh bị chê xấu

31/08/2016 12:20 GMT+7

Theo nhiều nhà nghiên cứu, ý tưởng lấy rồng Lý làm biểu tượng văn hóa Bắc Ninh là đáng quan tâm, nhưng cách thể hiện của biểu tượng này lại khó chấp nhận.

Cụm phác thảo biểu tượng rồng đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh từ ngày 18.8 - 3.9. Một số người dân gọi đây là “Đảo rồng”. Dự kiến, “Đảo rồng” sẽ được xây dựng ở ngã sáu trung tâm TP.Bắc Ninh. Thiết kế cụm biểu tượng này đã được thực hiện sau khi có hội thảo lấy ý tưởng, chọn đơn vị tư vấn và hội đồng nghệ thuật thông qua. Thông tin trưng bày cho biết chính quyền TP rất muốn lấy ý kiến nhân dân.
Rồng bị phẳng hóa
Vấn đề là phải đưa ra một biểu tượng trường tồn qua nhiều thế hệ. Chứ không phải đưa ra cái như hôm nay rồi mai lại chán muốn đập đi. Tư duy tầm nhìn chiến lược phải lâu dài, chứ không phải tư duy nhiệm kỳ
PGS-TS BÙI MINH TRÍ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN
Cụm biểu tượng là rồng Lý ở 3 tư thế. Thế Thăng Long với 3 rồng bay, mỗi rồng cao 15,5 m trên bệ cao 3,5 m. Thế Hạ Long với 3 rồng uốn lượn trên mặt nước, đầu hướng vào trung tâm, mỗi rồng cao 12 m trên bệ cao 1 m. Thế Tiềm Long với 3 rồng cuộn tròn, ẩn mình trong nước, đường kính 10 m trên độ nghiêng 0,5 đến 1 m có viên ngọc minh châu đường kính 1,8 m được giấu ở giữa. “Tạo hình của rồng có vẻ gần với rồng Lý. Và Bắc Ninh lại là quê hương của nhà Lý”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình chia sẻ.
Về ý tưởng dùng rồng Lý để xây dựng biểu tượng cho TP.Bắc Ninh, PGS-TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cho biết: “Mục tiêu của người ta là đưa lên làm biểu tượng của Bắc Ninh, của văn hóa Kinh Bắc nên lấy văn hóa nhà Lý làm chuẩn. Ý tưởng đó là được”.
Mặc dù vậy, việc thể hiện ý tưởng này lại không khiến ông Trí hài lòng. “Chỉ riêng nói về mẫu rồng nhà Lý đã không chuẩn về tỷ lệ rồi, biểu tượng thì quá rối”, ông Trí nói. Th.S Trần Nhật Khôi, giảng viên Khoa Kiến trúc - Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng thiết kế đã không thể hiện đúng tinh thần của rồng Lý. “Con rồng bị phẳng hóa, không đúng tinh thần. Người ta sao chép họa tiết nhưng không chép được tinh thần. Phù điêu cần có không gian, lớp trước sau ở phần giữa, chứ không phải như bức tranh. Họa tiết thời Lý phải chép được tầng bậc của nó. Con rồng bay trong không gian chứ không phải phẳng tẹt như thế”, ông Khôi nói.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình lại cho rằng việc bê nguyên tạo hình rồng Lý để mang vào thiết kế này không ổn. “Mang một chi tiết trang trí ra không gian lớn là không ổn. Muốn dùng hình rồng đó phải có sự chuyển thể. Ở đây, nghệ thuật điêu khắc hoàn toàn không đạt. Cách này như phóng to một món trang sức, chứ không bảo đảm không gian thẩm mỹ. Khi thẩm mỹ không đạt thì không chuyển tải được yếu tố tinh thần gửi vào đó. Và đây không phải là cách ngưỡng mộ truyền thống nên làm”, ông Bình nhận xét.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, người chuyên làm bối cảnh phim lịch sử, đánh giá việc ghép các mảnh rồng này rất rời rạc. Các chi tiết quá mỏng manh nên không thể phù hợp để chiếm lĩnh không gian lớn vì không có hình khối rõ nét. “Mọi người đều thấy nó không ra thế nào cả. Không ra điêu khắc, không ra một cái tượng tròn. Nó rời rạc. Gần giống như ghép các mảnh phù điêu lại như thợ kim hoàn làm”, ông Đức nói.
Quá dở khi so với truyền thống
Không ổn về cảnh quan
Về kiến trúc cảnh quan, khi đặt giữa ngã sáu, khối biểu tượng này cũng không ổn. Theo Th.S Đặng Việt Long, giảng viên Khoa Kiến trúc - Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, nhận xét nếu coi cụm biểu tượng như một tượng đài thì việc đặt nó ở ngã sáu sẽ gây chắn tầm nhìn và ảnh hưởng giao thông. Những dạng công trình thế này sẽ phù hợp hơn với không gian quảng trường chứ không phải ở vòng xoay giao thông như vậy.
Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, nếu coi đây là một biểu tượng văn hóa của Bắc Ninh thì nó quá kém nếu so với truyền thống. “Nhìn lại các biểu tượng văn hóa ở Bắc Ninh thì tượng Phật Tích là nhất, cột đá chùa Dạm cũng nhất luôn (đây đều là những tác phẩm nổi tiếng của mỹ thuật cổ VN - PV). Nếu muốn thì có thể làm hẳn một cái trụ rồi đưa rồng Lý rồng Trần vào”, ông Đức đề xuất.
“Hình rồng quá xấu lại còn không có không gian, trông không thích được. Không ai làm kiểu thế vì mỏng mảnh quá mà không hiểu sao các ông ấy lại mê đến thế. Thiếu gì hình đẹp. Ở Bắc Ninh có nhiều cái đặc trưng. Chùa Dâu có tượng nổi tiếng. Chùa Bút Tháp và chùa Dạm cũng rất đẹp. Xây mới thế này tốn tiền mà xấu. Không gian rộng mênh mông mà hình rồng mỏng thì lên giống như cái dạng đèn dây đèn sắt. Chỉ khác là nó có dính vào nhau một tí và thếp màu vàng lên. Nó sẽ không có khối đẹp”, ông Đức nhận xét.
“Vấn đề là phải đưa ra một biểu tượng trường tồn qua nhiều thế hệ. Chứ không phải đưa ra cái như hôm nay rồi mai lại chán muốn đập đi. Tư duy tầm nhìn chiến lược phải lâu dài, chứ không phải tư duy nhiệm kỳ”, ông Trí nói.
Theo ông Đức, có thể ông cùng một nhóm những người yêu văn hóa cổ là nhóm Đình làng Việt sẽ có một kiến nghị để góp ý với Bắc Ninh về biểu tượng này. Nếu xấu quá thì không nên xây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.