Chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Thú đua ngựa

04/08/2016 07:19 GMT+7

Khi người Pháp mới chiếm đóng Sài Gòn, họ cho thành lập bãi bắn trọng pháo và kèm theo đó là trường đua ngựa để có thú vui giải trí.

Khu vực đầy mồ mả vùng Mả ngụy, Đồng tập trận và Mô súng thời đó hoang vắng, không có nhà dân, binh chủng pháo binh cho thành lập nơi đây bãi tập bắn trọng pháo. Việc tập bắn này không phải thường xuyên, có khi hàng tháng không có một trận tập nhưng bãi trống này bắt buộc phải có. Dưới con mắt những tay kỵ mã thì đây là một địa điểm tốt để khai thác môn đua ngựa, là môn thể thao có sớm nhất lúc bấy giờ, chỉ cần thương lượng hoặc đóng tiền thuê lại của đơn vị pháo binh là ổn.
Buổi đua ngựa đầu tiên
Trường đua ngựa lúc đó nằm ở vị trí của khu vực Bộ Chỉ huy quân sự TP.HCM ngày nay. Trên các bản đồ thành phố Sài Gòn vẽ vào thời gian này, khu trường đua và bãi tập bắn trọng pháo được ghi là Polygone de l’Artillerie chiếm một diện tích rất lớn, nằm vắt qua đường Thuận Kiều (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), cạnh phía nam cắt ngang đường Legrand de la Liraye (Điện Biên Phủ), cạnh phía đông cắt đường De l’Avalanche (Lý Chính Thắng). Đường Thuận Kiều chỗ giáp rạch Bùng Binh đi sâu vào trong làng Hòa Hưng, cạnh phía tây cắt đoạn đầu đường Larégnère (Trương Định), qua đường Thuận Kiều vào làng Phú Thạnh. Trong khuôn viên ấy là vị trí trường đua ngựa được ghi Camp de Courses. Trường đua hình bầu dục, hai đầu bằng nhau, nằm theo hướng bắc - nam chứ không nằm cặp theo đường Thuận Kiều, chỉ một góc của trường đua là gần đường Thuận Kiều, nơi mở cổng ra vào.


Chính thức mở trường đua ngựa
Đối với chính quyền thực dân Pháp, đua ngựa không còn là môn thể thao tranh tài, mà là một hình thức cờ bạc để chính quyền có thể thu thuế, nên đã hợp thức hóa bằng các nghị định về đua ngựa vào ngày 15.11.1906 cho phép mở trường đua ngựa ở Sài Gòn và nghị định ngày 22.1.1907 cho ra đời trường đua ngựa tại Sóc Trăng.
Đến năm 1931, sau khi hai thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn nhập làm một, và khu trường đua cũ lọt vào khu vực đô thị hóa, trường đua ngựa được dời lên Phú Thọ (Q.11) như ngày nay.

Theo nhà văn Sơn Nam trong cuốn Bến Nghé xưa, ở lần đua đầu tiên năm 1864, người Pháp đến dự với xe song mã, bọn quan sang trọng thì ngồi trên cáng có lính khiêng, có lính theo sau mang trầu cau, điếu đóm. Kẻ tò mò vào trường đua xem chia nhau ngồi trên các nấm mồ vô chủ. Thoạt đầu, chúng cho các chú nài người Việt mặc áo dài đen, đầu chít khăn đen, cưỡi loại ngựa cỏ nhỏ con.
Buổi đua ngựa đầu tiên khá hấp dẫn, được báo Courier de Sài Gòn tường thuật như sau: “Từ ba giờ, tất cả các con đường đi từ Chợ Lớn, Sài Gòn hoặc các làng lân cận trở ra cánh đồng Mồ mả (Plaine des Tombeaux), đầy đám đông người có vẻ lăng xăng và vui vẻ. Người ta thấy giữa đám bụi do các đoàn tùy tùng và các kỵ mã, một quang cảnh hỗn độn những dân vệ người An Nam, những viên quan ngồi trên kiệu sang trọng có người hầu mang trầu cau, những người Cam bốt khiêm tốn hơn trong các xe bò của họ. Những người An Nam cưỡi ngựa, ăn mặc trịnh trọng, ngựa nhỏ con mang lục lạc và thắng yên sang trọng, tất cả đều mang rõ màu sắc địa phương, bên cạnh các xe thắng ngựa với dây cương lớn hoặc theo kiểu thắng xe 4 ngựa từng cặp một của Công tước Daumont thời Phục hưng”.
Ngựa Bà Điểm không đâu bằng
Bấy giờ trong số ngựa dự đua có ngựa Bà Điểm là nổi tiếng nhất. Ông Nguyễn Liên Phong kể trong Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca rằng: “Trải xem Thập Bát phù viên/Một nơi Bà Điểm khuôn viên mỹ miều/Ngựa hay mua sắm quá nhiều/Mỗi kỳ đua ngựa thảy đều có ăn/Hai mươi hai hạt xa gần/Tiếng ngựa Bà Điểm ai bằng đặng đâu”.
Trong số ngựa hay thời bấy giờ, người ta thường nói đến ngựa Đạm Anh, cao 1,24 m, thắng trong nhiều cuộc đua, nhất là cuộc đua ngày 27.2.1910 tại Sài Gòn. Sau chủ nó đưa lên Biên Hòa dự cũng thắng luôn. Đến năm 1917 nó đã lớn tuổi, không dự đua được nữa. Chủ nó là Hai Thủ ở Đất Hộ (Đakao) cho nhảy để lấy giống vì ham con ngựa hay. Các chủ ngựa đua nhau đem ngựa cái đến, đóng 5 đồng lệ phí, chủ cấp cho giấy chứng nhận để chủ ngựa sau bán ngựa con có giá.
Chung quanh vấn đề đua ngựa, ông Vương Hồng Sển cho biết thêm trong cuốn Sài Gòn năm xưa là năm 1906 có người Pháp là Jean Duclos chở ngựa lớn con giống Ả Rập từ Hà Nội vào cáp độ trường đua Sài Gòn, báo hại nhiều tay cá độ thua phá sản. Qua năm 1912, De Monpezat cũng chơi cái mửng ấy và vét sạch túi dân cá độ trong nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.