Chuyện về những thầy phù thủy - Kỳ 4: Ba thập niên trên lưng ngựa

13/01/2012 00:32 GMT+7

Tìm một nữ diễn viên xiếc thú đã khó và người từng lăn lộn với nghề suốt hơn 30 năm dài càng khó hơn. Ánh Tuyết là diễn viên có đủ hai yếu tố đó.

Tìm một nữ diễn viên xiếc thú đã khó và người từng lăn lộn với nghề suốt hơn 30 năm dài càng khó hơn. Ánh Tuyết là diễn viên có đủ hai yếu tố đó.

>>Kỳ 3: 25 năm làm bạn với voi

Suýt mất mạng vì… ngựa!

Dáng cao gầy, chị tự nhận đã quá thời gian làm nghề. Ở tuổi 48, Ánh Tuyết vẫn hằng ngày luyện tập để đêm về thỏa sức với đam mê đeo đuổi từ năm 13 tuổi.

Chị kể gia đình ở Khâm Thiên, Hà Nội, chẳng ai theo nghề. Nhưng rồi những lần theo bố mẹ xem xiếc, cô gái nhỏ mới hơn 10 tuổi đầu đã mơ ước có ngày trở thành diễn viên thực thụ.

 
Tiết mục Giữ thăng bằng trên lưng ngựa - Ảnh: NV cung cấp 

Năm 1978, Ánh Tuyết thi vào Trường Xiếc Việt Nam. “Thời đó đến mấy nghìn hồ sơ đăng ký, trường chỉ tuyển đúng 60 thí sinh. Tỷ lệ chọi còn cao hơn nhiều trường đại học bây giờ. Chân ngắn hơn lưng hay chân tay bị cong là loại từ vòng sơ tuyển”, chị nhớ lại. Tốt nghiệp Trường Xiếc Việt Nam đầu năm 1983, Ánh Tuyết gia nhập Liên đoàn Xiếc VN.

Chị nhớ mãi lần đóng phim Hoàng Hoa Thám do Trần Phương đạo diễn năm 1986 vì… suýt chết! “Tôi theo chân đoàn phim, đóng chung với NSND Trà Giang, NSND Đoàn Dũng. Đạo diễn Trần Phương mời 7 diễn viên xiếc chính hiệu chuyên huấn luyện ngựa, trong đó có cả thầy Tạ Duy Kỳ (đã mất), người rất am tường về thuần ngựa xiếc, đến trại Bá Vân, Thái Nguyên. Đàn ngựa ở đây rất đông, đến hàng trăm con nhưng chưa ai cưỡi bao giờ, chỉ có người chăm sóc, tắm rửa, cho ăn mà thôi. Khi chúng tôi đóng yên cương, nhiều con nhảy chồm lên, đá tung chân. Hễ ai leo lên là chúng hất xuống, không dễ khuất phục. Nhìn đạo diễn buồn lo, chúng tôi quyết tâm thuần hóa bầy ngựa”, Ánh Tuyết kể. Mất 3 ngày làm quen, Ánh Tuyết nhận thuần con ngựa đực cao to và hung dữ nhất đàn. Sau nhiều lần cố hất chị xuống đất nhưng bất thành, con ngựa bỗng nổi chứng, hí vang, bật chồm dậy trên hai chân rồi phóng như điên về chuồng ngựa cái tìm chỗ trốn. “Tôi nằm rạp người trên yên, dây cương bị đứt, hai tay tôi ôm chặt cổ nó. Cả đoàn phim bàng hoàng vì tính mạng tôi đang nguy kịch. Lúc này nhảy xuống là chấn thương nặng. Phóng như bay đến cuối trại, nó chui tọt vào chuồng cuối cùng. Lúc đó liếc thấy tình hình nguy kịch, tôi tung người nhảy lên, đu tay vào cái gióng bên trên. Thoát chết. Sau đó, chú ngựa mới chịu thua tôi và chấp nhận cho người cưỡi. Nhà quay phim nổi tiếng Trần Trung Nhàn sau đó nhắc lại chuyện này đã nói ông quá hãi vì nếu tôi không phản xạ kịp, đập người vào hàng rào quanh chuồng thì chỉ có chết”, Ánh Tuyết nhớ lại.

 
Một tiết mục xiếc trăn - Ảnh: NV cung cấp

Nổi tiếng nhờ ngựa 

Năm 1993, Ánh Tuyết trở thành diễn viên chính của Đoàn xiếc TP.HCM. Chị thú nhận đã diễn rất nhiều màn với trăn, đi dây thăng bằng trên cao và cả ảo thuật, nhưng có lẽ diễn với ngựa là niềm đam mê lớn nhất. Rồi chị “khoe” với tôi những vết sẹo chi chít trên chân vừa mới liền da sau khi tập với ngựa trong vở Romeo và Juliet cách đây vài tháng.

“Khó nhất vẫn là làm sao hiểu được tâm lý của ngựa diễn cùng. Bởi khi uốn dẻo trên lưng ngựa, mọi thứ đều phó thác cho nó vì đầu óc phải tập trung uốn người thật thấp để nhặt khăn cột quanh khán đài. Nói thì dễ nhưng khi thực hiện vô cùng khó vì phải phối hợp thật nhịp nhàng với ngựa. Khi chạy vòng quanh sân khấu, nó mà vấp té hay bất ngờ nhảy chồm lên, diễn viên bị gãy cổ như chơi”, chị nhìn nhận.

Nhiều lúc nản lòng vì tập hoài ngựa không thực hiện được động tác như ý, nhưng nhờ lòng yêu nghề, yêu thú nên chị đã vượt qua. “Ai đó có thể “rên” vì xiếc nhưng tôi thì không, vẫn một lòng yêu xiếc cho dù nghề này có lúc thăng lúc trầm, có lúc khán giả gần như lãng quên”. Rồi chị tự nhận xét thế hệ trẻ ngày nay nhiều cơ hội làm nghề hơn xưa, được tiếp cận với thế giới, được biểu diễn ở nước ngoài, giao lưu học hỏi hơn thế hệ chị nhưng độ “máu lửa” với nghề thì khó sánh bằng.

Lần tham gia Liên hoan xiếc quốc tế tháng 11.2011 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, chị bất ngờ khi biết tỉnh này có đến 300 đoàn xiếc. “Họ có cả làng theo nghề xiếc. Ngày đêm tập luyện nên xiếc Trung  Quốc rất phát triển. Tuy vậy, Việt Nam cũng đoạt 1 huy chương bạc tại liên hoan này, đủ thấy trình độ của mình không thua kém thế giới. Ngày nay, xiếc không chỉ đòi hỏi diễn viên thực hiện động tác khó mà kèm theo đó là biên đạo múa, trang phục, âm nhạc, ánh sáng và quan trọng nhất là diễn xuất, biểu cảm trên sân khấu. Nghệ thuật xiếc giờ đã phát triển và thay đổi rất nhiều”, chị nhận xét.

Gia đình nhỏ của Ánh Tuyết không ai nối nghiệp chị. Hai con gái, một đang học đại học, một mới 10 tuổi là diễn viên múa của đoàn Những ngôi sao nhỏ. Chồng chị - đại tá Trương Văn Thuận hiện công tác tại Bộ Công an (Hà Nội) là người mê sưu tập tranh. Gia đình chị đang quản lý Công ty Tân di sản Việt, chuyên xây dựng bảo tàng, tôn tạo di sản, văn hóa Việt.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.