Cổ vật kỳ sự: Bốn đời tìm cổ vật trả nhà chùa

30/05/2016 05:51 GMT+7

Ròng rã 4 thế hệ trong một gia đình tại TP.Đà Nẵng âm thầm tìm kiếm cổ vật trên mảnh đất hương hỏa để trả lại cho một ngôi chùa nhưng vẫn không thấy. Cho đến một ngày, con đường mới mở cắt ngang qua ngôi nhà...

Cổ vật kỳ sự: Bốn đời tìm cổ vật trả nhà chùa
Tượng Quan âm Tống Tử được tìm thấy trong vườn nhà ông Tự Ảnh: S.X
Đổ xô săn lùng “tượng cổ đồng đen”
Ông Huỳnh Phước Tự (64 tuổi, trú P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho biết, thực hiện lời hứa với ông nội, với cha mình, ông cùng các con đã cất công tìm kiếm số cổ vật gồm: chuông đồng, tượng Quan âm Tống Tử, tượng Phật đứng trên đài sen cùng nhiều đồ thờ tự khác… thế nhưng, càng tìm càng bặt vô âm tín. “Thời tôi còn nhỏ, ông nội kể rằng, những cổ vật này được ông cùng những người bạn chiến đấu cất giấu giúp chùa Thái Bình (Đà Nẵng) vì chiến tranh loạn lạc. Trước khi ông nội mất, cụ vẫn trăn trở làm sao tìm được để trả lại nhà chùa”, ông Tự kể.
Theo lời ông Tự, vào những năm kháng chiến chống Pháp, khi đang trên đường trở về sau một trận đánh, ông nội ông đã ghé chùa Thái Bình nghỉ ngơi. Thấy ngôi chùa không một bóng người, cổ vật không ai trông, sợ bị mất nên ông cùng đồng đội đem cổ vật về chôn giấu trong vườn nhà. “Ông nội dặn cha tôi các tượng cổ được chôn dưới rãnh nước sát bụi tre sau vườn”, ông Tự nói. Đến năm 1966, ông nội ông Tự qua đời, một năm sau chùa Thái Bình do bom đạn chiến tranh cũng sụp đổ hoàn toàn. Nhiệm vụ tìm lại số cổ vật đặt lên vai cha con ông Tự.
Ngôi chùa cổ nhất nhì Đà Nẵng
Theo nhiều tài liệu, chùa Thái Bình được xây dựng dưới thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497). Chùa đã sụp đổ nhiều lần trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trong loạn lạc, phật tử cũng nhiều lần cung thỉnh các tượng đến một số chùa lân cận trên địa bàn Q.Ngũ Hành Sơn để “lánh nạn”, nhờ vậy mà các bức tượng vẫn nguyên vẹn. Năm 2009, do mở rộng đường nên ngôi chùa được di dời về tổ 18, khu phố chợ P.Hòa Hải, cách vị trí cũ khoảng 300 m.
Tuy nhiên, theo lời đồn thổi thì các tượng cổ không đơn thuần chỉ bằng đồng thông thường mà đó là đồng đen có giá trị kinh tế rất lớn. Những đồng đội năm xưa của ông nội ông Tự cũng truyền lại câu chuyện này cho con cháu của họ. Từ đó, mảnh vườn của ông Tự trở thành địa chỉ “dòm ngó” của không riêng gì “hậu duệ” những người từng tham gia chôn giấu mà cả những tay săn lùng cổ vật máu mặt.
Sau năm 1975, cha con ông Tự nhận không biết bao lời đề nghị khai quật mảnh vườn để tìm đồng đen đem bán. Giữ lời hứa với người quá cố, cha con ông quyết tâm bảo vệ, không cho ai lại gần mảnh vườn. “Nhưng nghĩ không thể tìm lại cổ vật nếu không có sự giúp sức của nhiều người nên cha tôi đã cùng khoảng 30 người khác đào xới, lật tung khu vườn, dùng cả máy rà kim loại hì hục suốt nhiều tháng liền mà vẫn không tìm thấy cổ vật”, ông Tự kể.
Cổ vật… có chân
Năm 1996, cha ông Tự qua đời. Ông Tự cùng các con trai vẫn canh cánh câu chuyện truy tìm số cổ vật. Vườn nhà đã được đào tìm không sót chỗ nào, còn mỗi nền nhà là chưa bị lật tung. Thế rồi cổ vật bất ngờ xuất hiện. Ngày 22.4.2014, khi đơn vị thi công đường vành đai phía nam san ủi mặt bằng đoạn qua nhà ông Tự (nhà ông thuộc diện giải tỏa trắng) thì chạm phải một vật cứng, phát ra tiếng rít kim loại nghe nhức tai. Các công nhân vô cùng ngạc nhiên khi thấy dưới hố sâu công trình phát lộ một vật tròn màu xanh đồng. Nhận được tin báo, ông Tự cùng người nhà đến hiện trường. “Biết cổ vật nằm đâu đó trong vườn nên tôi có dặn công nhân đào sâu xuống và cố gắng để ý. Và quả thật, số cổ vật đã lộ diện”, ông Tự cho biết.
Theo ông Tự, cổ vật do xe thi công đụng phải là chiếc chuông bằng đồng có đường kính khoảng 50 cm còn rõ chữ viết, qua đó cho thấy chuông được đúc vào năm Tự Đức thứ 4 (năm 1851). Chiếc chuông này úp lên bức tượng Quan âm Tống Tử cao 55 cm, rộng bề ngang 20 cm. Ngay sau khi được tìm thấy, số cổ vật được đơn vị thi công tạm cất giữ. Hay tin, hàng chục người dân địa phương và cánh săn tìm cổ vật đổ xô về căn nhà cũ của ông Tự để tìm kiếm. Một công nhân đã phát hiện thêm bức tượng Phật bằng đồng đứng trên đài sen cao 40 cm, đế cao 21 cm. Cả hai bức tượng được ngành chức năng địa phương xác định mang phong cách Trung Quốc, nhiều khả năng du nhập vào VN từ thế kỷ 15 theo con đường giao thương bằng đường thủy từ phố cổ Hội An. Trong khi đó, nhiều người dân khác sau khi tìm thấy cổ vật gồm: chiêng đồng đường kính 50 cm, các loại khánh đường kính 22 cm, hai con nghê, lư hương đồng... đã nhanh chóng tẩu tán. Phần đai của chiếc chuông bị xe thi công làm vỡ cũng bị bán vào tận TX.Điện Bàn (Quảng Nam). Lực lượng chức năng cùng các bên liên quan phải bỏ ra một số tiền lớn để chuộc lại số cổ vật này.
“Ông nội tôi khẳng định cổ vật được chôn ngoài vườn, thế mà không hiểu sao chúng lại nằm chính ngay trong nhà dưới độ sâu 3 - 4 m đất. Tôi vẫn không thể tài nào giải thích được. Cổ vật cứ như… có chân, nhờ thế mà tránh được sự săn lùng của nhiều người”, ông Tự tỏ ra khó hiểu: “Tôi tin là cổ vật chùa Thái Bình cực kỳ linh thiêng”.
Ngay sau khi hoàn thành các thủ tục, xác minh, chính quyền địa phương và Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng đã trao trả số cổ vật cho trụ trì chùa Thái Bình quản lý, hiện được nhà chùa cất giữ cẩn thận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.