Cổ vật kỳ sự: Chiếc tô sứ của chúa Nguyễn Phúc Chu

31/08/2016 06:26 GMT+7

Trong bộ sưu tập cổ vật của anh Nguyễn Hữu Hoàng (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) có bộ sưu tập tô sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn rất quý, nhưng trong đó chiếc tô sứ Thuận Hóa vãn thị là cổ vật được anh Hoàng sở hữu với một “kỳ duyên” thú vị.

Trong một lần nói chuyện chuyên đề về thưởng ngoạn đồ sứ VN ở Huế, nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn có nhắc đến một chiếc tô sứ Thuận Hóa vãn thị (Chợ chiều Thuận Hóa) của chúa Nguyễn Phúc Chu mà ông đã may mắn gặp tại Huế hơn 30 năm trước.
Chiếc tô bể giá 1 cây vàng
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, đây là chiếc tô sứ duy nhất ở VN còn lưu giữ và được giới nghiên cứu biết cho đến thời điểm hiện tại. Một lần về Huế cách đây hơn 30 năm, ông đã tình cờ phát hiện trong một gia đình ở nội thành Huế có lưu giữ chiếc tô sứ Thuận Hóa vãn thị, đường kính khoảng 18 cm. Lần ấy, ông Sơn đã năn nỉ mua lại nhưng chủ sở hữu chiếc tô cương quyết không bán. 30 năm sau, ông trở lại Huế và được biết nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng đã sở hữu chiếc tô. Theo ông Sơn, đây cũng là điều may mắn vì cổ vật vẫn còn được gìn giữ ở Huế.
Kể về chiếc tô sứ mà mình may mắn mua được, anh Hoàng cho rằng đây là một “kỳ duyên” hiếm thấy của mình. “Thời điểm nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn viết bài và đăng trên các tạp chí, tôi chỉ là chàng trai trẻ đam mê và mới tập tễnh bước vào giới chơi đồ cổ ở Huế. Khi đọc được bài viết này, tôi đã lấy viết ghi ngay vào một câu, ước gì một ngày nào đó mình mua được chiếc tô này”.
Mơ ước là vậy, nhưng suốt 20 năm, anh vẫn chưa tìm thấy chiếc tô. Cho đến một ngày vào khoảng năm 2013, có một người tìm đến nhà anh để bán một chiếc tô bị bể. Khi nhìn thấy chiếc tô, anh vô cùng sửng sốt. “Tôi lạnh cả sống lưng khi nhìn thấy chiếc tô Thuận Hóa vãn thị của chúa Nguyễn Phúc Chu từng mơ ước bấy lâu. Có những cổ vật mình khát khao nhưng vẫn không thể nào có được, nhưng có những cổ vật mà mình có được như một kỳ duyên”, anh Hoàng chia sẻ.
Dù là chiếc tô bể, nhưng anh Hoàng vẫn bỏ ra 1 cây vàng để mua. Sau khi mua, anh đã dán lại và dùng mấy chỉ vàng bọc quanh vành miệng để bảo quản. “Với một cổ vật như vậy, phải bọc vàng mới xứng đáng để gìn giữ”, anh Hoàng tâm đắc.
Sau này, khi đã mua được chiếc tô sứ, anh Hoàng mới biết chủ nhân của chiếc tô là một gia đình làm nghề kinh doanh vàng trong nội thành Huế, có thể do sơ ý để chiếc tô bị bể nên chủ nhân mới chịu bán đi.
Bên cạnh tô sứ Thuận Hóa vãn thị, anh Hoàng hiện còn sở hữu các tô sứ khác cũng của Nguyễn Phúc Chu như: Ải lĩnh xuân vân (Cảnh núi Hải Vân); Tam Thai thính triều (Nghe sóng ở Tam Thai, tức núi Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng)...
Lai lịch chiếc tô của Quốc Chúa
Theo TS Trần Đức Anh Sơn, trong bài Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu và những bài thơ vịnh cảnh sắc vùng Thuận - Quảng trên đồ sứ ký kiểu, Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Thái và vương phi Tống Thị Lĩnh. Ông được đình thần tôn lên kế vị Nguyễn Phúc Thái vào năm 1691, trở thành vị chúa Nguyễn thứ sáu trị vì Đàng Trong. Đến năm 1693, Nguyễn Phúc Chu được quần thần tấn tôn làm Thái phó Quốc công và dâng tôn hiệu là Quốc chúa. Lên ngôi lúc mới 17 tuổi, giữ ngôi vị suốt 34 năm, Nguyễn Phúc Chu là một trong những vị chúa Nguyễn tạo dựng công nghiệp ở Đàng Trong, là một tác gia lớn của văn học Đàng Trong. Ông sáng tác nhiều thơ văn, hiện vẫn còn lưu truyền. Do pháp danh của ông là Thiên Túng đạo nhân nên khi sáng tác thi văn, ông thường ghi ba chữ Đạo nhân thư ở cuối tác phẩm của mình.
Cũng theo TS Trần Đức Anh Sơn, đặc biệt, Nguyễn Phúc Chu rất thích đặt làm các món đồ sứ ký kiểu ở Trung Hoa, trên đó, ông cho đề các thi phẩm do ông trước tác và cho vẽ hình minh họa nội dung các thi phẩm ấy. Đến nay, giới sưu tầm đồ sứ ký kiểu ở trong và ngoài nước đã sưu tầm được nhiều món đồ sứ do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu, chủ yếu là những chiếc tô lớn, có đề các bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Đó là những bài thơ thất ngôn bát cú, được viết trên những chiếc tô sứ men trắng vẽ lam, hiệu đề Thanh ngoạn viết theo kiểu chữ triện trong vòng tròn kép. Bên cạnh mỗi bài thơ là một bức tranh sơn thủy - nhân vật, vẽ cảnh sắc, địa danh mà bài thơ miêu tả. Đây là lối trang trí nhất thi, nhất họa rất phổ biến trên đồ gốm sứ phương Đông lúc bấy giờ.
Chiếc tô sứ Thuận Hóa vãn thị mà anh Nguyễn Hữu Hoàng đang sở hữu là một trong những cổ vật độc bản tại VN hiện nay, được chúa Nguyễn Phúc Chu đặt làm từ Trung Hoa, trên ấy có vẽ cảnh chợ chiều ở xứ Thuận Hóa và bài thơ Thuận Hóa vãn thị của chúa Nguyễn Phúc Chu.
Bài thơ Thuận Hóa vãn thị nguyên văn chữ Hán, bản dịch của Hải Trung như sau: Chợ chiều Thuận Hóa/Bến chiều khói quyện ấm dòng xanh/Nghe tiếng xuân tràn giữa giọng oanh/Thiếu nữ lao xao chiều loáng thoáng/Lụa là xúng xính nẻo loanh quanh/Khi mua rượu trắng làm vui khách/Lúc đổi tiền xanh giúp lợi dân/Buôn bán đấu cân, vui chẳng lụy/Cát Thiên (*) tục cũ vẫn còn ngân.
* Cát Thiên: gốc từ chữ Cát Thiên Thị là tên một vị hoàng đế thời thượng cổ ở Trung Quốc. Vào thời Cát Thiên, phong tục thuần hậu, đời sống dân tình đầy đủ, xã hội thái bình (chú giải của TS Trần Đức Anh Sơn). 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.