Con đường cho truyện tranh Việt Nam

30/07/2012 03:20 GMT+7

Tuy đã có hàng chục năm lịch sử, nhưng truyện tranh VN giờ mới đang chập chững những bước chuyên nghiệp đầu tiên.

Sinh sau đẻ muộn trong giới xuất bản, nhưng thể loại truyện tranh VN vốn không được các NXB trong nước chú ý. Bởi, độc giả trẻ Việt chỉ chuộng manga của Nhật, manhwa của Hàn Quốc, manhua của Trung Quốc, comics của phương Tây... với những nét vẽ tinh xảo, sống động và đầy trí tưởng tượng cùng nội dung hiện đại, gần gũi. Trong khi đó, ở ta chưa thành hình đội ngũ họa sĩ truyện tranh VN chuyên nghiệp có kỹ năng cao và đây vẫn còn là mảng trống lớn vì không được chú tâm đào tạo. Hiện mới chỉ có hai trường đại học (ĐH) đào tạo chuyên ngành về truyện tranh là ĐH Mỹ thuật TP.HCM (khoa minh họa - truyện tranh) và ĐH Hồng Bàng (ngành truyện tranh thuộc khoa mỹ thuật công nghiệp) với tuổi đời khoảng vài năm.

Chỉ mãi tới Festival Truyện tranh VN lần thứ nhất (2010), các họa sĩ của ta mới được gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sáng tác với họa sĩ Bỉ gốc Việt Vink (Vĩnh Khoa), cùng sáng tác 1 bộ poscard chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây được coi là cú hích để các họa sĩ truyện tranh VN mạnh dạn hướng tới sân chơi chuyên nghiệp. Tới Festival Truyện tranh VN lần 2 (2011), các họa sĩ VN mới có dịp tham gia hội thảo về kỹ năng sáng tác kịch bản truyện tranh cùng các chuyên gia Bỉ và Canada, nhưng nặng tính chất học tập là chính. Và tới festival lần 3 vừa qua, các họa sĩ Việt đã có thể trưng bày một triển lãm truyện tranh đúng nghĩa với tên gọi Từ ý tưởng tới tác phẩm truyện tranh gồm 30 bức của 11 họa sĩ trẻ VN. Rồi hội thảo với sự tham gia của ông Jean Auquier - Giám đốc Trung tâm truyện tranh Bỉ để trang bị thêm những kiến thức về truyện tranh một cách hệ thống và chuyên nghiệp.

 Con đường cho truyện tranh Việt Nam
Tác phẩm Đường rầy xe lửa của tác giả Hoàng Nam Việt - Ảnh: T.L

 Con đường cho truyện tranh Việt Nam 1
Tác phẩm Vương miện sắc đẹp của tác giả Tạ Huy Long - Ảnh: T.L

Cần thay đổi quan niệm

Trao đổi với một số họa sĩ VN, nhiều người thừa nhận truyện tranh của ta phát triển khá bế tắc, khó đoán định. Lý do đơn giản, vì truyện tranh là sự tổng hợp của một dây chuyền công nghệ. Do vậy ngoài việc dựng một dây chuyền đào tạo chuyên nghiệp, thì cần ý thức đó là ngành công nghệ giải trí. Phải chuẩn bị kỹ tiền đề nền móng cho nó như một ngành sản xuất - kinh doanh. Ví dụ như Hàn Quốc. Truyện tranh nước này khởi đầu khá muộn so với những “siêu cường” truyện tranh khác, nhưng gần đây lại đạt những thành tựu phát triển vượt bậc.

Hiện, manhwa đã trở thành phương tiện truyền thông chính, cùng với âm nhạc và phim truyền hình trong công cuộc quảng bá văn hóa Hàn Quốc do chính phủ nước này khởi xướng. Sở dĩ đạt được những thành tựu như vậy vì Hàn Quốc cử rất nhiều người thuộc đội ngũ sản xuất truyện tranh sang Nhật, Mỹ... du học và coi truyện tranh là ngành thương mại giải trí, chứ không phải là sản phẩm văn hóa giáo dục. Truyện tranh của họ không bị ép buộc chỉ thể hiện những nội dung truyền thống dân tộc, mà phong phú đa dạng về đề tài, cách thể hiện, thiên về tính giải trí nên được độc giả trong và ngoài nước yêu thích. Vì vậy trước hết cần đào tạo các nhà sản xuất truyện tranh chuyên nghiệp, tiếp đó mới tới phần đào tạo những người viết kịch bản, họa sĩ...

Nếu không chuẩn bị được phần gốc kỹ càng thì phần ngọn (các họa sĩ, nhóm sáng tác truyện tranh, các công ty xuất bản truyện tranh...) dù tâm huyết đến đâu cũng chỉ có thể cho ra những sản phẩm mang tính chất lẻ tẻ, khó xây dựng được con đường đúng hướng cho truyện tranh VN.

Ngọc Bi

>> Đua nhau lên mạng vẽ truyện tranh
>> Họa sĩ “tiếp thị” truyện tranh
>> Festival truyện tranh lần 3 tại VN
>> “Tắc kè hoa” Katy Perry lên truyện tranh
>> Truyện tranh Việt: đường xa khách vắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.