Đạo diễn 'biết bay' và câu chuyện 'Visa'

04/05/2016 09:16 GMT+7

Không ít khán giả của sân khấu kịch Hồng Hạc (TP.HCM) ngạc nhiên khi biết đạo diễn trẻ Chi Cù, người thực hiện vở kịch đầu tay Visa hiện là tiếp viên trưởng của một hãng hàng không.

Không ít khán giả của sân khấu kịch Hồng Hạc (TP.HCM) ngạc nhiên khi biết đạo diễn trẻ Chi Cù, người thực hiện vở kịch đầu tay Visa (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Hải Miên) hiện đang là tiếp viên trưởng của một hãng hàng không.
Bằng đạo diễn lặng lẽ cùng 21 năm bay
Tốt nghiệp cấp 3 với suy nghĩ: tại sao mình không tìm một công việc để vừa làm chủ cuộc sống vừa thỏa ước mơ được đi đây đi đó, thế là Chi Cù (Cù Kim Chi, sinh năm 1977) đăng ký học tiếp viên (khóa đào tạo 6 tháng) và đến với nghề tiếp viên hàng không. Bay được một thời gian, chị lại ngẫm: nếu học thêm báo chí, sẽ vừa được đi nhiều kết hợp viết bài thì càng thú vị. Rồi chị thi vào báo chí. Vừa bay vừa học. Nhưng theo được một năm thì bỏ cuộc. Rồi được người thân và bạn bè khuyến khích học sân khấu điện ảnh, do biết chị đam mê phim ảnh, kịch nghệ từ nhỏ, vậy là “sao mình không thử thi?”.
Đạo diễn 'biết bay' & câu chuyện Visa
Một cảnh trong Visa Ảnh: Hồng Hạc
Chi Cù cho biết, khi học Khoa Đạo diễn - Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, chị được cơ quan tạo điều kiện, chẳng hạn có thể xin đăng ký giờ bay hoặc xin đổi lịch bay với đồng nghiệp để đảm bảo các buổi thi. Dù vậy, thời gian học đại học là giai đoạn “nhớ đời” của chị bởi khi tốt nghiệp (2004) chị còn “hoàn thành trọng trách” thiêng liêng khác: có chồng, sinh con. Ra trường không bao lâu, chị sinh đứa thứ hai. Rồi vào TP.HCM sinh sống để thuận tiện công việc của chồng. Những chuyến bay lẫn “lịch” của một người vợ và mẹ 2 trẻ nhỏ đã chiếm hết thời gian của một đạo diễn. “Đôi khi muốn dừng bay để làm gì đó cho đam mê điện ảnh của mình nhưng lại thấy tiếc… cứ vương vấn mãi đến nay đã bay 21 năm”, chị tâm sự.
Visa - giấy thông hành để “được là chính mình”
Không chỉ từng xem, đọc rất nhiều tác phẩm của đạo diễn - biên kịch Việt Linh, Chi Cù cho biết chị thường email xin ý kiến của “tiền bối” cho những kịch bản của mình, cũng như được đạo diễn Việt Linh (khi ấy đang ở Pháp) chia sẻ về dự án thành lập Sân khấu Hồng Hạc - nơi tạo cơ hội cho người trẻ và những ý tưởng mới. Vậy nên cuối năm 2015, khi đạo diễn Việt Linh khi về VN, gọi cho chị, Visa đến với Chi Cù!
Visa, từ truyện Hải Miên, qua biên kịch Việt Linh rồi vào tay đạo diễn Chi Cù, trở thành câu chuyện của nữ quyền, nhưng là “tiếng nói” nhẹ nhàng và duyên dáng.
Đạo diễn 'biết bay' & câu chuyện Visa 2
Chi Cù từng làm trợ lý đạo diễn cho Phan Đăng Di trong bộ phim Cha và con và… Hiện tại chị đang bắt tay vào tác phẩm thứ 2 - vở nhạc kịch Hân hạnh phục vụ quý bà
Thông qua 4 nhân vật và chuyện của họ: Christian (Aeron Toronto) - nhân viên sứ quán ngoại quốc lạnh lùng, nghiêm khắc, đa nghi đã bị cô gái Việt có tâm hồn trong sáng, trái tim nhiệt thành chinh phục; Lim (Lan Phương) - phóng viên cá tính, mẫn cán, chân thành, đang mong có tấm visa để đến với tình yêu ở châu Âu; Phong (Khôi Trần) - người VN sinh sống ở nước ngoài rồi trở về quê hương làm việc; Thương (Hoàng Thúy/Khánh Hòa) - tri âm tri kỷ của Lim, người xem tình bạn thanh cao và quý giá đến mức dễ gây nhầm lẫn (nếu không hướng đến vẻ đẹp tích cực giữa 2 người cùng phái)… Visa “giải tỏa” được ức chế cảm xúc của con người - những người biết tháo bỏ định kiến, nguyên tắc cố hữu để cảm nhận một cách thoải mái, dễ chịu những điều khác lạ, thú vị trong cuộc sống.
Chỉ trong 1 tiếng 45 phút, bên cạnh diễn xuất đáng khen ngợi của diễn viên, nhất là chàng nghệ sĩ Mỹ Aeron Toronto, Visa còn cho thấy dấu ấn tinh tế của đạo diễn qua cách mượn ẩm thực để so sánh văn hóa Á - Âu, hay “cài” vào giấc mơ những lời tự sự của từng nhân vật và cho họ tự “giải quyết” những mâu thuẫn của mình, tạo nhịp vui - buồn đen xen trong từng phân cảnh…
“Đạo diễn sân khấu là một thử thách khó lường”, Chi Cù nhìn nhận. Song với chị, điều quan trọng hơn sau mỗi suất diễn, là “khiến ai đó chợt nhận ra điều gì đấy còn đang thiếu trong cuộc sống của mình”, vậy đã là hạnh phúc…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.