Đạo diễn Đỗ Phú Hải: "Đưa Nam Bộ đầu thế kỷ 20 lên phim"

17/07/2006 23:02 GMT+7

Sau khi thực hiện các phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh rất thành công như Nợ đời, Con nhà nghèo, Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) lên dự án tiếp tục chuyển thể những tác phẩm có giá trị khác của nhà tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ 20 này lên phim để tạo thành một tủ sách điện ảnh chủ đề đời sống và không gian miền Nam đương thời. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Đỗ Phú Hải, Trưởng phòng Phim truyện TFS.

* Anh có thể giới thiệu một cách khái quát về dự án độc đáo này?

- Ban giám đốc hãng phim và ê-kíp thực hiện hết sức tâm đắc dự án này. Khi nhận thấy khán giả rất quan tâm đến các phim truyền hình chuyển thể từ tác phẩm Hồ Biểu Chánh, chúng tôi tự hỏi tại sao không thực hiện một cách xuyên suốt, hệ thống và toàn diện hơn về đề tài này? Dự án gồm 50 tập phim, lựa chọn các tiểu thuyết hay nhất của Hồ Biểu Chánh để chuyển thể. Nhóm viết kịch bản và đạo diễn đều là những người gắn bó máu thịt với đời sống Nam Bộ. Họ thấm nhuần sâu sắc không gian văn hóa và tâm linh Nam Bộ trong tác phẩm.

* Tại sao lại là Hồ Biểu Chánh mà không phải ai khác? 

- Chúng tôi chọn Hồ Biểu Chánh vì nhiều lý do nhưng quan trọng nhất vì ông là một trong số ít người đầu tiên đặt nền móng cho nền tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ ở Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Văn phong mộc mạc chân tình, lại gần gũi với con người miền Nam. Tác phẩm Hồ Biểu Chánh rất giàu tính nhân văn, vượt lên trên quan niệm thiện ác thông thường với việc ông để các nhân vật ác luôn biết tự cải hối. Những con người bất hạnh luôn được bù đắp. Hơn thế nữa, không gian Nam Bộ đầu thế kỷ 20 đặc sệt. Tái hiện lại những điều đó bằng phim ảnh không phải chỉ có giá trị hiện tại mà còn dành cho các thế hệ sau.

* Giá trị đạo đức của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là không thể phủ nhận. Nhưng làm phim phải hướng đến khán giả. Anh có e ngại khán giả trẻ sẽ thấy xa cách quá với đề tài này không? Họ đang gắn với internet, iPod... trong khi không khí Nam Bộ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh lại rất... cổ xưa?

- Có một điều rất bất ngờ là khi phát sóng phim Nợ đời cũng như các phim về Nam Bộ xưa, chúng tôi nhận được nhiều thư của các bạn trẻ tuổi đôi mươi nói rằng họ khao khát muốn biết về quá khứ của dân tộc, đất nước qua phim. Tôi nghĩ, giới trẻ không ai muốn quay lưng với quá khứ mà ngược lại. Vấn đề ở đây là phải làm sao để phim hấp dẫn, mang được hơi thở thời đại vào. Giá trị đích thực của tác phẩm nghệ thuật là ở chỗ nó giúp người tiếp nhận thấy khát vọng mình trong đó. Mà tác phẩm Hồ Biểu Chánh thì có đầy đủ các khát vọng: hướng thiện, công bằng, nhân ái...

* Tái hiện lại không gian Nam Bộ là điều không dễ dàng, nhất là khi quá trình đô thị hóa đang làm mất dần nét duyên dáng xưa cũ. Chúng ta có đủ năng lực mọi mặt để thực hiện nhiệm vụ này không, thưa anh?

- Nếu không bây giờ thì sẽ là bao giờ khi quá trình đô thị hóa đang diễn ra hằng giờ? Vì một giá trị bền vững, vì khao khát muốn để lại điều gì đó cho thế hệ sau về một thời điểm lịch sử của Nam Bộ nên chúng tôi rất cố gắng, sẽ làm hết sức mình. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức, đơn vị kinh doanh nhìn thấy giá trị thực sự của dự án phim, nhìn thấy lợi nhuận từ các khách hàng tiềm năng của họ là các khán giả xem phim. Hơn nữa, đó còn là sự đầu tư mang ý nghĩa to lớn về mặt giáo dục, nhân văn. Chúng tôi thực sự mong được bắt tay với những người yêu mến nền văn học dân tộc và tâm huyết với điện ảnh truyền hình nước nhà, yêu mến Hồ Biểu Chánh và không gian Nam Bộ xưa!

Vinh Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.