Đi tìm 'cung xưa nếp cũ'

24/10/2017 07:41 GMT+7

Một ngày giữa tháng 10 vừa qua, dù mưa to nhưng rất nhiều bạn trẻ đã đến xếp hàng từ sớm để vào dự đêm đối thoại Cung xưa nếp cũ về cung cách, nếp ăn và mặc trong cung đình xưa, do nhà nghiên cứu Trịnh Bách chủ trì, tại Trường ĐH Hoa Sen.

Sẵn sàng đóng phí để nghe chuyện xưa
Cung xưa nếp cũ (diễn ra ngày 17.10) là số thứ 5 của chuỗi Đối thoại văn hóa cộng đồng - CCD, do Phan Khắc Huy (31 tuổi, cựu sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM), người sáng lập Công ty Cội Việt, điều hành. Những chương trình này, cũng như các hoạt động mà Cội Việt tổ chức (Thư quán Cội Việt, Ký ức Sài Gòn…) đều nhằm tạo ra không gian văn hóa để các bạn trẻ có địa chỉ tin cậy tìm hiểu, thưởng thức và học hỏi kinh nghiệm thực hành văn hóa; là nơi để chia sẻ, lan tỏa kiến thức lẫn tình yêu đối với lịch sử, với văn hóa VN.
Đặc biệt, các buổi nói chuyện chuyên đề, workshop… mà Cội Việt tổ chức đều thu khoản phí tượng trưng (lớp học “một tô” trước đây là 20.000 đồng/người, các chương trình CCD hiện nay thu phí qua hình thức bán vé - 150.000 đồng/vé, với sinh viên là 100.000 đồng…; riêng CCD 5 thì không thu phí theo yêu cầu của diễn giả), song luôn kín chỗ. Theo Huy, khoản phí này sẽ giúp tái đầu tư chất lượng chương trình, để có kế hoạch phát triển dài hơi mà không phụ thuộc vào các nguồn tài trợ.
Từng tham gia những buổi nói chuyện về lịch sử, văn hóa tại TP.HCM như Sách sử cho người trẻ, Lịch sử được viết như thế nào, giao lưu nhân dịp ra mắt công trình nghiên cứu về triều đại Quang Trung của tác giả Nguyễn Duy Chính… do nhiều đơn vị tổ chức thời gian qua, người viết ghi nhận rất đông người đến dự là sinh viên, học sinh. Các bạn mạnh dạn nêu thắc mắc từ nghi vấn của mình trước các dữ kiện thu thập được. Chẳng hạn: “Áo vua nhà Nguyễn có 9 con rồng, vậy tại sao Vua Khải Định khi sang Pháp lại mặc áo có 11 con rồng”? Hoặc “Có hay không việc huyền thoại hóa lịch sử - như trường hợp của Nguyễn Trãi với vụ án Lệ Chi viên?”… Cường Nguyễn, một bạn trẻ đam mê sử, cho rằng: “Sự mở ra về thông tin, tư liệu thông qua những tiện ích của công nghệ là một hỗ trợ vô cùng đắc lực trong lĩnh vực này”.
Việc các bạn trẻ thành lập câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động để tìm hiểu những giá trị của lịch sử là điều cần khuyến khích và ủng hộ. Bởi người trẻ khi có hiểu biết về lịch sử, hiểu biết nguồn cội thì sẽ xây dựng được lòng yêu nước đúng đắn
PGS-TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế
“Nhu cầu nhận biết lịch sử của giới trẻ cũng như người Việt nói chung là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Tôi cho rằng ngoài kiến thức từ nhà trường, việc các bạn trẻ thành lập câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động để tìm hiểu những giá trị của lịch sử là điều cần khuyến khích và ủng hộ. Bởi người trẻ khi có hiểu biết về lịch sử, hiểu biết nguồn cội thì sẽ xây dựng được lòng yêu nước đúng đắn”, PGS-TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế, nhận định.
Kể chuyện sử trên mạng
Những ai có hứng thú trong việc tìm hiểu những câu chuyện, nhân vật lịch sử có nhiều tranh cãi hoặc chưa được viết nhiều, hẳn sẽ biết đến trang Facebook của chàng trai 9X Phạm Vĩnh Lộc (quê Nha Trang, tốt nghiệp ĐH Hoa Sen, hiện sống tại TP.HCM). Lộc gây chú ý với cộng đồng mạng, cũng như giới trẻ “ghiền sử”, từ bộ 3 clip lịch sử tóm tắt thời khởi nghĩa Lam Sơn đến thời nhà Nguyễn, hay gần đây có clip Hùng ca sử Việt. Bên cạnh đó, những album được chia sẻ trên trang của Lộc như Lịch sử phong kiến VN, Tự hào dân tộc Việt… đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, đặc biệt là các lời khen về lối kể chuyện của Lộc: “Bạn viết về lịch sử VN rất teen và hấp dẫn”, “Lịch sử mà được kể như các bạn thì bảo sao không lôi cuốn cho được”…
Lộc chia sẻ: “Ban đầu mình kể chuyện lịch sử chỉ để cho vui, chẳng hạn những câu chuyện dã sử nhẹ nhàng và gây cười trên mạng xã hội, thì bây giờ đó là một công việc nghiêm túc”. Lộc có một trang bán sách tên là Đại Việt Tàng Thư trên Facebook, nhờ đó Lộc trang trải được kinh phí cho các chuyến khám phá để thêm vào những chi tiết thú vị cho các bài viết. Từ sự tìm tòi của mình, Lộc cho rằng ba mẹ con công chúa Lê Ngọc Hân sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ đã chạy vào An Giang và đổi sang họ Đoàn. Hoặc Lộc cùng với người bạn đã tìm được nhà hậu duệ của hoàng tử Lê Duy Mật (người tự xưng là vua áo đỏ) ở Ninh Hòa, Khánh Hòa… Tất cả những giả thiết, tìm kiếm đó đều được đưa chi tiết trên trang Facebook của Lộc, với hơn 34.000 người theo dõi. Còn một dự án sẽ được Lộc công bố vào thời điểm hợp lý, đó là phối hợp với một đơn vị xuất bản đem những tài liệu sử học liên quan đến VN từ Pháp về…
Lộc cho biết từ những câu chuyện của mình, Đạt Phi Media đã thực hiện serie Hùng ca sử Việt sắp ra mắt trên YouTube. Demo Võ Tánh trung tiết anh hùng mới đây được đưa lên mạng đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. “Đó là sự khích lệ cho cả ê kíp, rằng chúng tôi không đơn độc trong việc truyền lửa tình yêu lịch sử nước nhà”, Lộc bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.