Đơn ca tài tử - Kỳ 3: Rạp hát, đĩa hát thầy Năm Tú

09/06/2013 00:25 GMT+7

Vào đầu thế kỷ 20, thầy Năm Tú không chỉ nức tiếng với gánh hát của mình mà còn đóng góp quan trọng để quảng bá cải lương.

Rạp cải lương đầu tiên

Châu Văn Tú, còn gọi là Pièrre Châu Văn Tú (hay thầy Năm Tú), là một nhà tư sản ở Mỹ Tho xưa. Năm 1918, ông xây dựng tại chợ Mỹ Tho một rạp mang tên Cinéma Palace, còn gọi là rạp Thầy Năm Tú (sau này đổi tên là rạp Vĩnh Lợi rồi Tiền Giang).

 Máy hát đĩa xưa
Máy hát đĩa xưa - Ảnh: H.P

Trước khi có rạp thầy Năm Tú, ở Mỹ Tho đã có rạp Tư Lài nhưng cũng chỉ dành cho hát bội, bên trong bài trí sơ sài. Lần đầu tiên ở Mỹ Tho có một rạp hát tương đối hiện đại, dành riêng cho nghệ thuật cải lương. Rạp Thầy Năm Tú có sân khấu rộng và cao, được bố trí ròng rọc để thay đổi phông màn, hai bên có nhiều lớp cánh gà. Rạp có hai tầng ghế ngồi. Tầng dưới có hàng trăm ghế đủ 4 hạng: thượng hạng, hạng nhất, nhì và ba. Trên lầu là sàn gỗ chắc chắn cũng bố trí ba hạng ghế: nhất, nhì, ba. Còn hai bên chia thành từng ngăn và bốn ghế đẹp dành cho khách đặc biệt. Qua nhiều lần đổi chủ, sửa sang, rạp Thầy Năm Tú hiện vẫn còn ở đường Lý Công Uẩn với tên là rạp Tiền Giang, nhưng ít khi có đoàn cải lương diễn.

Hồi đó, sau khi mua lại gánh xiếc cùng một số diễn viên tài năng của ông André Thận, thầy Năm Tú sắm thêm màn cảnh, y phục và nhờ ông Trương Duy Toản - là thầy tuồng, dàn dựng nhiều vở cải lương rất ăn khách. Năm 1922, thầy Năm Tú lập gánh hát và cũng là gánh hát thành công nhất, thu hút được nhiều diễn viên nổi tiếng bấy giờ như Sáu Nhiêu, Tám Danh, Phùng Há, Năm Châu… Gánh hát Thầy Năm Tú thường diễn tuồng Kim Vân Kiều (của Nguyễn Công Mạnh), Trưng Nữ Vương (của Đặng Thúc Liêng), Trang Châu mộng hồ điệp, Mộc Quế Anh dưng cây, Tội của ai (của Năm Châu)… Mỗi tuần gánh hát Thầy Năm Tú diễn tại Mỹ Tho 3 đêm, diễn ở rạp Eden (Chợ Lớn) 3 đêm và nhiều nơi khác.

Máy hát thầy Năm Tú

Ngoài việc xây rạp, lập gánh hát, thầy Năm Tú còn nhập linh kiện về rồi tổ chức lắp ráp và phổ biến máy hát đĩa hiệu Pathé phono. Ông còn làm đại lý thu đĩa các tuồng cải lương gánh hát của mình gửi sang Pháp cho hãng Pathé phono in ra đĩa rồi đem về bán.

Máy hát thầy Năm Tú có đặc trưng riêng là mang nhãn hiệu Con chó, đĩa hát thì hiệu Con gà trống đỏ. Đĩa hát thầy Năm Tú có 2 loại: Loại thứ nhất phát các bài hát bằng tiếng Hoa và bán cho người Hoa. Loại thứ hai dành cho thính giả Việt Nam. Do đĩa có dung lượng rất thấp nên mỗi tuồng cải lương phải in từ 6 đến 12 đĩa, tùy theo tuồng. Sau này, mỗi đĩa đơn chỉ chứa một bài 6 câu vọng cổ.

Lúc bấy giờ, nhờ có phương tiện máy hát đĩa mà nhiều người bình dân thuộc vanh vách các điệu ca Tứ đại oán, Hành vân, Xàng xê, Dạ cổ hoài lang… Sau này thì Tiết Nhơn Quý chinh đông, Tiết Đinh San chinh tây rồi tới Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà. Riêng ở thôn quê, mỗi khi có đám cưới, người có máy hát đĩa rất khổ vì được gia chủ cho người bơi xuồng tới rước về ngồi trên bộ ván giữa để quay dây thiều và thay kim, thay đĩa phục vụ thính giả suốt đêm. Đĩa hát có 2 mặt, nhưng đối với người kỹ tính thì hát xong một mặt phải thay một cây kim mới để khỏi làm trầy đĩa, trong khi thời lượng của một đĩa 6 câu vọng cổ chỉ chừng 10 phút và mỗi khi hát xong một mặt phải trở bề.

Cũng từ khi có máy hát thì dư luận bàn tán xôn xao. Người thì khen kỹ thuật phương Tây giỏi, kẻ thì cho rằng bọn Tây dùng mị thuật bắt hồn người ta nhốt vào trong đó, từ đó chúng dễ bề cai trị… Vì vậy có thơ bình luận rằng: “Chỉ nghe tăm tiếng thấy đâu hình/Phẫn nộ cười ca nghe mà kinh/Mị thuật trên đời nhiều phép lạ/Không là thần dị cũng tà tinh”.

Mặc dù có khen có chê, nhưng rồi người ta cũng chấp nhận và cũng nhờ có máy hát thầy Năm Tú mà cải lương được phổ biến rất nhanh. Có những người còn mang loại hình nghệ thuật này ra tận Hà Nội rồi tổ chức tập đàn, tập ca và dựng tuồng cải lương trên đất Bắc, như sinh viên Trường cao đẳng Hà Nội tổ chức dàn dựng và trình diễn vở Tối độc phụ nhơn tâm, rồi sinh viên Trường Lục lộ-Công chánh đưa tuồng Kim Vân Kiều lên diễn đầu tiên ở rạp Quảng Lạc (Hà Nội) vào khoảng năm 1925... (Từ hát bội đến thoại kịch, tác giả Thuần Phong, Đồng Nai Văn tập, số 7.1966).

Tiếc thay, thầy Năm Tú sau đó bị vỡ nợ, các dịch vụ văn hóa do ông khởi xướng ngừng hoạt động. Và đầu năm 1928, gánh hát Thầy Năm Tú tan rã tại chợ Cái Bè sau 6 năm tồn tại.  

“Máy hát tây sao biết hát tiếng ta?”

Lúc mới ra mắt, máy hát còn là “vật thể lạ” với nhiều người. Một cụ già ở Tiền Giang thuật lại rằng, hồi cụ còn trẻ, đi chợ thấy người ta bu nghẹt ở một cửa tiệm nọ. Có một ông hương chức khăn đen áo dài cặp dù nhón gót nhìn vô. Trên bàn có một cái máy hát, tiếng đờn, tiếng hát phát ra vui vẻ. Ông lấy làm lạ hỏi:

- Cái gì hò hát vậy chú?

- Máy hát thầy Năm Tú mua tận bên tây đem về

- Có ai trong đó mà hát vậy?

- Trong đó có máy chứ có ai đâu.

- Máy hát tây sao biết hát tiếng ta?

- Thì nó là cái máy, ông vặn tiếng tây thì nó hát tiếng tây, vặn tiếng ta thì hát tiếng ta. Ông đợi một lát nó hát tiếng tây cho mà nghe!

Nghe chủ tiệm nói chiếc máy này đem ra hát để quảng cáo bán cho khách, ông hương chức nọ mừng quýnh bèn hỏi giá. Chủ tiệm cho biết giá máy là 30 đồng, mỗi cái đĩa giá 4 đồng. Sau khi được chỉ dẫn cách quay dây thiều, cách thay đĩa, thay kim... ông hương chức nọ mua liền một cái.

Hoàng Phương - Ngọc Phan

>> Violin "giao duyên" với cải lương giữa phố
>> Xem "Đêm trước ngày hoàng đạo": Khi cải lương đẹp đến bất ngờ!
>> Cải lương
>> Cải lương rút ngắn
>> Trao giải giọng ca cải lương giải Cao Văn Lầu
>> Cải lương vào phòng trà
>> Cải lương sống trên internet
>> Cải lương vào phòng trà
>> Cải lương loay hoay làm mới
>> Khai mạc liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012
>> NSND Bạch Tuyết làm giám khảo hội diễn cải lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.