Gặp lại vị tiến sĩ Đức mê nhạc Trịnh

Tiến sĩ triết học người Đức Frank Gerke không chỉ mê nhạc Trịnh mà còn mê say văn học Việt một cách kỳ lạ.

Tôi gặp Frank Gerke cách đây 11 năm (2006) trong một quán cà phê trên đường Cao Thắng, TP.HCM. Đêm đó anh đi cùng một nhóm bạn, trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Từ Huy. Và mọi người đều bất ngờ khi anh lên sân khấu, ôm đàn guitar tự giới thiệu: “Tôi là… Trịnh Công Long” rồi hát Một cõi đi về.
Và rồi những ngày cuối tháng 8 vừa qua, tôi lại có cơ hội gặp lại vị tiến sĩ mê nhạc Trịnh này, được nghe anh chia sẻ thêm những kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của anh để góp phần đưa văn học Việt ra thế giới.
Người Đức tên Trịnh Công Long
Frank Gerke kể thời còn là học sinh trung học ở TP.Bremen (Đức), anh có một vài người bạn VN và một người trong số họ đã tặng anh cuốn băng cassette nhạc Trịnh Công Sơn. Anh rất thích, nghe đi nghe lại dù không hiểu ca từ.
“Khi nghe những ca khúc nhạc Trịnh, tôi hoàn toàn im lặng, người như tê dại vì chưa bao giờ có thứ âm nhạc nào thu hút tôi đến mức quên tất cả những gì đang diễn ra xung quanh. Một thứ âm nhạc lạ lùng, đẹp đẽ vô cùng. Sau đó, đi bất cứ chỗ nào, tôi cũng mang theo băng cassette này. Chỉ có một điều là tôi không ngờ sẽ có một ngày được gặp chính tác giả của những bài hát đó”, Frank kể. Chơi trong nhóm bạn VN, Frank sinh năm Giáp Thìn (1964) nên tự nhận tên Việt là Long.
Thời gian học ở Trường ĐH Tự Do (Berlin, Đức), Frank được nhận học bổng của chính phủ Đức để sang VN thực hiện một công trình nghiên cứu về văn học Việt. Anh được giới thiệu với nhà văn Nguyễn Quang Sáng (hồi đó “anh Năm” - theo cách gọi của Frank - đang là Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM). Sau đó họ trở thành bạn vong niên.
Riêng cuộc gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì không ai giới thiệu mà Frank tự tìm đến căn nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM xin gặp nhạc sĩ để mời ông tham dự một cuộc triển lãm sách. Người giúp việc bảo anh: “Cậu Sơn đang ngủ”. Anh viết một mảnh giấy nhờ trao lại cho nhạc sĩ: “Thưa bác, cháu là Frank Gerke, tên Việt là Long, xin được gặp bác vào buổi chiều nay để trao đổi, học hỏi về âm nhạc và văn học VN”.
Chiều hôm đó anh tới, vừa bước vào phòng, anh vòng tay kính cẩn: “Thưa bác!”. Đột nhiên anh thấy nhạc sĩ họ Trịnh rũ người ra cười, những người có mặt trong phòng cũng cười nghiêng ngả. Trong khi Frank còn chưa hết bối rối thì nhạc sĩ kéo anh ngồi xuống bên cạnh, vỗ vỗ vai anh và nói: “Long gọi tôi bằng anh được rồi, gọi bằng bác tôi thấy mình già quá!”. Từ đó họ trở thành anh em, dù Trịnh Công Sơn bằng tuổi… bố của Frank (sinh năm 1939). Một hôm, nhạc sĩ bảo Frank: “Em đã có tên Việt là Long nhưng chưa có họ, vậy em lấy họ và chữ lót của anh nhé”. Frank bảo: “Tôi thật xúc động và vinh dự được mang tên Trịnh Công Long từ năm 1997”.
Nặng lòng với văn hóa Việt
Sau khi tốt nghiệp đại học ở Berlin, Frank qua Hồng Kông học Trường ĐH Trung văn (học chữ Hán phổ thông và chữ Hán cổ) rồi học tiếng Việt tại Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM (1993 - 1994). Năm 1999, anh về nước công tác tại ĐH Bonn và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ triết học tại đây. Thời gian này Frank dịch thơ Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, Phan Thị Vàng Anh… sang tiếng Đức, đăng trên một số tạp chí chuyên về văn hóa châu Á. Frank cũng viết nhiều bài nghiên cứu về văn hóa, văn học VN đăng trên nhiều tạp chí khác. “Truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh thì tôi có thể dịch sang tiếng Đức trong một ngày, nhưng những truyện dài như Đất lửa của Nguyễn Quang Sáng thì phải dịch khá lâu và rất vất vả”, Frank nói.
Năm 2013, Frank dịch Thơ thiền thời Lý - Trần từ nguyên văn chữ Hán sang tiếng Đức, được NXB Loecker (Vienna, Áo) xuất bản. Hiện nay Frank đang dịch 30 bài thơ của Nguyễn Trãi sang tiếng Đức (dự kiến cũng sẽ in tại NXB Loecker, bằng 3 thứ tiếng Hán - Việt - Đức). Ngoài dịch thuật, Frank còn sáng tác thơ. Mỗi bài thơ anh đều tự dịch ra 5 ngôn ngữ mà anh rất thành thạo (Anh, Đức, Pháp, Trung, Việt). Ngoài các ngôn ngữ kể trên, anh còn am tường chữ Latin và chữ Hán cổ. Anh dự định vào năm 2018 sẽ thực hiện một kịch bản biểu diễn thơ của mình bằng tiếng Việt và tiếng Đức, sau đó các nghệ sĩ chèo Hà Nội sẽ “phổ nhạc” để hát ả đào.
Hãy thử thưởng thức 2 bài thơ ngắn của Frank (chúng tôi đã bỏ bớt phần dịch thơ ra tiếng Anh, Đức, Pháp và Trung văn): “Hoa xuân sớm - Hoa xuân có một đóa sớm/Trong lòng ấm áp của tôi/Như muốn nói có yêu thương mãi mãi/Chỉ cần anh đi cùng với em” (Saigon 30.12.2016), dịch sang Hán -Việt: “Tảo xuân hoa - Xuân thiên vị lai nhất đóa hoa/Vu ngã nhu liệt địch tâm trung/Tương tự dự báo ái vô biên/Chỉ nhu căn trước nhĩ nhất cộng”; hoặc thơ Hán - Việt “Tử dạ: Dạ dạ ngọa thất/Không không bạch bạch dã/Lan hoa lạc vu dư thủ/Thị phi nhữ phi hồ”, dịch thơ Việt: Đêm đêm ở buồng ngủ/Lòng tôi cứ hư không/Hoa lan rơi xuống tay/Có phải em bay đi” (Saigon 4.4.2017)…
Frank từng dạy học ở ĐH Văn Hiến (TP.HCM), hiện là giảng viên của ĐH Văn Lang (TP.HCM), dạy môn văn học ứng dụng, dạy văn và nghiên cứu tiếp về văn học VN. Frank cũng vừa ly hôn người vợ gốc Hà Nội. Hai người có một con trai tên Gerke Thành Sơn, sinh năm 2009. Khi ra tòa ly dị, quyền nuôi dưỡng Thành Sơn thuộc về người mẹ, Frank chịu khoản cấp dưỡng mỗi tháng. Frank đang rất muốn thuê một căn nhà ở khu Nam Long (Q.7, TP.HCM) để gần gũi, chăm sóc con trai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.