Gian nan tìm tượng Nguyễn Hữu Cảnh

09/07/2016 06:41 GMT+7

Cuối tháng 6 vừa qua, TP.HCM khánh thành khu đền thờ đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh , vị tướng đã có công rất lớn trong việc khai phá Nam bộ và đặt nền móng cho vùng đất Sài Gòn - Gia Định.

Tuy nhiên, đến nay đền vẫn chưa có bức tượng của danh nhân này như đề án công trình.
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được đầu tư với tổng kinh phí 82 tỉ đồng, tọa lạc tại công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (CVLSVHDT) ở Q.9, TP.HCM trên khuôn viên có diện tích gần 7.500 m2. Cùng với việc triển khai xây dựng đền thờ, năm 2015 UBND TP.HCM đã thành lập Hội đồng nghệ thuật và tổ chức xét 3 mẫu phác thảo tượng Nguyễn Hữu Cảnh (2 mẫu quan văn và 1 mẫu quan võ) do một xưởng điêu khắc ở Q.12 thực hiện, sau đó chọn một phác thảo, làm tượng mẫu bằng đất sét tỷ lệ 1:1 để Hội đồng nghệ thuật tiếp tục góp ý (vào tháng 9.2015 và 4.2016) rồi chuyển qua giai đoạn lấy khuôn đúc đồng.
Râu chưa đạt, mắt lé?
Nói về việc tìm kiếm tư liệu để làm tượng, ông Cao Hữu Niên, Trưởng ban quản lý CVLSVHDT, đại diện chủ đầu tư, cho biết: “Cụ Nguyễn Hữu Cảnh mất cách đây hơn 300 năm, không có hình ảnh nào được lưu lại, đền thờ cụ ở các nơi đều do nhân dân tự lập. Đền thờ tại Chợ Mới (An Giang) có một bức họa cụ đang ngồi trên ngai, đền thờ tại Châu Đốc có tượng bằng gỗ, nhà thờ họ Nguyễn ở Quảng Bình được tộc họ Nguyễn ở Đồng Nai tặng một tượng bán thân bằng đồng (lấy mẫu theo hình ảnh cụ tại Chợ Mới), riêng ở Đồng Nai có tượng cụ đứng ngoài trời trong tư thế quan võ. Qua tổng hợp thông tin, đa số tượng thờ cụ đều lấy mẫu theo bức họa tại An Giang nên có thể xem đây gần như bức họa gốc, trên cơ sở đó tác giả thực hiện tác phẩm phác họa tượng cho đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở TP.HCM”.
Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười (Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN), Hội đồng nghệ thuật và tác giả phác thảo tượng đã cùng ra Huế, Quảng Bình tìm tư liệu, quan trọng nhất là gặp lại hậu duệ của cụ Nguyễn Hữu Cảnh (hiện đang trông coi nhà thờ) để bàn bạc. “Đặc điểm của cụ vừa là quan văn, vừa là quan võ nên cần làm tượng có phong cách thể hiện được đặc điểm này. Về tầm vóc, cần lưu ý là người VN thời đó thấp”, ông Mười nêu ý kiến trong cuộc họp góp ý tượng mẫu. Họa sĩ Phạm Đỗ Đồng, nguyên Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, góp ý: “Cần điều chỉnh phác thảo đôi mắt có ánh nhìn thẳng, vì con ngươi của tượng mẫu chưa đặt đúng chỗ nên khi lại gần có cảm giác bị lé, làm mất cảm giác thiêng liêng. Ở độ tuổi của cụ khi đó trán không thể láng và bằng phẳng như vậy. Cũng cần chỉnh sửa phần râu ở hai bên mỏng và ngắn hơn phần râu ở giữa”. Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM Hứa Thanh Bình nhận xét: “Tư thế vuốt râu chưa đạt, râu dài và dày như thế không thể có ở người VN trong độ tuổi 50”.
Hội đồng không có chuyên gia sử học, khảo cổ
Một thiếu sót lớn trong việc thành lập Hội đồng nghệ thuật xét chọn tượng thờ đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là không có sự tham gia của các nhà khoa học thuộc Hội Sử học, Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, những người có thể đóng góp nhiều ý kiến chuyên môn cho quá trình phác thảo tượng. Mãi đến khi không thống nhất được về việc chọn mẫu tượng chính thức, đại diện của 3 đơn vị trên mới được mời tham gia đóng góp cho hội đồng nghệ thuật.
Tại cuộc họp góp ý thêm cho việc hoàn thiện mẫu tượng đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh để đưa vào thờ tự, ông Lương Chánh Tòng (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) cho rằng: “Theo sử sách ghi chép, cụ Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700) rất giỏi võ, được triều đình cử vào Nam bình Chiêm Thành và Cao Miên. Khi vào đến Đông Nam bộ cụ mới trở thành nhà tổ chức quản lý xã hội. Trang phục thời điểm cụ vào Nam khi ấy vẫn tuân thủ quy định của nhà Hậu Lê, vì vậy, việc tham khảo ý kiến của của các nhà khoa học lịch sử là cực kỳ quan trọng. Tượng và đền thờ cụ Nguyễn Hữu Cảnh nằm trong quần thể CVLSVHDT, tức là từ hình dáng và kiểu thức đã mang tầm quốc gia, muốn tượng hoàn thiện, phải xây dựng và làm rõ được những yếu tố liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của cụ. Cần phải có một dự án nghiên cứu riêng về mẫu tượng do một cơ quan có chuyên môn chịu trách nhiệm, sau đó chuyển giao mẫu tượng cho đơn vị thi công của tổng dự án”. Nhận xét về bức tượng mẫu bằng đất sét, ông Tòng cho rằng đây là một mẫu tượng chắp vá vì “nhân vật dáng ngồi chân thấp chân cao, tay cầm ngọc bội giống với bà Thiên hậu của Trung Hoa”.
Trước những ý kiến nhiều chiều như trên, ông Trần Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết: “Do hình ảnh của đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh hiện nay mỗi địa phương làm một kiểu khác nhau, tư liệu về ông cũng chưa đầy đủ nên thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP, chúng tôi sẽ thành lập một tổ ghi nhận những ý kiến đóng góp của người dân và các chuyên gia lịch sử về nội dung này để có cơ sở khoa học đầy đủ thực hiện việc làm tượng cụ Nguyễn Hữu Cảnh trong thời gian tới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.