Giọng quê

01/04/2018 09:13 GMT+7

Xe đến Quảng Bình lúc chiều vừa buông. Đoàn chục người lục tục xuống xe, tay xách nách mang, đứng lố nhố trước cô lễ tân xinh đẹp.

Không ai biết ngoài sân có một phụ nữ không còn trẻ, mặc chiếc áo khoác cũ màu xanh, gánh một gánh bánh tráng nướng đứng lẩm bẩm trước đầu xe. Hàng chữ “Hội VHNT Quảng Ngãi đi thực tế sáng tác…” khiến đôi mắt hơi tối của chị chợt sáng lên những tia vui. Chị quày quả sang đường, đi về phía mé biển đối diện khách sạn. Ở đó có một quán cóc với dăm bộ bàn ghế nhựa sần sùi, bong tróc.
Tắm táp xong, nhóm nhà văn, nhà thơ, nhà… nhạc rủ nhau đi “cảm nhận Quảng Bình”. Mấy trăm cây số tù túng trên xe, giờ mặt mũi anh nào cũng giãn ra, tươi tắn trước đĩa đậu phộng rang và ly bia sủi bọt. Nhưng rồi có chút ngậm ngùi len lén tới: Dân Quảng Ngãi đến Quảng Bình… ngắm biển. Thành phố này giàu biển thật. Biển thoáng đãng, hào phóng, kéo một vệt dài ngút mắt chạy dọc phía đông thành phố của một thời “khoai khoai toàn khoai”. Ai đó chợt so sánh với bờ biển quê nhà Mỹ Khê - Quảng Ngãi: Nhớ biển, muốn ngồi trước biển nhưng chỉ thấy biển thấp thoáng ẩn hiện mà thôi. Tầm nhìn bị băm vằm bởi hàng trăm quán cóc lô xô. Còn một thứ để xác tín quê mình “có biển” là tiếng sóng cũng bị tiếng chào mời chèo kéo lấn át mất rồi.
Đĩa chả hàu vàng hườm, thơm phức. Chưa ai đụng đũa vì ai cũng cảm thấy có gì đó thiếu thiếu. Một người thốt lên: “Bánh tráng”! Ba bốn người gần như đồng thanh: “Phải rồi, bánh tráng”. Hơn một tuần vắng bánh tráng, nhớ quá đi. Mà thiệt vậy. Với người Quảng Ngãi, không bánh tráng, nhiều món ăn giảm phần lớn vị ngon. Và như một cái duyên, chị bán bánh tráng lúc nãy trờ tới. Chị nói thấy biển số xe 76 (Quảng Ngãi) tui mừng muốn nghẹn mà tay vẫn dụi mắt, chưa tin. Tui tới trước đầu xe đọc “khẩu hiệu” mới biết đúng là xe quê mình. Chị reo lên, “mấy ông Quảng Ngãi” cười rất hồn nhiên mà con mắt thì ngân ngấn nước. Bãi biển Quảng Bình chiều ấy có một góc rộn lên cái giọng quê rặt ri Quảng Ngãi.
Chị là dân Tư Nghĩa, bán bánh tráng dạo ở đây được ba năm rồi. Chị ở nhà trọ. Bà chủ thương nên tiền phòng quên luôn. Chị nhắc thì bà chủ lấy tượng trưng thôi, “cho em khỏi tự ái”. Bánh chị lấy ở Bình Định, Quảng Ngãi, có xe chở ra bỏ mối. Con chị học đại học năm thứ tư ở Sài Gòn. Học phí chủ yếu nhờ… bánh tráng. Da chị đen thui không phải do “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” mà do kiếp người cơ cực. Chị cười lỏn lẻn: “Mai mốt tốt nghiệp, chắc cái bằng của thằng con tui đóng con dấu tròn như… bánh tráng”.
“Mua đi mấy anh. Dạ, hai cái có mừ bốn ngàn mấy”. Thương quá là thương! Chúng tôi dặn chị chiều nay bán được bao nhiêu thì bán, số còn lại chị cứ mang tới đây, tụi tui mua hết luôn, đem về khách sạn nhai rôm rốp cho vỡ giòn sông Nhật Lệ.
Nghĩ sao, anh bạn văn chợt hát mấy câu bolero bằng giọng Quảng Ngãi. Cũng may là anh kịp dừng lại để hài chưa biến thành… bi. Đừng đặt giọng quê dưới nốt nhạc khiến cả hai đều lạc lõng. Giọng quê bờ tre gốc rạ chỉ để nói, để nghe và để thấm. Như chiều tối nay, trong cái gió Quảng Bình se lạnh, người Quảng Ngãi bẻ miếng bánh tráng giòn giòn, nghe cái giọng mộc mạc phảng phất mùi bùn non sông Vệ, sông Trà thấy ấm lòng gì đâu!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.