Giữa hai người đàn ông - Truyện ngắn của Trương Văn Tuấn

11/12/2016 06:00 GMT+7

Đám trẻ bắt đầu mang chuyện về người đàn ông hay đứng chờ ở ngã ba Rồng ra bàn tán. Quá khứ của người đàn ông được lắp ghép nên: con chủ tiệm vàng, đẹp trai, học nhiều quá nên phát điên. Thông tin này khiến vài đứa thích thú: Thấy chưa! Xấu trai, học dốt như tao có cái lợi.

Nhưng ở một phiên bản khác, câu chuyện lại gây hào hứng hơn: Ông ấy bị thất tình. Người yêu đi lấy chồng nên ông ấy phát điên như vậy. Ông điên từ thời trẻ, đến sau này em gái ông đi lấy chồng, ba mẹ mất thì ông bắt đầu ở một mình. Ngôi nhà tường khang trang nhất xã những năm 1990 thành ra hoang phế dơ bẩn. Mỗi ngày người em gái tạt ngang đó một lần, để lại cơm và đồ ăn.
Đám trẻ đang mường tượng ra cô gái kia xinh đẹp, độc đáo đến dường nào mà đến con bà chủ tiệm vàng cô ta cũng không thèm thì bà Nhì bước ra khỏi võng, đằng hắng cắt ngang:
- Nhiều khi chỉ là bệnh hoạn bất thình lình mà thành điên. Bàn chi, lỡ sai mang tội lắm tụi con!
Đám trẻ đành chuyển qua đề tài ác liệt hơn: Dạo này nghe nói có những tên biến thái rạch đùi nữ sinh, con kia giờ vừa đau vừa sợ.
Bà Nhì là nội của Hà, một trong số học sinh lớp 10 kia. Nhà Hà ở xã Long Hưng B nhưng chỉ thi đậu vào mỗi trường Long Hưng A. Nhà cuối xã này, đậu vào cái trường nằm ở cuối xã kia, huyện lộ dài dằng dặc nên con Hà ở hẳn nhà nội cho gần trường.
Ngày con Hà về đây học thì ba nó bắt đầu bồn chồn lo lắng. Rồi đã có lúc cuối tuần con bé về nhà, coi mấy cảnh chia ly cách trở trên phim, nó đã nhắc lại chuyện người điên đứng chờ ở ngã ba Rồng. Những kỷ niệm ngày cũ lại có dịp dội về trong ba nó.
Hai mươi năm trước, Được cũng là học sinh của trường cấp 3 Long Hưng A - nhưng là cái trường cũ, nhỏ thấp.
***
Đám con trai đứng trên lầu trỏ xuống sân:
- Cứ con nhà giàu học giỏi thì cặp với con nhà giàu học giỏi thôi - Chúng bàn tán về đôi trai gái đang quay lưng về dãy phòng học.
- Thằng nào ngồi với con Oanh lớp mình đấy? - Được chỉ nhận ra mỗi cô hoa khôi lớp.
- Tống Minh Quân - Rồi cậu học trò đó kêu lên - Con nhà giàu đến cái tên cũng khác người.
- Ờ - Được gật gù.
Rồi cả đám quay sang Được:
- Phan Văn Được, mày Được là được cái gì mà con gái lớp mày đi cặp với trai lớp khác?
Đám nam sinh lớp 12 cười phá lên rồi xô đẩy, xông vào đấm đá nhau túi bụi.
- Được nè! Được cái mỏ mày nè!
Chiều hôm đó Được ở lại chơi đá banh nên về trễ. Trên con đường quê mù mịt bụi, trước mắt Được là một đứa cũng mặc đồng phục trường đi lững thững. Đó là Quân. Chắc nó sắp thành “rể” lớp này, không cho đi ké người ta lại nghĩ mình ghen ăn tức ở - Được nghĩ vậy nên thắng xe lại.
- Đi không?
Quân mồ hôi nhễ nhại trả lời bằng cái gật đầu dứt khoát.
- Xe ông đâu?
- Mất rồi.
- Trời! Để đâu mà mất.
- Quán kem.
- Uổng quá!
- Ừ.
Quân bất ngờ đập tay mấy cái liền lên lưng Được:
- Gì vậy?
- Cát.
- À, tại mới đá banh xong.
- Ông đi ngang ngã ba
Rồng không?
- Có.
- Mai ông đi ngang cho tôi quá giang được không? Mai chưa mua xe kịp.
- Được.
- Ông tên gì?
- Được.
- Tôi hỏi ông tên gì?
- Phan Văn Được.
- À. Tôi tên Quân.
***
Sự thật là chưa đầy 24 giờ sau mất xe, Quân đã được mẹ mua cho chiếc mới. Cơ bản bà Ngà không muốn mắc nợ ai cả vì điều đó không hợp với danh giá của một chủ tiệm vàng.
- Tự đạp mỏi chân.
Nhưng Quân giải thích với mẹ vậy rồi chạy biến ra ngã ba chờ Được tấp xe vào đón.
Đôi khi sau trận đá banh mệt nhừ, Được sẽ đặt hai chân mình lên sườn xe, chỉ lo việc cầm lái, Quân ngồi phía sau với chân lên đạp.
Rồi có lần Quân đứng đợi đến 30 phút vẫn không thấy Được đâu đành vào nhà lấy xe tự đi học.
Chiều đó Quân tìm đến tận nhà Được thì thấy bạn mình đang trùm mền.
- Ông làm gì trong đó?
- Xông cho hết cảm. Ông có trễ học không?
- Có, trễ một tiết.
- Ông ngu quá, đợi lâu phải quá giang người khác chứ. Đứng đợi hoài làm gì.
- Đã nói đợi thì phải đợi chứ ông.
Chiều đó Quân ở lại ăn cơm ở nhà Được. Cơ bản giữa những đứa trẻ hồn nhiên không có sự phân biệt giàu nghèo. Mọi thứ ở nhà Được đều là một mảng màu khác, nhưng không làm Quân nghĩ ngợi gì ngoài việc vui vẻ. Quân hào hứng khi thấy Được ngồi chồm hổm bưng tô cháo to. Hóa ra bạn của mình khi ăn là ngồi như vậy, ngồi ngay nơi đây, cầm muỗng thế kia, tốc độ ăn thế đó.
Có những hôm Quân lấy xe đạp của mình, rời nhà từ sớm để vào chỗ Được, cùng ăn cơm trưa rồi chở nhau đi học, chiều lại đưa bạn về tận nhà. Đôi lần sau giờ học Được cũng ghé lại nhà Quân, lăn lê trên nền nhà đọc truyện tranh.
***
- Hôm nay bắt ông chở bốn lần có mệt không? - Quân hỏi sau một ngày vừa học chính khóa, vừa học phụ đạo.
- Mỏi chân thấy mẹ.
Khi ấy Được đang nằm dài ở giữa nhà Quân, xắn quần lên tận đầu gối cho mát, đọc nốt các trang truyện tranh còn lại. Quân nhìn Được nhưng hắn không nhìn lại mình, chỉ chú tâm vào truyện.
Quân cúi người xuống đặt môi lên bắp chân của Được. Được giật thót người co chân lên.
- Nhột! - Được kêu lên.
- Trả công đó - Quân đỏ bừng mặt.
- Thằng khùng, nhột thấy mẹ!
- Hình như nó có điện phải không ông - Quân lắp bắp.
Mặt Được cũng đang đỏ lên.
- Không biết, nhà tui chưa có điện.
Được đặt quyển truyện lên kệ, nói: Thôi về đây, rồi nhảy từ hiên nhà ra giữa sân.
Sáng hôm sau Được đi học khi trời còn chưa sáng tỏ, cắm mặt chạy vù vù qua ngã ba.
Rồi hôm sau cũng thế.
Đám con trai lớp bên sang hỏi sao Quân hai ngày không đi học, rồi gửi Được quyển tập nhờ mang về cho Quân chép bài.
Được không ngờ có đứa lại lì và liều hơn cả mình.
- Sao con không chờ nó đi học? Nó than mệt rồi nghỉ luôn hai ngày nè - bà Ngà vừa mở cổng vừa hỏi.
Được phải nói dối là đi sớm chở cá khô cho mẹ.
Quân ngồi khoanh tròn trên ghế xem ti vi, không hề tỏ ra hào hứng.
- Không đi học thi rớt ráng chịu - Được đặt hai quyển tập lên bàn nói trống không.
- Mai có chở không?
- Quân đột ngột la lớn làm Được giật mình.
Được ngập ngừng:
- Không biết.
Được định hôm sau lại đi học sớm - nhưng không sớm quá, sớm vừa phải, nếu gặp Quân ra đón thì chở, không thì thôi.
Nhưng Được tính không bằng Quân tính. Sáng hôm sau vừa bước ra khỏi giường, Được đã nghe tiếng Quân chào mẹ mình. Quân cứ làm vậy suốt một tuần, Được đành chịu thua:
- Để tui ra chở ông đi, ông đừng vô đón nữa, xa lắm.
Thi thoảng Quân đánh liều hỏi lại:
- Có phải nó có điện không?
- Tôi không biết.
- Nhà ông mới có điện hôm qua mà.
- Tôi chưa bị giật lần nào.
***
Tối nọ, em gái Quân thủ thỉ với mẹ:
- Anh Quân hôn anh Được đó.
- Nói bậy! - Mẹ Quân quát làm con bé im luôn.
Nhưng hai tuần sau ba Quân thấy con trai mình nắm chặt tay thằng bạn, nài nỉ ở chơi thêm chút. Ông đạp cửa phòng đang khép hờ quát: Thằng Được đi về liền!
Hai đứa trẻ líu ríu đứng xa ra.
- Mai mốt khỏi qua đây nữa! Thằng Quân tự đi học! - Ông ra lệnh.
Hôm sau bà Ngà gặp bà Nhì ngoài chợ thì bắt đầu mắng như tát nước:
- Thằng con chị mất dạy lắm! Tui cấm, cấm tuyệt đối! Nó còn rủ rê con tôi nữa là biết tay tôi! Nghen, nghen!
Bà Nhì hớt hải về hỏi con:
- Chuyện gì?
Được xanh tái mặt mày, chỉ chực khóc.
Rồi bà Nhì tự đưa ra giả thiết: Thằng Quân bận ôn bài để thi học sinh giỏi sử cấp tỉnh. Còn Được là đứa nhà không mấy khá giả, học vừa phải. Đẳng cấp khác nhau, không nên chơi cùng nhau.
Hai đứa trẻ bắt đầu chìm trong sợ hãi và xấu hổ. Chúng sợ người ta biết.
Tránh mặt được ít hôm, giờ chơi Quân lân la lại gần lớp học của Được đứng nhìn vào. Được theo ra cầu thang.
- Giờ phải làm sao?
- Thôi đừng gặp nữa.
Quân mếu máo nhìn theo Được.
Chỉ là một lần gặp chớp nhoáng, nhưng chuyện đó vẫn đến tai gia đình Quân. Bà Ngà chỉ tay vào phòng:
- Đừng nghĩ là tao không biết! Một lần nữa là tao nhốt ở nhà cả đời!
***
Ba vợ của thầy hiệu trưởng mất. Giáo viên cho học sinh nghỉ nửa buổi để cùng nhau đi viếng.
Quân đánh liều đạp xe vèo ngang cổng nhà, chạy một mạch đến nhà Được.
- Về đi! - Được nài nỉ.
Quân lắc đầu.
Hai đứa trẻ im lặng ngồi bên mâm cơm với các món ăn đạm bạc. Được bỏ miếng cá vào chén Quân, thúc:
- Ăn nhanh rồi về.
Quân gật gù, mắt đỏ hoe.
Ông bà Ngà mỗi ngày đều tiễn con ra cổng và cuối buổi lại đứng chờ con về để xem chừng Quân có đi cùng ai không.
Quân về vẫn sớm hơn giờ thực tế nhưng đã thấy ba mình đứng chờ ở đó. Ông đã biết hôm nay trường cho nghỉ sớm, lại thấy Quân về từ hướng nhà Được.
Thằng bé lủi thủi vào phòng. Ông bước theo đóng ầm cửa lại. Quân biết là ông đang kéo dây xích để khóa cửa phòng của mình, nhưng mặc kệ. Rồi tiếng xe máy ông vọt đi.
Ông ra chợ Rồng. Bà Ngà nghe chồng kể lại thì kéo nhanh cửa tiệm vàng lại, hầm hầm đi đến sạp khô của bà Nhì.
- Tui đã nói sao? Hả! - Bà Ngà gầm lên.
Ông Ngà đưa tay hất sạp khô một phát tung lên rồi rơi xuống nằm lộn ngược.
Chưa kịp hiểu chuyện gì, bà Nhì đã bị bà Ngà sấn đến, túm lấy tóc vật ngang, ngã nhào ra đất. Bà Ngà tay giữ tóc tay kia tát liên hồi.
- Tao đã dặn mày dạy con mày. Hả, hả, hả!
Mỗi cái hả của bà là một cái tát.
Người ta bu lại can ngăn. Vợ chồng bà Ngà thở hồng hộc bỏ về kèm câu cảnh cáo:
- Mày dạy con mày nha!
Được hay tin, ngồi sau xe người hàng xóm ra đến chợ Rồng thì đám đông đã vãn, ông Nhì đang chăm lo cho vợ. Được chỉ biết sững mắt lên nhìn những vết bầm trên mặt mẹ mình, tóc tai bà rũ rượi, quầy khô lật nhào. Hắn không biết nói gì, làm gì lúc này.
Ông Nhì thấy con trai thì sấn lại định đánh, bà Nhì níu lại:
- Thôi mà…
Người ta nghĩ hai đứa trẻ chơi với nhau nhưng có gây hấn, vậy là người lớn cũng gây hấn cùng nhau. Một vài người ngoài chợ xua tay:
- Con về nhà trước đi, ở đây có mấy chú phụ dọn.
- Về trước đi con!
Được quay lưng đi theo lời mẹ rồi dần chạy như điên. Miệng gầm gừ những tiếng ư ử đau đớn rồi to dần thành tiếng hét uất ức.
Được chạy đến không còn sức nữa thì ngã phịch xuống.
Chiều đó người ta tìm thấy cậu nằm bất động trên đê. Mũi chảy máu đọng vũng trên đất, hai tròng mắt thì vằn đỏ tia máu.
***
Ông Ngà nhốt Quân đến tận trưa hôm sau vẫn chưa mở cửa.
Được về nhà thì kêu đau nửa đầu và mờ một mắt nhưng không chịu đi khám, chỉ muốn nằm, mặt quay vào vách. Ông Nhì cũng không nỡ trách con nữa. Được bảo là do tự mình bị thế, không ai đánh đập gì cả. Nhưng máu nhiều dường đó và đầu đau đến thế khiến mọi người lo lắng.
Một người hàng xóm đành ra nhà bà Ngà thật tình hỏi: Anh chị có lỡ tay đánh thằng bé không, để ba mẹ nó biết mà mang đi chữa, chứ để lâu lỡ nó bị gì nguy kịch?
Bà Ngà nghe vậy thì nổi xung thiên chửi tới tấp cái kẻ đi lo chuyện thiên hạ kia.
Tiếng chửi vọng vào đến phòng của Quân.
- Nói anh nghe, chuyện gì vậy? Không nói là anh buồn lắm - Quân nài em gái.
Con bé thấy anh mình tiều tụy quá đành nói thật:
- Hôm qua mẹ nắm đầu mẹ anh Được, đánh nhiều lắm. Anh Được cũng sắp chết rồi.
Quân gầm lên điên dại rồi úp mặt khóc. Khóc thì có gì đáng sợ! Bà Ngà đã ăn trưa xong nên thản nhiên ra lại tiệm vàng, ông Ngà đưa đứa con gái nhỏ đi học chiều.
Ông trở về ghé mắt vô phòng thì nghe tiếng lầm rầm ở góc tường:
- Tại sao? Tại sao?...
Mười đầu ngón tay của Quân đã tróc móng. Miệng Quân dính đầy máu, những thanh dầm nhỏ đâm li ti lên môi. Quân đã cào tay vào vách, nhe răng cắn, cạp những then cửa.
- Tại sao, tại sao… - Quân cứ lầm bầm.
Ông bà Ngà đưa Quân đi chữa khắp nơi nhưng chỉ ngăn được việc Quân hỏi tại sao và thôi làm những hành động khiến bản thân tổn thương. Sự tỉnh táo mãi mãi không thể tìm lại.
Được thấy xấu hổ với ba, với mẹ và với tất cả mọi người. Chính con trai đã khiến mẹ bị người ta đánh. Điều đó quá khủng khiếp! Ba hôm sau Được về nhà nội ở Long Hưng B. Và không về lại đây nữa. Một bên mắt của Được cũng mù dần. Không ai làm gì cả, do cơn phẫn uất mà sinh tai biến - Được nhớ rõ ràng như thế.
Được có vợ, sinh con.
Quân vẫn hay ra ngã ba Rồng đứng chờ thứ gì không rõ.
Em gái Quân có chồng ra sống riêng ở cạnh đó. Ba mẹ lần lượt mất, Quân bắt đầu sống một mình, không còn ai nhắc nhở, việc đứng chờ càng diễn ra thường hơn.
***
Ơn trời, chừng ấy năm, đường về nhà ở Long Hưng A được mở thêm tuyến mới chứ không chỉ có riêng một lối đi qua ngã ba Rồng nên Được cũng thi thoảng về nhà thăm ba mẹ.
Công việc chính của Được là làm mộc, rảnh thì đi hái các loại thuốc nam về phơi trong sân chùa, dành bán lại cho người cần dùng.
Hôm nay vừa rải mớ cỏ vòi voi, nhãn lồng ra sân thì Được nhận cuộc gọi từ nhà trường. Cô giáo bảo bé Hà bị tên biến thái rạch đùi. Mấy hôm nay khu vực Long Hưng A đã xôn xao về việc có những tên côn đồ như thế, áp xe vào rồi dùng vật sắc nhọn tấn công đùi nữ sinh.
Không ngờ chuyện này lại rơi vào con gái mình! Được hốt hoảng thay đồ, chạy một mạch đến bệnh viện huyện.
Đến cổng bệnh viện thì anh lại nhận được cuộc gọi của chính con gái mình:
- Ba ơi, cô giáo nhầm. Lớp có hai Hà...
Như vừa trút khỏi gánh nặng ngàn cân, anh thở phào ờ ờ rồi quay về.
Giờ Được mới nhớ mình đã đi ngang ngã ba Rồng. Đui một mắt trái dường như đã là điều thuận lợi để khi nãy anh không phải nhìn sang bên kia đường. Nhưng giờ trên đường về, dù rẽ hướng nào tại ngã ba này thì một khi đã nhớ ra, con mắt còn lại của Được sẽ không thể lơ đi nếu có ai đó đứng bên đường.
Nếu Quân thấy thì sao, nếu Quân gọi tên, nếu Quân chạy theo?
Được rú ga, quyết định lao qua thật nhanh. Được chỉ nhìn về phía trước, nhưng rõ ràng vẫn thấy có ai đó đứng bên đường vì con lộ cứ trống băng. Được thấy cái dáng đó từ xa, gần dần, rồi mới xẹt ngang.
Đừng nhìn tôi Quân ơi. Đừng gọi tôi. Đừng đuổi theo tôi.
Được chạy về đến nhà vẫn còn bần thần.
***
Được sang Long Hưng A hái thuốc, cách ngã ba Rồng 3 km. Vừa hái vừa tự hỏi có ai nhận ra mình không.
Được lại sang Long Hưng A hái thuốc, cách ngã ba Rồng 2 km. Vừa hái vừa thăm chừng xem có gặp lại những người quen xưa cũ không.
Được lại sang Long Hưng A hái thuốc, cách ngã ba Rồng 1 km. Vừa hái vừa nghĩ ngợi. Chắc người ta chưa hề biết ngày đó, tháng đó, năm đó có hai kẻ như thế, mà dù có biết chắc người ta cũng đã quên mất rồi.
Sau hai ngày mưa rả rích trời bắt đầu nắng đẹp thuận lợi cho việc phơi phóng, Được lại sang ngã ba Rồng hái thuốc.
Được hái một bao cỏ vòi voi, một ít nhãn lồng và bắt đầu nhổ cây trinh nữ. Được nhổ dọc theo lối đi, vừa nhổ vừa di chuyển, nhổ đến khi đầy một bao lớn, hai bàn tay rớm máu thì đã đến được chỗ Quân đang đứng.
Được ngồi bẹp bên vệ đường, ngó trước sau rồi ngập ngừng gọi.
- ... Quân.
Quân đứng thơ thẩn nhìn ra phía xa, không để ý gì đến kẻ đang ngồi dưới chân mình.
Được tháo nón khỏi đầu, quẹt mồ hôi trên trán:
- Quân! Ông nhớ tôi không?
Quân vẫn không nhìn lại.
- Quân, nhìn sang đây nè! - Được lớn tiếng hơn.
Quân quay lại nhìn Được rồi lững thững bước đi xa ra, tiếp tục nhìn ra đường. Quân cứ ngỡ Được gọi để xua đuổi, không cho mình đứng đấy nữa.
- Được nè. Nhớ không Quân?
Quân đưa mắt nhìn Được đầy dè chừng, pha chút cáu gắt rồi lại lơ đi tiếp. Tóc Quân đã khô vàng nắng cháy, lún phún vài sợi bạc. Khuôn mặt đã đen đúa và già đi mất rồi, dưới cằm và quanh miệng lưa thưa râu. Những móng tay, móng chân không quá dài nhưng vì lâu ngày chưa cắt nên viền lên những đường đen của đất. Hẳn đây là bộ đồ Quân cho rằng đẹp nhất, hẳn là đôi dép kia là sạch sẽ nhất phù hợp để đi học nhưng vẫn không thể nào cứu vãn được khuôn mặt và dáng người đờ đẫn của Quân.
Một chiếc xe máy chạy ngang nên Được cúi mặt xuống nhổ thêm hai bụi trinh nữ to đầy gai nhọn.
Ngước lên định gọi Quân lần nữa nhưng nước mắt Được đã giàn giụa trên khuôn mặt trung niên đen nhăn:
- Quân ơi... - Được kêu khe khẽ rồi không nói nổi lời nào nữa.
Được ngồi bệt xuống vệ đường khóc nức nở như đứa trẻ.
Quân chờ mười mấy năm đã quen với việc chờ chứ không nhớ là mình chờ ai. Quân đứng đấy chờ chừng ấy năm nên quen với hết thảy cỏ cây, bụi rậm, cột điện, cột đèn nơi này nhưng đã quên mất mặt người mình muốn chờ.
***
Thấy một đám trẻ con đi ngang, Được lau mắt đứng dậy vội vàng kéo các bao cỏ chất lên xe.
Sau lưng anh đám trẻ con râm ran đọc những câu thơ mà chúng nhặt nhạnh trên mạng internet.
Đứa đi trước hỏi:
Đố ai nằm võng không đưa,
Đố ai gặp lại người xưa không nhìn.
Đố ai quên được chữ tình,
Đố ai quên được bóng hình người xưa.
Đám trẻ đi sau ngân nga:
Người chết nằm võng không đưa
Người mù gặp lại người xưa không nhìn
Người điên quên được chữ tình
Người khùng quên được bóng hình ngày xưa
Những câu thơ đó vờn sau anh như những con sóng lăn tăn đuổi nhau vào bờ. Anh không mù hẳn, anh chỉ hư một mắt.
***
Vợ anh nói với con gái:
- Chú Quân là bạn học hồi xưa của ba. Chú học hành, thức đêm nhiều mà sinh bệnh.
Lâu lâu Được lại ghé chỗ nhà Quân, giúp bạn mình dọn dẹp nhà cửa. Đôi khi Được bày thức ăn ra bàn xong nhưng Quân vẫn còn đứng chờ ở ngoài cổng. Anh lại đi ra nhắc bạn mình:
- Vô đi ông! Bạn ông nghỉ học rồi.
Giữa hai người đàn ông, ngoài tình yêu ra còn có tình bạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.