Hiến kế loại bỏ linh vật ngoại lai

13/01/2015 04:05 GMT+7

Sản xuất linh vật dựa trên mẫu cổ trong nước, mượn một diện tích đất cạnh bảo tàng Hà Nội để “quy tập” các linh vật ngoại, đưa các mẫu quét 3D linh vật cổ lên mạng... Đó là những kế sách được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác loại bỏ linh vật ngoại lai do Bộ VH-TT-DL tổ chức, diễn ra sáng 12.1.

Sản xuất linh vật dựa trên mẫu cổ trong nước, mượn một diện tích đất cạnh bảo tàng Hà Nội để “quy tập” các linh vật ngoại, đưa các mẫu quét 3D linh vật cổ lên mạng... Đó là những kế sách được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác loại bỏ linh vật ngoại lai do Bộ VH-TT-DL tổ chức, diễn ra sáng 12.1.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đi thăm xưởng chế tác của nhà điêu khắc Văn Vũ - nơi đang phục chế mẫu linh vật cổ - Ảnh: Thu TràThứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đi thăm xưởng chế tác của nhà điêu khắc Văn Vũ - nơi đang phục chế mẫu linh vật cổ - Ảnh: Thu Trà
Hưởng ứng trong lúng túng
Nhiều hoạt động hưởng ứng công văn 2662 về loại bỏ linh vật ngoại lai đã được thực hiện suốt nửa năm qua. Kiểm tra nối tiếp kiểm tra trên toàn quốc. Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh cho biết kết quả cho thấy 22/35 di tích sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật lạ trái thuần phong mỹ tục VN; trong đó phần lớn là sư tử đá kiểu Trung Quốc. Triển lãm linh vật Việt tại nhiều bảo tàng lớn, nhiều hiện vật ngoại lai đã được di dời. “Tuy nhiên, cần phải làm cho người dân hiểu vì sao cần loại bỏ linh vật ngoại lai. Chúng ta phải tránh chuyện người ta bỏ linh vật đi mà vẫn không hiểu và không phục”, GS Trần Lâm Biền nói.
Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội Trương Minh Tiến cũng thừa nhận việc loại bỏ linh vật ngoại lai ở Hà Nội rất khó khăn. Phần vì kiến thức của chính cán bộ cũng chưa vững, dẫn đến chưa nhận diện được các loại linh vật. Phần vì nhiều hiện vật đã được đưa vào di tích cả chục năm, nên gắn quá chặt với yếu tố tâm linh, khó di dời. Chưa kể, địa điểm di chuyển xử lý cũng gian nan. “Nơi định đưa vào kho. Nơi lại tính đem chôn. Kinh phí di chuyển cũng chưa biết sao”, ông Tiến nói.
Không lúng túng kiểu của Hà Nội, Đà Nẵng lại có vấn đề của nơi chuyên sản xuất sư tử đá kiểu Trung Quốc. Ở Đà Nẵng, kiểm tra chỉ thấy có 2 di tích đặt linh vật ngoại lai. Số lượng linh vật lạ của 1.000 lao động làng nghề ở đây sản xuất ra chủ yếu xuất đi tỉnh khác. Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng cho biết hiện ở đây đang tồn đọng 4.500 cặp tượng như vậy. “Có cuộc thi sáng tác linh vật từ 15.1 - 15.6, sau đó triển lãm để dân tới xem, chấm giải. Giải nhất sẽ làm mẫu chung”, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng Nguyễn Hữu Chiến cho biết.
Tuy nhiên, điều này, theo một số nhà nghiên cứu lại rất nguy hiểm. Trong khi văn hóa cần đa dạng thì việc chỉ tôn vinh một mẫu linh vật sẽ làm nghèo văn hóa. “Tôi nghĩ mọi việc không nên làm theo cách máy móc chỉ mẫu này hoặc chỉ mẫu kia. Điều quan trọng là phải giáo dục cho người dân hiểu về tinh thần văn hóa Việt, linh vật Việt”, TS Đinh Hồng Hải nói.
Một cuộc "sửa sai" tìm về hồn Việt
“Chúng tôi đã mang những mẫu tượng nghê cổ ra nghiên cứu, sau đó làm khuôn. Sau này chúng tôi sẽ đổ tượng những mẫu đó và sản xuất số lượng lớn”, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ, xưởng điêu khắc Liên Vũ, chia sẻ. Một mẫu nghê cũng được ông Vũ hoàn thành tới 80%. Đó là bản mô phỏng nghê Việt thế kỷ 17 ở đền vua Lê Thánh Tông, Thanh Hóa, nguyên mẫu hiện lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật VN.
Ông Vũ từng thực hiện nhiều bản linh vật ngoại. Tuy nhiên, sau triển lãm linh vật Việt tại Bảo tàng Mỹ thuật, ông đã giật mình vì kho tàng phong phú, đẹp đẽ của linh vật Việt. Một cuộc “sửa sai”, về nguồn ngoạn mục.
Một nhân tố mới khác là chàng trai 17 tuổi Nguyễn Trí Quang. Anh đã scan 3D rồi đưa lên mạng một loại linh vật Việt. Sư tử đá thời Lý ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Bệ sư tử thời Lý thuộc loại lớn nhất VN tại chùa Hương Lãng (Hưng Yên). Nghê đá ở bậc thềm Đại nội Huế. Rồng đá cổ chầu bên điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)... “Em đã quét 3D các cổ vật VN trong suốt 3 năm”, Quang cho biết.
“Sản phẩm scan 3D của Quang giúp quan sát các chi tiết nhỏ trên thân hiện vật dễ dàng hơn. Nó không chỉ tốt cho người nghiên cứu, mà còn cho cả người thợ phục chế. Người mua cũng có thể cân nhắc, lựa chọn kỹ hơn”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình nói.
Ý kiến:
Giải quyết vấn đề từ góc độ lợi ích
Tôi nghĩ vấn đề loại bỏ linh vật ngoại lai cũng chính là vấn đề về lợi ích. Chúng ta phải xem người cúng tiến là ai. Quyền và lợi ích của những nơi nhận cúng tiến. Đồng thời cần quan tâm tới lợi ích cho làng nghề, người thợ. Nếu đứng từ góc độ lợi ích để giải quyết thì sẽ căn bản hơn.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Vườn tượng di vật ngoại lai
Cạnh Bảo tàng Hà Nội có một miếng đất của doanh nghiệp chưa xây dựng. Chúng ta có thể mượn tạm để chuyển tất cả di vật ngoại lai vào đây để làm một vườn tượng.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên
Không chế tài thì khó làm việc
Khi xử lý linh vật ngoại lai, nếu không có chế tài, hình thức xử lý mà chỉ khuyến cáo thì khó làm việc. Nên căn cứ vào điều 13 luật Di sản về hủy hoại, thay đổi yếu tố gốc, có thể phạt tiền lên tới 40 triệu. Chúng ta có thể lên kế hoạch xử lý vi phạm vào năm 2015.
Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL Phạm Xuân Phúc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.