Hội chợ sách không bán… sách

22/10/2016 14:25 GMT+7

Những ngày đầu tiên tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (diễn ra từ ngày 19 - 23.10) ở thành phố Frankfurt (Đức), người tham dự không thể mua bất kỳ cuốn sách nào.

Những cái “lạ” ở hội sách quốc tế lớn nhất thế giới
Dựa trên số lượng các đơn vị xuất bản tham dự, đến nay Frankfurt Book Fair đã trở thành hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới. Năm nay, hội chợ có hơn 7.100 gian hàng đến từ 100 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp các châu lục. Hơn 4.000 sự kiện được tổ chức tại đây.
Chúng tôi được chứng kiến nhiều điều “lạ” khi đến hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới này. Hội sách không mở cửa miễn phí. Người tham dự phải mua vé với giá không rẻ, ít nhất là 16 euro (khoảng 400 nghìn đồng). Ngoài ra, chúng tôi không thể mua được bất kỳ cuốn sách nào trong những ngày đầu tiên diễn ra hội sách. Theo quy định, trong 3 ngày đầu tiên, hội sách chỉ mở cửa cho những người làm trong giới xuất bản. Các gian hàng trưng bày, giới thiệu các xuất bản phẩm. Các hoạt động tìm hiểu, trao đổi bản quyền được diễn ra. Trong 2 ngày cuối, hội sách mới mở cửa, bán sách cho công chúng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Sách Thái Hà trò chuyện với bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt về ngành xuất bản Việt Nam Ảnh: Thi Nguyên
Người ta nói đến Frankfurt như bị lạc giữa mê hồn trận của sách. Quả đúng như vậy! Sách của hàng trăm quốc gia, sách đa dạng về thể loại từ nghiên cứu, lịch sử, chính trị, văn hóa, văn học, truyện tranh, tranh nghệ thuật... đều có mặt tại đây.
Tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, người ta dễ dàng tìm thấy những tên tuổi của các nhà xuất bản lớn, uy tín đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là lúc mỗi quốc gia, mỗi nhà xuất bản tạo dấu ấn riêng trong việc trang trí các gian hàng, thu hút người tham dự. Trưng bày sách đã được nâng lên thành nghệ thuật sắp đặt.
Sách được trưng bày như những tác phẩm nghệ thuật Ảnh: Thi Nguyên
Khác với báo chí, sách truyền thống vẫn chiếm tỉ lệ gần như tuyệt đối trong ngành xuất bản. Tại Đức, sách điện tử chỉ chiếm 4,5% so với tổng số lượng các xuất bản phẩm. Dường như những thách thức của thời đại công nghiệp số chưa ảnh hưởng mấy đến ngành xuất bản truyền thống. Tuy nhiên, với những đòi hỏi của độc giả, người ta đang nghĩ đến việc kết hợp sách với những loại hình giải trí mới như phim và trò chơi. Tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, người ta đã cùng nói đến những cơ hội kinh doanh mới trong việc kết hợp này. Ngoài ra, Frankfurt Book Fair cũng trở thành hội sách quốc tế đầu tiên gắn liền thương mại sáng tạo với ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, hội chợ sách giới thiệu những công nghệ có thể tạo nên sản phẩm cho lĩnh vực văn hóa.
Sách Việt tại Frankfurt
Các nhà xuất bản lớn của thế giới đều có mặt tại Frankfurt Ảnh: Thi Nguyên
Hội chợ sách Frankfurt khiến người tham dự bị “ngợp” trong sách Ảnh: Thi Nguyên
Nhiều xuất bản phẩm Việt Nam đã được giới thiệu tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Nhiều vị khách quốc tế đến dừng lại khi nhìn thấy hình ảnh Việt Nam với dải đất hình chữ S được xếp bằng sách tại gian hàng của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội. Ngay liền kề đó là gian hàng của Cục Xuất bản, In và Phát hành. Hai gian hàng của Việt Nam có diện tích khoảng 30 m2, nằm trong khu vực châu Á cạnh các gian hàng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia…
Bà Trần Thị Mai Dung, Trưởng phòng Quản lý xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết đây là lần đầu tiên Hà Nội có gian hàng tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Một số các đơn vị xuất bản nước ngoài như Úc, Đức, Malaysia… đang quan tâm tới sách Việt. “Một số đơn vị xuất bản nước ngoài chú ý đến các cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các sách về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, họ cũng quan tâm tới một số đầu sách thiếu nhi”, bà Dung cho hay.
Chị Đỗ Ngọc Lan và chồng giới thiệu tấm bản đồ Việt Nam tại gian hàng Ảnh: Thi Nguyên
Một gian hàng khác của ngành xuất bản Việt Nam đến từ Công ty Sách Thái Hà. Năm nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Sách Thái Hà, đã được lựa chọn là 1 trong số 24 giám đốc các đơn vị xuất bản thuộc 24 quốc gia trên thế giới tham gia chương trình khách mời của Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam được lựa chọn tham gia chương trình này. Ngoài ra, ông Hùng cũng là diễn giả về viễn cảnh của xuất bản Việt Nam tại hội sách. Nhiều vị khách nước ngoài dừng lại gian hàng thưởng thức chén nước trà, chiếc kẹo lạc Việt Nam. Ông Hùng cho biết ngoài giới thiệu sách, các gian hàng Việt Nam chú ý đến việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam.
Chúng tôi bắt gặp hình ảnh tà áo dài và bản đồ Việt Nam trong gian hàng của một công ty sách đến từ Canada. Chị Đỗ Ngọc Lan Việt kiều Canada và chồng làm chủ công ty, năm nào cũng tham dự hội sách. Chị cho biết nhờ tà áo dài Việt mà nhiều vị khách nước ngoài đã dừng lại.
Giữa rừng sách của Frankfurt, sách Việt mới chỉ xuất hiện một cách rất khiêm tốn nhưng hình ảnh Việt Nam góp mặt tại hội sách lớn nhất thế giới cũng cho thấy sự cố gắng của ngành xuất bản trong nước. “Mặc dù ngành xuất bản của các bạn vẫn còn nhiều thách thức chẳng hạn như vấn đề vi phạm bản quyền, nhưng tôi đã nhìn thấy nhiều tín hiệu phát triển tốt”, bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.