Khai ấn nhưng khắc sai chữ

Lễ khai ấn, khai bút ở Quảng Ninh diễn ra hoành tráng nhưng chữ trên thành ấn và mặt ấn đều sai chính tả.

Khai ấn nhưng khắc sai chữ 1
Nhà nghiên cứu Hán Nôm, TS Nguyễn Tuấn Cường đã lên tiếng ngay sau khi nhìn thấy ảnh chụp tấm pano của lễ khai ấn và khai bút ở Quảng Ninh ngày 2.2, tức mùng 6 tháng giêng. Theo ông Cường, chưa nói đến tính thẩm mỹ của dấu ấn trên đó, chỉ mới nghĩa của chữ in trên ấn thôi đã sai rồi. “Hàng chữ trang trọng thế mà cái ấn đóng ở đó lại sai hai chữ quan trọng. Khai ấn “Hồng Đức hiệu” (洪德號) thì viết chữ Hồng (洪) nghĩa là lớn thành Hồng (紅) nghĩa là màu đỏ. Khai bút “Tao Đàn hội” (騷壇會) thì viết chữ Tao (騷) nghĩa là phong nhã thành chữ Tao (遭) nghĩa là gặp gỡ. Cả hai đều là lỗi sai đồng âm Hán Việt. Lỗi này thường do tra tự điển để viết chữ”, ông Cường nói.
Khai ấn nhưng khắc sai chữ 3
Những hàng chữ trên thành ấn cũng sai Ảnh: Thu Giang
Chữ quanh ấn cũng sai
Bản in trên pano cũng chính là bản ấn được đóng lên giấy và phát cho công chúng. Bản giấy và ảnh chụp ấn mà phóng viên Thanh Niên có trong tay cho thấy điều đó.
Trên thực tế, ấn Hội Tao Đàn, niên hiệu Hồng Đức được Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh sáng tạo. Lễ khai ấn khai bút được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, dựa trên sự kế thừa tinh thần từ Tao đàn Nhị thập bát tú, tổ chức có vai trò giống như một câu lạc bộ thơ do vua Lê Thánh Tông sáng lập vào cuối thế kỷ 15 với 28 thành viên. Lễ được tổ chức vào mùng 6 tháng giêng, với ý nghĩa mở ra một năm mới có nhiều thành tựu về văn chương nghệ thuật, học hành khoa cử. Tại lễ khai ấn, khai bút xuân Đinh Dậu 2017, chiếc ấn được một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khai ấn và phát cho nhân dân, văn nghệ sĩ dự buổi lễ.
Khai ấn nhưng khắc sai chữ 2
Lá ấn sai chữ
Khai ấn nhưng khắc sai chữ 3
Mặt ấn bị khắc sai
Ở lần khai ấn đầu tiên, ấn được chế tác bằng gỗ, sau đó Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh đã đặt hàng một doanh nghiệp chế tác đồng để làm lại ấn như hiện nay. Ấn có kích thước 10 x 10 x 1,5 cm.
Xung quanh ấn cũng có chữ và những chữ này… cũng sai. Dựa trên tư liệu ảnh mà Thanh Niên cung cấp, ông Cường cho biết ở thành ấn cũng ghi 6 chữ “Hồng Đức hiệu Tao Đàn ấn”. Tuy nhiên, ở đây khá hơn, đúng được chữ Hồng và vẫn tiếp tục sai chữ Tao. Chưa hết, một mặt ấn khác có viết 10 chữ là “Truyền đăng sơn từ Nhâm Ngọ niên, quý thu nguyệt” nhưng sắp xếp không theo đúng thứ tự.
“Nhảm nhí” là đánh giá của ông Đức Dũng, chuyên viên Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) về những hàng chữ trên ấn. Ông Dũng cũng phát hiện lỗi sai của cả ấn lẫn bản ấn in ra khi được cung cấp tư liệu ảnh.

Đa phần những người xin ấn không biết chữ Hán, nên ấn khắc có đúng hay không họ không thẩm định được. Nhưng việc tạo tác một chiếc ấn, lại còn khắc sai nhì nhằng thế này, rồi tổ chức lễ khai ấn, thực không ra làm sao cả 

TS Phạm Văn Ánh (Viện Văn học)

Xài đồ “giả” mà không biết
Theo TS Phạm Văn Ánh (Viện Văn học), những chữ này không phải là quá khó. Thêm nữa, niên hiệu Hồng Đức và hội Tao Đàn đều rất nổi tiếng. Với người có trình độ Hán Nôm tương đối tốt thì không nhầm lẫn được. “Hơn nữa, khi làm mẫu chữ để khắc, nếu chưa rõ thì cũng có nhiều tư liệu để tra cứu. Lẽ ra, khi làm những việc mà mình không biết rõ thì đơn vị tổ chức, chủ trì phải tham khảo ý kiến, hỏi người có trình độ hiểu biết về vấn đề đó”, TS Ánh nói.
Một TS Hán Nôm khác cho rằng tác giả của những chữ này chỉ là một người biết Hán Nôm lõm bõm. Sau đó, khi viết, người này còn tra từ điển một cách cẩu thả. “Chắc thuê hội vỡ lòng đánh máy, chữ nào đứng trước tiên thì chọn chữ ấy cho nhanh”, vị TS này nói.
Cũng theo TS Ánh: “Đa phần những người xin ấn không biết chữ Hán, nên ấn khắc có đúng hay không họ không thẩm định được. Nhưng việc tạo tác một chiếc ấn, lại còn khắc sai nhì nhằng thế này, rồi tổ chức lễ khai ấn, thực không ra làm sao cả”.
Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT -DL), cho biết việc cấp phép tổ chức các lễ hội như thế này thuộc thẩm quyền của địa phương. Địa phương dựa trên hồ sơ nội dung thấy phù hợp sẽ cho phép tổ chức. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các bản ấn đóng trong lễ hội đã sai rõ ràng theo thẩm định của chuyên gia thì việc phát ấn cần phải được dừng lại để không có thêm người dân mang ấn viết nhầm về nhà nữa. “Nó cũng như đồ giả ấy. Họ thường mang về để chỗ trang trọng trong nhà. Vì thế nên yêu cầu dừng phát. Sang năm nếu có tổ chức lễ hội cũng sẽ không dùng ấn sai đó nữa. Chúng tôi cũng sẽ xem xét để gửi công văn nhắc nhở địa phương”, bà Thủy cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.