Khi câu văn bị mắng là tục tĩu

22/04/2013 03:05 GMT+7

Một số đoạn trong bản dịch tập truyện ngắn Mỹ Những thứ họ mang bị cho là tục tĩu. Phản ứng này cho thấy cần có những chỉ báo phân loại sách để độc giả lựa chọn cho phù hợp.

Khi Tim O’Brien viết tập truyện ngắn Những thứ họ mang (The things they carried), ông gần như phơi bày cả trí tưởng tượng lẫn những trải nghiệm sau một năm tham chiến ở Tây nguyên vào năm 1969 của mình. Nó cũng cho thấy hậu quả tinh thần nặng nề sau đó của những người lính Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Để rồi sau này, rất nhiều lính Mỹ khi tới Iraq hay Afghanistan đã đem theo cuốn sách, rồi kết luận khi trở về: “Ông đã viết đúng điều mà tôi từng nghĩ là không có thật”.

Nhưng khi tác phẩm rất liên quan đến Việt Nam này tới nước ta, chỉ một câu: “Con mặt l... ngu đ... bao giờ trả lời” (viết tắt những từ được viết đầy đủ trong ấn bản Những thứ họ mang do Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nhã Nam và NXB Văn học xuất bản - NV) đã khiến bản dịch bị chê là tục tĩu.

 Khi câu văn bị mắng là tục tĩu

“Dịch như vậy chẳng có gì không đúng”, TS Phạm Xuân Thạch, ĐH Quốc gia Hà Nội nói. “Thứ nhất, trong nguyên tác có những từ tục. Tất nhiên, cái sự tục ở đây là ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Ta phải tôn trọng ý đồ thể hiện sự tục tĩu đó. Thứ hai, nếu đã tôn trọng thì tất yếu khi chuyển sang tiếng Việt phải tìm một từ tục để dịch. Tác giả đã chọn cách diễn đạt tục tương đương trong tiếng Việt chứ không dịch kiểu từ đổi từ. Tôi chưa có điều kiện kiểm chứng lại một cách tỉ mỉ và chi tiết toàn bộ bản dịch nhưng một cách sơ bộ, tôi đánh giá đó là một bản dịch tốt”, ông Thạch phân tích.

 

Xã hội đọc chuẩn mực thường có bộ phận chỉ báo, không phải để cấm hay không mà để chọn hay không chọn

PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp

Cũng theo TS Thạch, việc khăng khăng phản đối bản dịch từ một phía mà không chịu trao đổi cho thấy phần nào sự “học phiệt” ở đây. Tuy nhiên, cũng theo ông Thạch, ý kiến của độc giả có tính tham khảo vì họ dựa trên cảm tính và trải nghiệm văn hóa của mình.  

Cần có hệ phân loại, chỉ báo

Cũng về khả năng đánh giá của độc giả, ông Thạch cho rằng không phải lúc nào đám đông cũng đúng. Việc đánh giá tác phẩm đến cùng là từ các chuyên gia, nhà phê bình. “Tuy nhiên và tất nhiên, người đọc vẫn có một quyền tối hậu là mua hay không mua, dùng hay không dùng sản phẩm văn hóa đó”, ông Thạch nói.

Chính vì thế việc phân loại chỉ báo sách là một công cụ có thể giúp độc giả chọn lựa. Những thông số chỉ báo này có thể nằm ở hệ ký hiệu, chẳng hạn 18+ như trường hợp tiểu thuyết 50 sắc thái (E.L.James, dịch giả: Tường Vy, Alpha Books và NXB Lao động xuất bản - NV) vừa qua. Nó cũng có thể nằm ở bìa 4 cuốn sách, trong những giới thiệu cụ thể. Một hệ chỉ báo khác nằm ở phần giới thiệu ngay đầu sách. Tuy nhiên, các hệ thống chỉ báo này của thị trường sách trong nước, đặc biệt là sách văn học hiện chưa vận hành tốt.

“Tôi biết chưa có văn bản nào quy định về việc chỉ báo tuổi đọc từ phía nhà nước”, một ý kiến từ đại diện NXB Kim Đồng. “Tuy nhiên, khi xuất bản chúng tôi thường chú ý đến độ tuổi đọc thích hợp. Chẳng hạn, nhiều bố mẹ vẫn nghĩ truyện tranh là của thiếu niên, nhi đồng. Vì thế, với những bộ truyện tranh chứa yếu tố tình cảm nhất định, chúng tôi dán nhãn 15+ để hướng dẫn”.

Ghi chỉ báo theo độ tuổi là cách nhà sách Alpha áp dụng cho bộ tiểu thuyết 50 sắc thái đã chọn. Cuốn sách có nhiều “pha nóng” này là trường hợp duy nhất đơn vị phải làm chỉ báo từ khi ra đời đến nay. “Chúng tôi làm theo cách của các nước phương Tây về chỉ báo độ tuổi. Điều đó hoàn toàn vì đạo đức nghề nghiệp”, ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc nhà sách, cho biết.

Như vậy, những khuyến cáo, hướng dẫn về việc dán nhãn sách gần như đang bị nhà quản lý “bỏ trống”. Mà điều này lại rất có ích cho người đọc, cho việc đọc - điều thiết yếu đối với một xã hội muốn phát triển.

Nhiều chiều dư luận

Phản ứng về bản dịch, có ý kiến cho rằng nên dịch khác đi thành “Cái đồ động đực đó không chịu trả lời”, hoặc “Cái con đần độn thối tha không chịu hồi âm” cho đỡ gây phản cảm. Có ý kiến cho rằng chữ viết cũng như tác phẩm văn học thể hiện sự văn minh, do đó không nên dùng những từ ngữ thiếu văn minh vào tác phẩm văn học. Thậm chí có ý kiến còn đặt vấn đề về trình độ văn chương và văn hóa của người dịch.

Tuy nhiên, một số khác lại ủng hộ cách dịch của ông Trần Tiễn Cao Đăng vì cho rằng nó phù hợp ngữ cảnh, tâm lý nhân vật. Dịch giả này từng nhận giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội cho tác phẩm Biên niên ký chim vặn dây cót (Haruki Murakami) năm 2007.

Hệ thống chỉ báo sách của mình chưa có gì đáng nói

“Hệ thống chỉ báo sách của mình chưa có gì đáng nói cả. Cho đến giờ tôi cũng chưa thấy có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về điều đó. Xã hội đọc chuẩn mực thường có bộ phận chỉ báo, không phải để cấm hay không mà để chọn hay không chọn”.

PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp
(Viện trưởng Viện Văn học)

Cần người lớn hướng dẫn

“Muốn trẻ em không nói tục thì ta không thể bịt tai chúng lại - điều thực chất là không thể làm được. Ta phải làm thế nào để chúng hiểu rõ nói tục là không nên. Chuyện bị ảnh hưởng hay không phụ thuộc vào gia đình, vào những người đồng hành với con trong việc đọc sách. Dán nhãn cũng là tốt và cần. Nhưng cũng phải hiểu dán nhãn có những khi không phải để cấm, mà để có sự lưu ý rằng có cuốn sách khi đọc cần có sự hướng dẫn của người lớn”.

TS Phạm Xuân Thạch
(Phó chủ nhiệm Khoa Văn học, ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Trinh Nguyễn

>> Người đẹp ở tầng trệt - Truyện ngắn của Đỗ Trí Dũng
>> Bà cụ Cần và bầy chim sẻ - Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
>> Lời nguyền mỹ nhân - Truyện ngắn của Uông triều
>> Ngôi nhà trên cây - Truyện ngắn của Bích Ngân
>> Mây xám - Truyện ngắn của Cẩm Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.