Kho báu trong mộ cổ: Di vật quý trong mộ thương nhân đất Thủ

26/11/2015 06:09 GMT+7

Hai vợ chồng Bá hộ Hạ Quang Quới (Hạ Quang Quế), một người Việt gốc Hoa, là thương nhân nổi tiếng vùng đất Thủ Dầu Một và Sài Gòn - Gia Định một thời.

Hai vợ chồng Bá hộ Hạ Quang Quới (Hạ Quang Quế), một người Việt gốc Hoa, là thương nhân nổi tiếng vùng đất Thủ Dầu Một và Sài Gòn - Gia Định một thời.

Các hiện vật tìm thấy trong mộ Bá hộ Hạ Quang Quới - Ảnh: Tư liệu Các hiện vật tìm thấy trong mộ Bá hộ Hạ Quang Quới - Ảnh: Tư liệu
Cuối năm 1985 đầu năm 1986, tại vị trí hiện nay là Tỉnh ủy Bình Dương, một ngôi mộ hợp chất song táng phải thực hiện khai quật khảo cổ học để giải tỏa xây dựng trụ sở làm việc của Tỉnh ủy dưới sự tham gia của hai nhà khảo cổ học lão thành Đỗ Đình Truật và Võ Sĩ Khải.
Hiện trạng ngôi mộ tương đối nguyên vẹn tuy không được hậu duệ chăm nom. Kết cấu kiến trúc mộ có dạng bình đồ hình chữ nhật, khá giống với kiểu thức của mộ các danh thần từng thấy ở Nam bộ với cổng mộ mô phỏng dạng bốn mái giả lợp ngói âm dương; bình phong tiền, bệ thờ, nấm mộ, bình phong hậu và bao quanh là tường thành khép kín kết hợp các trụ biểu, trụ sen bắt góc tường, trang trí nhiều đề tài hoa lá, cảnh vật... Mộ vẫn còn bia, tuy nhiên đã bị bào mòn và mất mảnh không đọc được.
Các hiện vật tìm thấy trong mộ Bá hộ Hạ Quang Quới - Ảnh: Tư liệu
Người dân quanh vùng cho biết đây là mộ của hai vợ chồng Bá hộ Hạ Quang Quới (Hạ Quang Quế), một người Việt gốc Hoa, là thương nhân nổi tiếng vùng đất Thủ Dầu Một và Sài Gòn - Gia Định một thời, từng bỏ nhiều tiền bạc ủng hộ chính quyền địa phương, cũng như cứu giúp nhiều dân cư trong vùng và được chúa Nguyễn phong chức bá hộ, tương đương hàm cửu phẩm trong hệ thống hàm đương thời. Nhiều lời đồn đoán rằng trong khu mộ có chôn theo 2 người nô bộc để cùng về hầu hạ ông bà ở “thế giới bên kia”.
Khi khai quật đến phần huyệt mộ, các nhà khảo cổ đã phát hiện kim tĩnh mộ bên tả đặt quan tài, trong quan còn di cốt mang đặc điểm nam, chủ nhân khi liệm có mặc 2 áo nỉ xanh đậm và đỏ thẫm, dọc thân từ cổ đến gần chân còn 23 cúc áo mã não màu đỏ nhạt, 3 cúc chai màu trắng, 5 cúc bằng đồng và dấu vết của chiếc mão có gắn biển mạ vàng đã bị nát vụn, giấy sách… Mộ nằm bên hữu còn một phần di cốt đã mục, tóc màu hung bạc, xương chậu rộng và ống xương nhỏ mang đặc điểm nữ, trong quan có 26 cúc áo mã não, thủy tinh màu đỏ nhạt và 2 cúc bằng đồng.
Đáng chú ý, ở hai đầu của huyệt mộ còn tạo thêm ô hộc để đựng đồ tùy táng gồm các loại hình gia dụng: ấm, nồi, chảo, mâm, lồng ấp, bình bông… chất liệu đồng mang nhiều đặc điểm sản phẩm của các lò đúc đồng ở Gia Định xưa; các bát, đĩa, thố, tô muỗng, đồ trà... vẽ các đề tài sơn thủy, hoa lá, đề hiệu chữ Hán: ngoạn ngọc, chính ngọc, bảo... là những sản phẩm gốm sứ cao cấp nhập khẩu từ Trung Hoa giai đoạn thế kỷ 17 - 19 mà một số đã từng gặp trong khu mộ cổ đã khai quật tại Phú Thọ, TP.HCM do Phó giáo sư Phạm Đức Mạnh và Phó giáo sư Lê Xuân Diệm khai quật năm 1996. Bên cạnh đó là chai rượu có nắp hình cánh hoa, thân khía cạnh, dát vàng hoa lá và chiếc ly chân cao có nguồn gốc từ châu Âu như đã thấy trong kho tùy táng lăng Thoại Ngọc Hầu, mặc dù không cao cấp bằng. Những người tham gia khai quật cho rằng niên đại mộ vào khoảng thế kỷ 18.
Ngoài các nhóm di vật trên hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Bình Dương, theo một số nhà khảo cổ học từng chứng kiến việc khai quật thì đồ tùy táng còn nhiều di vật quý hơn nhiều. Tuy nhiên, do thời điểm khai quật, nhà bảo tàng và hệ thống trưng bày thuộc tỉnh Sông Bé (Bình Dương, Bình Phước) chưa có vị trí và hệ thống kho lưu giữ, cũng như việc quản lý nhân sự thiếu chặt chẽ nên đã có nhiều di vật bị đánh cắp, thất lạc. Hiện nay, báo cáo khoa học kết quả khai quật cũng đã bị thất lạc không còn lưu giữ tại Bảo tàng Bình Dương, chỉ còn lại sổ kiểm kê hiện vật hiện đang quản lý, do đó không rõ các loại hình di vật tùy táng gồm các loại hình như thế nào.
Mặc dù vậy, với những di vật hiện tồn đang được trưng bày tại Bảo tàng Bình Dương cũng cho thấy mức độ đồ sộ của di vật tùy táng trong ngôi mộ của cặp vợ chồng thương nhân đất Thủ Dầu Một xưa. Nhiều di vật góp phần xác nhận và bổ sung tư liệu cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa vùng đất Nam bộ giai đoạn thế kỷ 17 - 19 vốn được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là vùng đất có nền kinh tế mở, phát triển mạnh mẽ các hoạt động giao thương với thế giới bên ngoài bởi những chính sách tích cực của chính quyền chúa Nguyễn và giai đoạn đầu triều Nguyễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.