Kỳ 54: Benjamin Franklin: ‘Trong vô số những điều xa xỉ, cà phê có giá trị nhất’

10/11/2020 08:00 GMT+7

Lịch sử cận đại đã thực chứng, cà phê và hàng quán cà phê theo cách âm thầm hoặc công khai vẫn luôn xuất hiện như chất xúc tác quan trọng thúc đẩy những tư tưởng lớn ra đời.

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam - một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Giấc mơ đổi đời từ nền tảng tri thức

Benjamin Franklin (1706-1790) được biết đến là một trong “những người cha sáng lập của Hoa Kỳ”, người có công lớn trong quá trình thúc đẩy sự thống nhất các thuộc địa Mỹ. Benjamin Franklin cũng được người Mỹ tôn vinh là “Hình mẫu vĩ đại nhất của người Mỹ”. Chính ông đã khơi dậy tâm thế thân lập thân - self made man, một quan điểm sống truyền thống của người Mỹ, được hiểu là số phận mỗi người là kết quả của sự tự phấn đấu và sáng tạo cá nhân.
Benjamin Franklin là con thứ 15 của một gia đình nghèo, chỉ được chính thức đến trường trong 2 năm, mặc dù vậy, Benjamin Franklin đã trở thành nhà khoa học, nhà văn, triết gia, chính trị gia tài ba. Ông không phải là người đầu tiên từ nghèo khó vươn lên đạt thành tựu lớn, nhưng chưa có ai trong lịch sử nước Mỹ xuất phát điểm quá thấp mà đạt thành công cao tột bậc như vậy.
Chìa khóa dẫn tới thành công của Benjamin Franklin không gì khác ngoài quyết tâm theo đuổi đức hạnh toàn diện và biến tham vọng của mình thành hiện thực. Năm 12 tuổi, sau khi đã nghỉ học, Benjamin Franklin làm việc trong xưởng in để phụ giúp gia đình. Từ đây ông bắt đầu hành trình tự học bằng cách tranh thủ đọc tất cả sách được đưa tới nhà in. Nhờ vậy ông thành thạo nhiều môn như đại số, hình học, văn phạm, luận lý, các môn vật lý và khoa học tự nhiên. Cũng trong giai đoạn này ông tiếp cận các bài viết trên The Spectator - tạp chí khai sáng nước Anh, phát hành chủ yếu trong hàng quán cà phê. Benjamin Franklin vô cùng tâm đắc với luận điểm tư tưởng của các triết gia khai sáng và dần hình thành ý niệm về giấc mơ đổi đời.
Năm 1726, chỉ mới 20 tuổi, Benjamin Franklin đã đặt mục tiêu cao cả nhất của cuộc đời: trở thành một người đàn ông tốt và hạnh phúc. Ông một mình đến Pennsylvania - nơi khởi nguồn nền dân chủ Mỹ hiện đại. Tại đây ông thành lập nhóm Junto bao gồm những người “Có chung tinh thần học hỏi và khao khát cải thiện bản thân”. Nhóm Junto góp sách đọc chung và thay nhau thuyết trình về các vấn đề luân lý, chính trị, khoa học hằng tuần ở quán cà phê London Coffee House. Nhờ việc thảo luận này mà các hội viên đều tiến bộ về tri thức lẫn tư duy. Hơn nữa, số lượng sách được thành viên sưu tập ngày càng lớn. Nhận thấy ı́ch lợi mở mang trí tuệ của việc đọc sách, năm 1730, Benjamin Franklin cùng Junto thành lập Thư viện Philadelphia (Library Company of Philadelphia). Đây là thư viện đầu tiên tại Bắc Mỹ, mở đầu cho phong trào xây dựng thư viện sau này. Chính nhờ sách từ thư viện mà người dân Philadelphia thời đó có trình độ văn hóa cao hơn các vùng kế cận.
Nếu chỉ đọc sách thì Benjamin Franklin chưa hẳn thành công tột bậc. Ông luôn khẳng định, muốn trở thành hình mẫu bản thân tốt nhất cần phải ứng dụng tri thức, luyện tập các phẩm chất đạo đức toàn diện. Ông soạn hẳn 13 đức tính và một kế hoạch tu rèn bản thân. Dù nhận rõ con đường thay đổi hành vi lối sống có đầy khó khăn ông vẫn cam kết thực hành suốt đời với những giá trị do chính mình đã chọn.
Năm 1743 Benjamin Franklin thành lập Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ - một tổ chức bác học lâu đời nhất ở Hoa Kỳ nhằm tiếp tục sứ mệnh “thúc đẩy sự hiểu biết về khoa học và nhân văn”. Hội Triết học Hoa Kỳ, quy tụ những nhân vật kiệt xuất như George Washington, Thomas Jefferson, John Dickinson,… Vì chú trọng đến thế hệ rường cột quốc gia, Benjamin Franklin đề xướng giáo dục thanh niên, hỗ trợ thành lập Học viện Philadelphia mà sau này là Trường đại học Pennsylvania, xuất bản Công báo Pennsylvania, niên giám “Poor Richard's Almanac” và thành lập một mạng lưới báo chí liên thuộc địa… toàn bộ phục vụ cho công cuộc khai sáng dân trí.

Thay đổi để vĩ đại

Từ giữa những năm 1750 đến giữa những năm 1770, Benjamin Franklin đã dành phần lớn thời gian của mình du hành đến các quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Đức. Trong chuyến đi này, ông tha thiết giành quyền tự do cho các thuộc địa Mỹ. Với trí tuệ tinh thông trên nhiều lĩnh vực, Benjamin Franklin nhanh chóng kết thân với giới trí thức khai sáng và trở thành nhân vật quan trọng trong các hội khoa học lẫn triết học. Ông là thành viên của Câu lạc bộ Honest Whigs, Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia (RSA), Hội Tam Điểm - Freemasonry. Đây là những hiệp hội trí thức nòng cốt trong thời đại khai sáng Anh, thường hội họp tại các quán cà phê quận Covent Garden, London. Tại Pháp, Benjamin Franklin tham gia thảo luận với các chính khách, học giả, những nhà cải cách tại quán Procope Café. Ông tiếp cận tinh thần cách mạng Pháp và hình thành ý tưởng về Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Cũng tại Procope Café, Benjamin Franklin soạn Bản Hiệp ước Liên minh Pháp - Mỹ năm 1778 chuẩn bị cho cuộc cách mạng giành lại tự do cho nước Mỹ.
Benjamin Franklin từng thốt lên “Tôi yêu tất cả những người lương thiện mà tôi gặp ở quán cà phê”. Bởi từ hàng quán cà phê ông được tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ, định hình rõ cách thức thực hiện giấc mơ Mỹ. Cũng vì nhận rõ ích lợi của cà phê trong việc tỉnh thức, đổi thay phẩm hạnh con người, Benjamin Franklin đã đặt biệt quy định cà phê là thức uống cấp thiết không thể thiếu.
Nhận định rằng tri thức rất quan trọng để tạo nên sức mạnh cho các thuộc địa. Đặc biệt cần những diễn đàn thảo luận chính trị nhằm tạo nên giới tinh hoa hiện thực hóa giấc mơ Mỹ, sau khi từ châu Âu trở về, Benjamin Franklin chủ trương ủng hộ các hoạt động phổ biến tri thức và giáo dục đức hạnh tại quán cà phê. Chính trị gia, thương nhân và cả công nhân đều có thể tiếp cận những tư tưởng chính trị được tập hợp thông qua sách, báo chí phát hành tại quán cà phê. Những người không biết đọc cũng được giáo dục bằng những bài thuyết giảng và những cuộc tranh luận trong quán cà phê.
Khi trí tuệ cộng đồng phát triển, người Mỹ nhận thức rõ ràng về “Giấc mơ Mỹ” với lý tưởng bất kỳ ai cũng có cơ hội đạt được cuộc sống tự do và hạnh phúc. Sự xuất hiện của một tầng lớp ưu tú nhìn nhận rõ vai trò của mỗi cá nhân với vận mệnh dân tộc đã không chịu số mệnh thuộc địa. Họ dần nỗ lực tham gia vào các hoạt động phát triển các lĩnh vực chủ chốt tạo nên quyền lực quốc gia như kinh tế, văn hóa, hoạch định chính sách chính trị… Sự đồng quy tư tưởng này cuối cùng dẫn đến cuộc Cách mạng Mỹ với phần lớn lực lượng là những thanh niên dám nghĩ dám làm, yêu bình đẳng và mang theo niềm tin cố hữu vào cơ hội làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại.
Benjamin Franklin được người Mỹ tôn kính không chỉ vì vai trò của ông trong quá trình giành tự do cho Mỹ, trên hết vẫn là những nỗ lực của ông để trở thành con người tốt hơn. Ông tự học để trở thành một triết gia, nhà văn, nhà khoa học, chính trị gia. Đồng thời, ông tự rèn thân tâm trí để có được những phẩm tính mà bản thân chọn lựa, từ đó từng bước tiến đến vinh quang tột bậc. Benjamin Franklin cho rằng “Không có cuộc sống tốt nếu không có thức uống tốt”, thế cho nên, lựa chọn cà phê là thức uống yêu thích và hàng quán cà phê là không gian giáo dục đã góp phần mang lại thành công cho chính ông và những người Mỹ theo đuổi giấc mơ Mỹ.
Đón đọc kỳ sau: Thomas Jefferson: “Cà phê - thức uống yêu thích của thế giới văn minh!”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.