Làng hoa gần 1.000 năm tuổi trong ký ức người Hà thành

21/08/2016 04:15 GMT+7

Xưa nay nói đến hoa Hà Nội người ta chỉ xưng tụng làng hoa Ngọc Hà. Thật không công bằng vì Hữu Tiệp nằm sát Ngọc Hà cũng là làng trồng hoa nổi danh, chỉ vì làng nhỏ dân ít thành ra bị 'lép vế'.

Các nhà nho đã gọi Ngọc Hà, Hữu Tiệp là Trại Hàng hoa nối thêm một phố “hàng” cho Hà Nội. Ngọc Hà và Hữu Tiệp là làng cổ, phần lớn mang họ Tống, Lê, Trịnh từ Thanh Hóa và Hoa Lư (Ninh Bình) theo Lý Công Uẩn ra Thăng Long định cư từ thế kỷ thứ 10. Đời vua Lý Thái Tông, vua lập Thập tam trại (sau này là Trại Hàng hoa) ở phía tây kinh thành. Thập tam trại không chỉ trồng lúa, rau mà còn trồng hoa cung cấp cho kinh thành như: sói, hải đường, cúc vạn thọ, hồng, huệ, ngâu… Hoa Ngọc Hà nức tiếng gần xa, đã đi vào ca dao Hà Nội: “Hỡi cô đội nón ba tầm/Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang/Phiên rằm chợ chính Yên Quang/Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua”.
Vua ra chỉ dụ bắt quan trồng rau và hoa
Sau khi chiến thắng giặc Minh, năm 1429, Lê Lợi ra chỉ dụ bắt các quan phải trồng rau và hoa. Trồng rau để cải thiện đời sống vì kinh tế sau chiến tranh khó khăn, trồng hoa để làm cho kinh thành đẹp đẽ và thanh bình. Nhà Nguyễn Trãi nằm ven sông Tô Lịch, ông cũng trồng rất nhiều giống hoa, bạn bè đến thăm thấy hoa đẹp đã làm thơ vịnh. Tất nhiên giống hoa do Trại Hàng hoa cung cấp.
Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi chép: “Vào dịp gần tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ Cầu Đông”. Cúng tất niên xong, nhiều gia đình ăn mặc đẹp dẫn nhau đi chơi chợ ngắm hoa. Cùng với đào Nhật Tân, mai thất thốn của Kẻ Mơ, hoa Quảng Bá, các loại hoa của Ngọc Hà, Hữu Tiệp cũng khoe sắc làm cho chợ hoa tết thêm nhiều màu sắc.
Năm 1890, chính quyền Pháp lập Vườn thí nghiệm thực vật (nay là công viên Bách Thảo), trồng thử nghiệm các loài cây, hoa, rau nhập từ các nước nhiệt đới, ôn đới để tìm ra các giống phù hợp với khí hậu miền Bắc. Khi tìm được các giống rau, hoa thích hợp, chính quyền đã lập vườn ươm giống La Pho, Đuy Phuốc trên đất Ngọc Hà, Hữu Tiệp. Các giống hoa nhập từ châu Âu được ươm ở đây gồm: qillet (cẩm chướng), pensée (hoa bướm), marguerite (cúc vàng), violet (hoa tím)... Những luống hoa mái kính đã tạo ra kỳ hoa dị thảo suốt bốn mùa.
Vì dân Ngọc Hà, Hữu Tiệp có kinh nghiệm trồng giống hoa bản địa nên giám đốc vườn ươm thuê người hai làng vào làm, vì thế họ học được cách trồng hoa tây. Hai người đầu tiên trồng hoa tây là ông Phạm Hữu Tỉnh và Trịnh Văn Quang, dân làng Hữu Tiệp. Các ông nhờ mua giống, tự gieo trồng bằng kỹ thuật đã học “mót” của kỹ sư Pháp. Khi tận mắt nhìn những luống hoa cúc nở vàng, họ ngạc nhiên và thán phục. Rồi nhà này học nhà kia, phong trào trồng hoa tây, gây giống lan ra khắp hai làng.
Nghề trồng hoa ở Ngọc Hà, Hữu Tiệp kéo dài cho đến năm 1958 thì có sự thay đổi. Năm đó các hộ phải góp đất thành lập hợp tác xã trồng hoa. Hoa phục vụ cho các sự kiện lớn nhỏ của nhà nước, cho lễ tân, cho các sứ quán nước ngoài đều do hợp tác xã hoa Ngọc Hà và Hữu Tiệp cung cấp. Còn hoa trồng trên đất vườn thì họ bán ra ngoài.
Người bán hoa dạo ở Hà Nội ngày nay Ảnh: Ngọc Thắng
Đám cưới không thể thiếu hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp
Trại Hàng hoa vô cùng yên bình, đẹp đẽ, con người hiền lành chất phác nên nhiều quan lại triều Nguyễn về hưu không muốn ở lại Huế đã trở ra Hà Nội mua đất ở đây làm trại, trồng hoa, trồng cây vui thú điền viên. Con gái Ngọc Hà xinh đẹp, nết na, chăm chỉ nổi tiếng không kém hoa vì thế nhiều anh chàng lăm le tán tỉnh. Ca dao Hà Nội đã ghi lại chuyện này:“Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát /Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa /Hỏi người xách nước tưới hoa /Có cho ai được vào ra chốn này?”.
Không chỉ xinh đẹp, các cô còn rất khéo tay.
Trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc kỳ (Une campagne au Tonkin, NXB Paris 1892) tác giả là bác sĩ Hocquard, người theo chân quân đội Pháp ở Hà Nội từ năm 1883 đã viết về con gái Ngọc Hà: “Các cô rất khéo tay, lấy đất sét đặt lên một khoanh cây chuối, sau đó cắm các loại hoa xen lẫn với lá lên cục đất sét tạo ra một lùm hoa lá rất lạ và đẹp mắt. Các cô cũng làm những lẵng hoa đủ màu sắc bán cho những người Pháp sang Hà Nội lập nghiệp”. Các cô còn nghĩ ra cách tết hoa trên xe tay cho các quan tây khi họ đi Nhà thờ Lớn đón Noel, tết tây hay quốc khánh Pháp. Khi Hà Nội xuất hiện ô tô, các cô trang trí hoa trên mui cho các xe đi đón quan chức cấp cao từ Pháp sang. Hằng ngày các cô mặc áo tứ thân, thắt lưng bao xanh gánh hoa vào trong phố rao nửa tây nửa ta: “la flơ bà đầm” (mời bà đầm mua hoa).
Đám cưới người Pháp ở Hà Nội không thể thiếu hoa Ngọc Hà. Và kể từ khi thanh niên Hà Nội cưới theo kiểu chú rể trao hoa cho cô dâu thì không một cặp đôi nào thoát được hoa cưới Ngọc Hà, Hữu Tiệp.
Trước khi người Pháp vào VN, hoa bán ở chợ, chung với các mặt hàng khác. Trong cuốn Người và việc ở Đông Dương (Choses & Gens en Indochine,
tập II, NXB Indeo 1941), Claude Bourrin viết: “Dân Pháp sống ở An Nam không thể thiếu được hoa nên họ yêu cầu Đốc lý Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định phải xây các ki ốt bán hoa”. Ở Hà Nội, ki ốt được xây góc ngã tư mà nay là Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay. Trúng thầu bán hoa ở các ki ốt là dân Ngọc Hà và Hữu Tiệp. Vào những năm 1930, số người Việt ảnh hưởng lối sống Pháp ngày càng nhiều nên thú chơi hoa cũng vì thế mà tăng lên, các ki ốt không đáp ứng hết đã sinh ra chợ hoa Hàng Khay họp ở bên phía bờ hồ. Cảnh sát cho rằng chợ làm mất mỹ quan đô thị định dẹp bỏ nhưng Đốc lý Henry Virgitti (1934 - 1938) không đồng ý.
Hình ảnh cô gái Ngọc Hà bán hoa bên hồ Gươm quá đẹp khiến khách sạn Métropole sử dụng làm quảng cáo. Bích chương gồm hai phụ nữ trung niên, một cô mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ đang chăm chú bày hoa, phía sau cô gái đang ngồi cũng áo tứ thân, khăn mỏ quạ mắt xa xăm, xa nữa là tháp Rùa, trên thân cây treo nón ba tầm. Hình ảnh cô gái Ngọc Hà bán hoa là cảm hứng cho Khái Hưng và Nhất Linh viết truyện ngắn Gánh hàng hoa. Năm 1971, truyện ngắn này được một hãng phim ở Sài Gòn chuyển thành bộ phim cùng tên. Năm 1989, truyện lại được chuyển thành phim truyện video.
Đất không hụt một li, các giống hoa vẫn vậy, nhưng hoa ở Trại Hàng hoa giờ không còn. Nơi đây san sát nhà bê tông cao tầng. Ca khúc Mùa xuân, làng lúa, làng hoa của nhạc sĩ Ngọc Khuê đẹp như bức tranh lụa, và khi ai đó cất tiếng hát, thì những người yêu Hà Nội chỉ còn biết ngậm ngùi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.