Lãng phí châu bản

06/09/2013 03:05 GMT+7

Trong khi tiến hành các nghiên cứu liên quan để chuẩn bị hồ sơ di sản tư liệu thế giới cho châu bản triều Nguyễn, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng việc khai thác tư liệu quý này còn hạn chế.

Trong khi tiến hành các nghiên cứu liên quan để chuẩn bị hồ sơ di sản tư liệu thế giới cho châu bản triều Nguyễn, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng việc khai thác tư liệu quý này còn hạn chế.  

Mất cơ hội nghiên cứu sâu về Việt Nam

Nhiều năm nghiên cứu Việt Nam, nhận giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh cho nghiên cứu ấy, Giáo sư (GS) Philippe Langlet dường như đã “đi xuyên qua” nhiều thư tịch Việt Nam. Nhưng học trò của ông vẫn ước ao giá như sinh thời ông được tiếp cận châu bản thì nghiên cứu của GS Langlet chắc chắn sẽ thâm sâu hơn nữa. Tiến sĩ (TS) Đào Thị Diến cho biết khi sang Hà Nội tham gia hội thảo quốc tế Việt Nam học năm 1998, GS Langlet đã có ý định tiếp cận bản gốc một tờ châu bản về đê điều. “Tuy nhiên, ý định của GS đã không thành hiện thực vì thời điểm đó châu bản chưa được phục vụ nghiên cứu rộng rãi do còn đang trong tình trạng vật lý không tốt”, TS Diến nói.

Lãng phí châu bản
 Đã có nhiều châu bản được phê dưới thời vua Khải Định - Ảnh: Tư liệu

Chính vì thế, việc tiếp xúc châu bản của vị GS đã dịch cả thơ thiền Việt Nam chỉ dừng lại ở mức dùng bản dịch. Điều này khiến ông khó mà hài lòng bởi bản dịch đó không đầy đủ. Những thủ tục hành chính ông cần tìm hiểu lại được chỉ ra quá sơ sài đối với một người nghiên cứu ở một thời đại khác, một thế giới khác. Sau đó, nhà nghiên cứu người Pháp này viết: “Chúng tôi tiếc đã không được tra cứu khối tài liệu châu bản, tạm thời không được tiếp cận. Và dù sao đi nữa thì chúng tôi ở xa và có khó khăn trong việc đọc chữ Hán Nôm”.

Tình trạng hiếm người tiếp xúc được với châu bản và ít người quan tâm đến châu bản bây giờ vẫn còn. Th.S Đào Hải Yến, Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (nơi đang lưu giữ châu bản triều Nguyễn), cho biết một thực tế là từ năm 2005 đến hết 2012 mới chỉ có 453 người quan tâm đến loại tư liệu này. Năm cao nhất có 136 người, năm thấp nhất chỉ có 15 người. Như vậy, bình quân một năm có khoảng 56 - 57 người đến đọc, cũng có nghĩa là một tuần chỉ có một người đến đọc tư liệu châu bản triều Nguyễn. “Sự thiếu vắng của những người quan tâm đến châu bản triều Nguyễn này phải được coi là bất bình thường”, GS Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và phát triển, đánh giá.

 

“Châu bản triều Nguyễn là các bản tấu, sớ của triều đình nhà Nguyễn tính từ năm đầu triều vua Gia Long (năm 1802) cho đến năm cuối triều vua Bảo Đại (năm 1945) đã được nhà vua ngự phê, ngự lãm. Nhà Nguyễn là một vương triều trọng sử, đạt được những thành tựu rực rỡ về sử học, nhất là đã hoàn thành biên soạn và khắc in các bộ sử chính thức cho vương triều của mình. Trong đó châu bản là nguồn sử liệu căn bản và là chất liệu quan trọng làm nên giá trị to lớn của các bộ sử đó. Tiếc rằng sau khi Bảo Đại thoái vị, có tới trên 80% số châu bản quý giá của vương triều Nguyễn đã bị mất mát hay thất lạc. Sau ngày đất nước thống nhất, châu bản triều Nguyễn vẫn được bảo quản tại TP.HCM. Năm 1991, toàn bộ châu bản được chuyển ra Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, Hà Nội”.

GS Nguyễn Quang Ngọc - Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và phát triển

Điều bất bình thường này càng trở nên đáng tiếc hơn khi trong tất cả các hội thảo, các bài viết về châu bản, ý tưởng chủ đạo đều là thái độ trân trọng đặc biệt của các tác giả. Theo GS Ngọc, châu bản triều Nguyễn được đánh giá rất cao giá trị tầm mức quốc gia, quốc tế. “Chúng tôi cũng không thấy một tác giả nào có ý hoài nghi hay phủ nhận tính chất quý hiếm, độc bản, xác thực và độ tin cậy cao của châu bản. Càng không ai hoài nghi sự phản ánh đời sống chính trị kinh tế, văn hóa, đối nội, đối ngoại của châu bản triều Nguyễn”, GS Ngọc cho biết. 

Không phải của riêng ai

Theo GS Ngọc, nhiều nhà nghiên cứu qua bài nghiên cứu của mình đều gián tiếp hoặc trực tiếp bày tỏ mong muốn châu bản triều Nguyễn sớm trở thành di sản tư liệu thế giới. Mặc dù vậy, trở thành di sản, có nghĩa là chúng ta cần phải quan tâm hơn tới việc phát huy nó. Từ góc độ này, việc phát huy giá trị châu bản cần được lên kế hoạch ngay từ bây giờ.

Việc cần làm đầu tiên, chắc chắn là tạo điều kiện mở rộng tra cứu tư liệu này. “Giá như tài liệu châu bản được đưa vào CD-ROM sớm hơn thì biết đâu, năm 1998 khi sang Hà Nội tham gia Hội thảo Việt Nam học, GS Philippe Langlet đã có thể tiếp cận bản gốc tờ châu bản có liên quan đến đê điều. Đã đến lúc tài liệu lưu trữ cần được xã hội hóa để các nhà khoa học ở Việt Nam cũng như thế giới không phải chấp nhận nuối tiếc như ông. Có vậy, mới tạo điều kiện để người nghiên cứu từ bỏ thói quen đi tìm trong chuyện kể của du khách nước ngoài khi nghiên cứu lịch sử”, TS Diến đề xuất.

Cũng từ khó khăn của vị GS Pháp - không đọc được chữ Hán Nôm, chúng ta cũng nên tổ chức biên soạn và xuất bản các ấn phẩm liên quan. Đặc biệt là các ấn phẩm dịch thuật châu bản.

Là toàn bộ hệ thống công văn hành chính có bút phê của nhà vua, châu bản liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau. Từ giáo dục đến y tế, từ thương mại đến văn hóa, từ đối nội đến đối ngoại. Và những thông tin trong đó lại có hệ thống, đặc biệt mô tả quan hệ hành chính trong từng ngành.

“Muốn khai thác châu bản giờ rất cần những bản dịch bởi không phải nhà nghiên cứu nào cũng có thể đọc được chữ Hán”, TS Trần Trọng Dương nói. Điều này rất giống với một trong những khó khăn của vị GS Pháp đã nêu. “Nhưng vấn đề là không phải ai biết Hán Nôm cũng có thể dịch châu bản. Họ cũng phải có chuyên sâu, nghĩa là như một chuyên gia về ngành đó” - ông Dương nói.

Trinh Nguyễn

>> Di sản kể chuyện biển
>> Đền Hùng - từ hội làng đến quốc lễ
>> Khẩn cấp bảo tồn văn hóa Quảng Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.