Luthier Cường: Người làm đàn tài hoa

06/05/2006 22:32 GMT+7

Nghe Bach, Mozart cất giọng giữa chợ đời... Phía sau khung cửa sắt, tiếng guitar réo rắt, rộn ràng. Những chuyển động liên tục của hợp âm đồng dạng chạy trên nền dây buông - một kỹ thuật mới trong guitar cổ điển mang phong cách của H.V.Lobos.

Tôi không vội bấm chuông. Bên ngoài trời nắng nóng, nhưng tiếng đàn vẫn rất hấp dẫn, không ngừng ngân vang trong căn nhà nhỏ, lúc thì khúc dạo đầu mượt mà trong tổ khúc số 4 J.S.Bach viết cho violon, được ai đó đã chuyển soạn cho guitar có cấu trúc rất tinh vi; khi thì khúc Variations tươi vui, pha một chút buồn ở cung Mi trưởng của thần đồng Mozart. Người chơi, tôi đoán là một tay có hạng trong làng guitar cổ điển Sài Gòn. Cư dân trong con hẻm nhiều quẹo trái, quẹo phải nằm phía sau chợ Cây Quéo, P.5, Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã quá quen thuộc với những âm thanh ấy.

Anh Cường tiếp chúng tôi với cây đàn guitar vừa mới ráp xong, chưa đánh bóng. Giới guitar thường gọi anh là Luthier Cường. Cái tên Luthier là do nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ đặt cho Cường cách đây khá lâu khi Vũ chưa sang định cư ở Mỹ, để chỉ những người chuyên đóng đàn Lute - tiền thân của cây Tây Ban Cầm hiện nay. Trong một căn phòng trên lầu, tôi thấy có khoảng gần một chục cây đàn, một nửa đã hoàn chỉnh. Cường cho biết, hai cây trong số đó là do anh em giới guitar Hà Nội đặt anh đóng cách đây khá lâu; số còn lại các guitarists người Việt bên Mỹ, Singapore đặt anh đóng qua e-mail, đợi họ về mang đi. Bên dưới nhà, một cậu có mái tóc dài... hơn một phân, đang dạo một điệu luân vũ Tây Ban Nha cho một cô bé có lẽ mới nhập môn guitar classic nghe. Hết bài, cậu chuyển sang điệu valse Venézolano Nam Mỹ sôi nổi. Cậu cũng đến nhờ Cường đóng cho một cây.

Khi biết Q., người bạn cùng đi với tôi có ý định đóng một cây đàn, Cường nhìn Q. rồi lạnh lùng "phán" một câu mà nếu không bình tĩnh rất dễ bị... choáng: "Tôi thường chỉ đóng đàn cho sinh viên nhạc viện". Nói là nói vậy chứ cuối cùng thì anh cũng đồng ý đóng cho Q. "OK! Không phải đặt cọc đâu, cho tôi số điện thoại, đúng một năm sau tôi gọi đến thử đàn". Rồi Cường xoay sang cậu đầu trọc: "Còn cậu, cứ yên chí, khi nào cái đầu trọc của cậu... dài tóc ra thì hãy đến đây lấy đàn". Không có cách nào khác. Với Cường, ai cũng vậy, phải... sắp hàng, không có ngoại lệ dù người đó là đệ nhất danh cầm Flamenco Việt Nam Trần Văn Phú. Trong máy vi tính của anh, tôi biết số người đặt đàn đã rất dài, trong khi một tuần anh chỉ làm được một cây. Nghe Cường trao đổi qua điện thoại, tôi biết anh cũng vừa nhận đóng cho T.C.A - tay guitar thiên về Flamenco một cây loại 600 USD, nhưng hẹn... 2 năm sau mới xong! Trong làng guitar cổ điển ai cũng hiểu rằng để tiếng đàn đạt được sự bay bổng, lãng mạn, phải chi li từng nốt nhạc, kể cả đó là một rừng hợp âm chi chít nốt móc ba. Trong nghề đóng đàn, Cường cũng tỉ mỉ như thế, không chỉ với cây đàn mà cả với người đến đặt đàn - người nào đến trước đóng trước, đến sau đóng sau.

Duyên nợ với cây đàn

Trước khi đến với nghề làm đàn, Luthier Cường từng là một guitarist. Qua tìm hiểu, tôi biết anh là một "kỹ sư Phú Thọ". Những năm 80, thật lạ, trong khi người Sài Gòn khốn khổ vì "ngăn sông cấm chợ", tất bật áo cơm, không hiểu sao tiếng đàn "guitar quý tộc" lại bùng lên một sức sống mãnh liệt, khởi đi từ cái nôi Nhà văn hóa Phú Nhuận. Nếu lấy cái thời vàng son đó của guitar classic Sài Gòn đem ra so, tôi chắc rằng không có một quốc gia nào trên thế giới yêu guitar cổ điển cho bằng người Việt Nam. Cây guitar ngự trong salon dần dà phổ biến đến giới lao động. Nhiều người chơi guitar, nhưng để có một cây đàn đánh được cho ra hồn không phải ai cũng có. Giá một cây guitar thuộc loại "hàng chợ" của Tây Ban Nha lúc bấy giờ cũng không dưới 2.000 đô. Còn cây đàn chính hiệu Ignacio Fleta, hiệu Ramirez mà "sư phụ" A.Segovia và học trò của ông là J.William, hay A.Ponce và nhiều danh cầm thế giới khác từng chơi, thì nên "quên đi".

Thời ấy sắp hàng mua gạo bằng sổ, mua thực phẩm bằng tem thì lấy đâu để tậu một cây đàn giá 5.000 - 6.000 USD. Đó là lý do vì sao những tay guitar cự phách, trong đó có người bạn tôi là Thái Cường (đã định cư ở Mỹ) chuyển sang làm đàn guitar - tất nhiên, không phải ai cũng thành công, thậm chí thất bại nhiều hơn. "Muốn có một cây guitar đánh cho vừa ý, không có cách nào khác là chúng tôi phải tự mày mò làm lấy một cây", Luthier Cường nói.

Nghệ nhân làm đàn guitar cổ điển thành danh trong nước không nhiều, trên Đà Lạt có anh T., Huế có hiệu đàn Tân Châu, Hà Nội hiện nay có anh D. Còn ở Sài Gòn, bậc thầy chế tác đàn guitar cổ điển phải kể đến đầu tiên là "ông Tâm nghệ thuật" ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Con cái ông Tâm học nghề từ cha, nhưng không làm được những cây có tiếng "đẹp" như cây đàn của cha mình. Ông Tâm đã qua đời. Một nghệ nhân nổi tiếng khác ở Phú Nhuận - anh Hồng thì cũng đã xuất cảnh. Thế hệ sau có Luthier Cường, và quả nhiên "hậu sinh khả úy", theo giới guitar classic, những cây đàn của những người đi trước cũng không thể so với cây đàn của Cường Luthier về độ ngân vang cũng như sự lộng lẫy về hình dáng.

Cái thời "mày mò" đã qua, cây đàn mang tên Cường hiện đã đạt đến đỉnh điểm của nghệ thuật làm đàn Việt Nam. Rất nhiều ý kiến nhận xét của giới guitar classic trong nước, ngoài nước đều dành cho cây đàn của Cường sự "kính nể", có rất nhiều trên mạng internet. Thậm chí, không biết có là quá lời không, khi anh Đ.M.T có nick-name trên mạng là KT7 từng so sánh cây đàn của Luthier Cường với những danh đàn hàng đầu của Tây Ban Nha. Trên website có tựa Viet-Guitar, nhạc sĩ Võ Tá Hân viết: "Tôi cho rằng giờ đây Cường đã đạt mức cao thủ... Bạn bè của tôi ở Singapore cũng như một số guitarist quốc tế ghé qua đây đều tỏ vẻ ngạc nhiên là một người Việt trong nước đã làm được những cây đàn tốt đến như vậy". Nhạc sĩ Huỳnh Hữu Đoan từng là giảng viên khoa guitar Nhạc viện TP.HCM, đang định cư ở Mỹ cũng khẳng định với bạn bè trong giới guitar về trình độ làm đàn guitar của Cường rằng: "Tôi xin lấy tất cả những gì mình có để bảo đảm với các anh rằng đây là một nhân tài của VN".

Một nguồn tin cho biết có đến hơn 90% sinh viên khoa guitar Nhạc viện TP.HCM chơi đàn của Luthier Cường. Cây đàn của anh đã có mặt ở Mỹ, Úc, Nhật, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Singapore, và cả ở Pháp vốn rất khó tính trong việc chọn đàn guitar... Được biết, nhạc sĩ Bùi Thế Dũng cũng vừa đặt anh làm một cây đàn thật xịn để học trò của "thầy Dũng" so tài với guitarists thế giới tại hội thi "Cung đàn mùa xuân" (tổ chức 2 năm một lần) vào tháng 8 tới đây tại Bỉ.

Nhìn những đường vân rất mịn trên tấm ván thông có thể biết nó có tuổi đời từ 100 năm trở lên, loại cây chuyên trồng để làm đàn guitar có xuất xứ từ Trung, Bắc u, Bắc Mỹ; những tấm ván gỗ cẩm lai tuyệt đẹp có ở Tây Nguyên Việt Nam, những thanh carbon dẹp dùng để hỗ trợ cho các thanh nan rẽ quạt hoặc nan tổ ong, nan lưới... đã được tác giả cất công sưu tầm, tuyển chọn từ nước ngoài, từ Tây Nguyên, mới thấy hết công phu của cái nghề này.

Thỉnh thoảng các nhạc sĩ Trần Văn Phú, Dương Kim Dũng, Kim Chung, Trần Hoài Phương, Bùi Tuấn Anh; nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ, Huỳnh Hữu Đoan, Võ Tá Hân những lần về nước cũng đến đây hội đàn. Bây giờ gặp Luthier Cường người ta hay liên tưởng tới cây đàn guitar classic nhưng không phải đóng từ "xứ sở bò tót" mà là do một guitarist Việt Nam chế tạo; không ai còn nhớ đến một kỹ sư Cường của Đại học Bách khoa ngày nào.

Hôm gặp tôi, Luthier Cường đề nghị "Đừng nói nhiều về tôi", nếu có yêu guitar thì nên đi sâu lý giải vì sao những người làm đàn guitar classic của Việt Nam không nhiều? Và tại sao nhiều nghệ nhân làm đàn ở Sài Gòn - nơi phong trào guitar classic phát triển mạnh nhất nước, đa số lại phải đi làm thuê cho các ông chủ tiệm đàn để kiếm cơm độ nhật? Phải chăng nghệ nhân làm đàn của Sài Gòn vẫn còn ngủ mê trong tiếng guitar của A.Segovia những năm thập niên 60-70, không kịp thích nghi với luật chơi khắc nghiệt, nhưng cũng có cái lý của nó, trong cơ chế thị trường? Luthier Cường trăn trở với tôi rất nhiều về điều này, nhưng không phải cho anh.

Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.