Mở kho online tư liệu quý về di tích kiến trúc Việt

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
20/04/2020 07:06 GMT+7

Kho tư liệu về các di tích được Viện Bảo tồn di tích thực hiện trong 50 năm qua đã mở ra trên mạng.

“Của để dành” 50 năm

Không thể tìm thấy hồ sơ di tích của đình Lương Xá (xã Liên Đạt, H.Ứng Hòa, Hà Nội) tại các cơ quan quản lý văn hóa, để làm căn cứ cứu lại ngôi đình vừa bị người dân tự ý trùng tu phá hỏng. Đơn giản, vì ngôi đình 300 tuổi với nhiều mảng chạm đẹp đó chưa phải là di tích được công nhận. Cả Sở VH-TT Hà Nội và thôn Lương Xá đều bế tắc trong việc muốn dựng lại như xưa thì căn cứ vào đâu. May mắn đã đến khi TS-KTS Hoàng Đạo Cương, quyền Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL), cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ tư liệu trong hồ sơ điều tra di tích của Viện. Ở đó, các bản vẽ hiện trạng đình đã được thực hiện bài bản”.
Vào thời điểm vụ việc đình Lương Xá cực nóng, Viện Bảo tồn di tích quyết định mở kho tư liệu của mình cho người dân ở đây và quản lý văn hóa Hà Nội. Và bây giờ, cánh cửa kho đã được mở rộng rãi hơn, với nhiều đối tượng hơn, khi Viện đưa Ngân hàng dữ liệu di tích của mình lên trang ditich.vn. “Đó là những tư liệu di tích được vẽ, ghi, chụp lại trong 50 năm của Trung tâm thiết kế bảo tồn di tích (tiền thân của Viện Bảo tồn di tích) và nay là Viện Bảo tồn di tích. Những tư liệu ấy do cán bộ Viện xây dựng qua nhiều thế hệ”, ông Hoàng Đạo Cương cho biết. Theo ông Cương, việc cung cấp hoàn toàn miễn phí.
Đã có tư liệu của khoảng 7.000 di tích ở Viện Bảo tồn di tích hiện nay. Tuy nhiên, tư liệu vẫn được tiếp tục đẩy lên mạng. Dự kiến mỗi năm sẽ có thêm tư liệu của 1.000 di tích được đưa lên tiếp. Có thể tìm thấy hồ sơ các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia ở đây. Cũng có thể thấy các di tích chưa được xếp hạng như Lương Xá. Quan trọng, các hồ sơ rất đầy đủ. Nó giúp hình dung về di tích rõ ràng hơn. Điều này càng quan trọng khi luật Di sản văn hóa cũng mới được đưa vào đời sống năm 2002, và phải sau đó, quy định về một hồ sơ di tích được xếp hạng mới rõ ràng, chi tiết.
Mở kho online tư liệu quý về di tích kiến trúc Việt1

Chiếc hương án 300 tuổi ở chùa Bút Tháp tuy bị cháy nhưng vẫn còn tư liệu

Ảnh: TL

Về sự chi tiết của các hồ sơ di tích trong ngân hàng online của viện này, có thể lấy trường hợp chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) làm ví dụ. Ngôi chùa đã bị hỏa hoạn làm cháy rụi hương án cổ 300 tuổi vào năm 2015. Hương án bị cháy được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là hương án thời Lê đẹp thứ nhì Việt Nam, chỉ đứng sau hương án điện thánh chùa Keo Thái Bình. Để làm lại hương án này, chắc chắn cần có bản vẽ chi tiết, và Viện Bảo tồn di tích có bản đó.
Về độ chi tiết của các hồ sơ, TS-KTS Hoàng Đạo Cương nói: “Những gì đặc sắc của di tích đều có thông tin ở trong ngân hàng dữ liệu này”. Chính vì thế, không chỉ hồ sơ di tích, hồ sơ các cuộc trùng tu di tích lớn như đình Chu Quyến cũng được Viện Bảo tồn chia sẻ trong ngân hàng.

Cơ sở trùng tu và hoạch định

TS Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho biết việc đưa các tư liệu di tích này lên mạng, với người nghiên cứu khoa học xã hội như ông, rất bổ ích. “Tôi vào thử, thấy hiệu nghiệm. Ví dụ, tìm Phật Tích, ra luôn đủ thứ hay ho. Bao năm nay, mấy anh em nghiên cứu Hán Nôm, mỹ thuật bàn việc làm hồ sơ di tích trên web, qua định vị Google map để tìm trên bản đồ di tích của web sẽ ra luôn. Đến nay, nhân lực, vật lực chưa thể, thì may thay, Viện Bảo tồn di tích đã làm được web này”, ông Tuấn cho biết. Hồ sơ chùa Phật Tích (Bắc Ninh) mà ông nói đến có nhiều nhánh tư liệu. Trong đó có hồ sơ khảo sát chùa năm 1958, hồ sơ bản vẽ 1996, hồ sơ ảnh 1996 và hồ sơ viết 1996.
Ông Hoàng Đạo Cương cho biết đối tượng số 1 mà hồ sơ và ngân hàng online muốn hướng tới là các cơ quan quản lý. “Họ phải biết mình có gì để bảo vệ chứ! Chẳng hạn, có bao nhiêu đình, bao nhiêu đền, bao nhiêu chùa. Tình trạng của nó tốt, trung bình hay kém. Có cái nào có giá trị lớn. Như vậy mới phân bố được nguồn lực để bảo tồn di tích. Nếu không, có thể mình lại ưu tiên cho cái tương đối tốt trước, trong khi những cái khác rất quý nhưng sắp sập đến nơi lại phải chờ”, ông Cương nói và nhấn mạnh điều này sẽ giúp các địa phương phân bố nguồn lực.
Mở kho online tư liệu quý về di tích kiến trúc Việt2

Bản vẽ chùa Tây Phương của Viện Bảo tồn di tích cũng được đưa lên ngân hàng

Ảnh: TL

Thứ hai, các hồ sơ di tích này sẽ rất tốt với việc xã hội hóa. “Tình hình chung là nhà nước không thể đầu tư tu bổ di tích một cách dàn trải. Việt Nam có tới 3.500 di tích quốc gia, vật liệu gỗ lại đắt, mỗi di tích trùng tu cần vài tỉ đồng thôi đã là con số khổng lồ. Vì thế, trùng tu di tích phải xã hội hóa thôi, nếu không thì không thể có đủ tiền”, ông nói.
Vẫn tiếp tục cập nhật tư liệu lên ngân hàng online này, Viện Bảo tồn di tích cũng cập nhật cả những đợt điều tra mới. Chẳng hạn, điều tra di tích mới nhất được Viện thực hiện ở Vĩnh Phúc. Theo đó, số lượng di tích được điều tra ghi chép dữ liệu hóa lên tới gần 500, bao gồm cả di tích có danh hiệu và không danh hiệu. Điều này giúp tỉnh có cái nhìn dài hạn hơn về quy hoạch di tích.
Ông Cương cũng chia sẻ về việc số hóa này, khó khăn là dung lượng thông tin quá lớn. “Dung lượng lớn đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều cho phần cứng lưu trữ và cả phần mềm. Đây là phần mềm tiếng Việt để tìm kiếm. Nếu không, để một cái tủ lộn xộn, lại là một cái tủ to, tìm hàng bao lâu không thấy. Phải có công cụ mạnh để tìm. Xây dựng giao diện để có người khai thác truy cập”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.