Nghệ thuật của xứ An Nam hơn 80 năm trước

22/02/2017 06:38 GMT+7

Cuốn Nghệ thuật xứ An Nam (Nhà xuất bản Thế Giới và Nhã Nam ấn hành) của Henri Gourdon cho thấy cái nhìn của người phương Tây về nghệ thuật một nước phương Đông.

Tìm lại những câu chuyện thú vị
Buổi tọa đàm ra mắt sách Nghệ thuật xứ An Nam diễn ra chiều 21.2 tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội với sự tham gia của diễn giả - dịch giả Trương Quốc Toàn cùng một số nhà nghiên cứu văn hóa.
Dịch giả Trương Quốc Toàn dịch cuốn sách như một cơ duyên. Làm việc tại dự án Hợp tác phát triển đô thị Hà Nội - Île-de-France (IMV), ông theo dõi nhiều dự án khác nhau về phát triển đô thị, trong đó có mảng quan trọng là bảo tồn di sản. Chính vì thế, ông Toàn tìm đến cuốn sách này để tìm hiểu về các yếu tố văn hóa cần bảo tồn như: cung điện, tôn giáo, nhà ở, điêu khắc, hội họa, các nghề gốm, khảm trai… “Cuốn sách của Henri Gourdon thực sự có thể gọi là một cuốn sách chuyên ngành về di sản. Ngay từ khi đọc bản gốc tiếng Pháp, có một số chỗ khiến tôi thấy gai người vì… thú vị. Tôi thích cách tiếp cận của tác giả, thích những góc nhìn của ông với tư cách như một học giả phương Tây lần đầu tiếp cận với văn hóa VN, nhưng đã có vốn hiểu biết khá dày về văn hóa Á Đông. Vì vậy, ngay sau khi đọc lướt nhanh nội dung, tôi quyết định sẽ dịch tác phẩm này”, dịch giả chia sẻ.
Nghệ thuật xứ An Nam (L’Art de l’Annam) phát hành năm 1933. Henri Gourdon viết cuốn sách trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu các ghi chép liên quan và thực tế trải nghiệm của bản thân. Ông là giám đốc đầu tiên của Nha Học chính Đông Dương. Những kiến thức văn hóa trong sách, theo ông Toàn: “Chúng vẫn còn nguyên giá trị để giúp chúng ta hình dung tốt hơn về một thời kỳ đã qua, thậm chí giúp chúng ta tìm lại được cả những giá trị đã trót bị đánh mất”.
Cuốn sách cho độc giả nhiều hình dung về đời sống văn hóa của người An Nam xưa. Một số phong tục giờ đây không còn nữa, hoặc đâu đó vẫn còn tuy không nhiều. Tục mua quan tài để dành là một ví dụ. Trong cuốn Đất lề quê thói, tác giả Nhất Thanh giải thích tục này bắt nguồn từ việc nhiều làng cách xa phố chợ nên không dễ mua được quan tài gỗ tốt, lại thêm việc khi nằm xuống có khi con cái tị nạnh nhau, cha chung không ai khóc, nên nhiều người thường lo trước hậu sự. Trong cuốn sách Nghệ thuật xứ An Nam, điều này được mô tả rõ từ góc độ niềm tự hào: “Cuối cùng, không nên bỏ qua những cỗ áo quan, trong số đó có nhiều cỗ rất đẹp và thường được sử dụng như một món đồ bài trí trong gian tiếp khách”.
Một câu chuyện khác cũng khá thú vị là những người thợ giỏi đã tránh không quá phô trương sự khéo léo của mình như thế nào. Thợ thủ công nếu khéo thì sẽ được triều đình tuyển mộ một cách độc đoán rồi ép đưa vào cung. Khi đó, danh tiếng không những không cho họ cuộc sống sung túc mà còn làm họ tan nát tương lai vì bị “Kết án lao động suốt đời cho một chủ nhân trả công rất thấp, không được bù đắp khi về già”, sách viết.
Rút ra bài học cho nghệ thuật Việt
Cuốn sách đưa ra một quan điểm về nghệ thuật xứ An Nam, trong đó đề cập nhiều về nghệ thuật sơn mài và gốm: “Sở dĩ nền nghệ thuật này không tạo ra những công trình đồ sộ có thể so sánh với các quốc gia láng giềng, sở dĩ trong nghệ thuật trang trí không có những tác phẩm xứng đáng để cạnh tranh với Trung Quốc và Nhật Bản, thì như chúng tôi đã phân tích, bởi đây là nghệ thuật của một nước nghèo”.
Tác giả cũng đưa ra các ví dụ về ảnh hưởng khuôn mẫu nghệ thuật Trung Quốc trong nghệ thuật Việt: “Sự sùng bái nghệ thuật Trung Quốc, sự hạn chế về chủ đề trang trí, sự tự nguyện cúi đầu trước các bậc thầy xa xưa đều có tác động nguy hại tới cái tôi trong nghệ thuật. Vậy nên nghệ thuật của người An Nam chủ yếu mang tính vô danh. Chúng tôi không tìm được tác phẩm nào có ký tên tác giả, cũng không thể biết được tên tuổi của những người thiết kế các công trình và các họa sĩ trang trí thời trước”. Tuy nhiên sách cũng có nhận xét khâm phục kỹ thuật của thợ khảm trai An Nam: “Không gì có thể sánh được với độ hoàn thiện, tinh xảo trong các họa tiết khảm viền quanh các cánh tủ chè, tráp và khay; cành lá uốn lượn, hình tua cuốn dây nho đạt tới độ tinh tế khiến người ta phải thắc mắc làm sao có thể làm được như thế với một chất liệu dễ gãy vỡ như xà cừ và những công cụ thô mộc...”.
Về nhận định nghệ thuật xứ An Nam nghèo và ít cá tính, nhà nghiên cứu Bùi Hoài Mai phân tích: “Ứng dụng của sơn mài chỉ là để bảo vệ gỗ. Sau này người Pháp cũng đưa kỹ thuật sơn mài đó lên tranh như nghệ thuật, chứ trước đó sơn mài VN chỉ dừng ở mức trang trí đồ vật và công trình kiến trúc thôi. Trong khi các tác phẩm sơn mài Nhật đã mang tính sáng tạo của nghệ sĩ riêng biệt thì chúng ta vẫn đang bắt chước nhau”.
Ông Mai cũng cho rằng chúng ta cũng ít có trường hợp rõ phong cách, nêu danh tác giả. “Cũng có những tác phẩm có tên tác giả nhưng không nhiều. Chúng ta có gốm ký tên Bùi Thị Hý ở Hải Dương. Tượng Trấn Võ, Hà Nội cũng có tên tác giả nho nhỏ. Cái này khác với phương Tây, họ tôn vinh tác giả, tôn vinh phong cách khác nhau từ rất sớm”, ông Mai nói.
PGS-TS Trang Thanh Hiền (ĐH Mỹ thuật Hà Nội) lại cho rằng kỹ thuật sơn mài Việt cũng có nét đẹp riêng và bà nghi ngờ liệu có phải tác giả chưa tiếp cận được các món đồ rất quý hay không khi đưa ra nhận định rằng nghệ thuật sơn mài An Nam thua kém một số nước.
Theo ông Mai, không phải lúc nào cái nhìn của tác giả cũng đúng. Tuy nhiên, cũng cần rút tỉa từ cuốn sách ra các bài học cho bây giờ. Chẳng hạn việc phát triển đồ thủ công. “Chúng ta không nên phát triển thủ công tùy tiện, thiếu cá tính. Hiện tại ta chỉ phục vụ thị trường khách phương Tây dễ tính kiểu đồ lưu niệm du lịch rẻ tiền. Như thế sẽ làm mai một nghề sơn mài”, ông Mai nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.