Ngôn ngữ miền sông nước

30/04/2016 11:12 GMT+7

Ngôn ngữ miền sông nước là tập sách gồm các bài nghiên cứu của nhiều tác giả về những đặc trưng ngôn ngữ của miền sông nước Cửu Long.

Sách do PSG-TS Võ Văn Thắng và TS Hồ Xuân Mai đồng chủ biên; NXB Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành.
Các tác giả đã đi sâu phân tích từng đặc điểm ngôn ngữ của người Nam bộ thông qua việc tìm hiểu những câu chuyện về địa danh; nghiên cứu cách sử dụng các từ ngữ gắn với sông nước chỉ đặc điểm, hoạt động của con người; xem xét các lớp từ khẩu ngữ, những từ ngữ đậm chất Nam bộ không thể lẫn với bất kỳ vùng, miền nào khác.
Đọc Một số điểm tương đồng và dị biệt giữa logic và ngôn ngữ tự nhiên vùng ĐBSCL của PGS-TS Võ Văn Thắng (Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang) để thấy logic vừa có những điểm dị biệt, vừa có sự tương đồng với ngôn ngữ tự nhiên. Quan tâm nghiên cứu vấn đề này sẽ giúp chúng ta tư duy chặt chẽ, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, chính xác hơn; đồng thời phát hiện ra những hiện tượng độc đáo trong đời sống văn hóa.
Qua nghiên cứu Thành ngữ, tục ngữ và sự thể hiện văn hóa của con người Nam bộ, PGS-TS Nguyễn Văn Nở (Trường ĐH Cần Thơ) đã đúc kết: “Thành ngữ và tục ngữ có khác gì “hoa, trái” của lời nói. “Hoa” và “trái” ở mỗi miền, do đặc trưng riêng về phong thổ và những người gieo hạt, vun trồng, chăm sóc có dáng vẻ riêng, màu sắc, hương vị riêng… mà thành ngữ và tục ngữ Nam bộ là một minh chứng”.
ThS Trần Đức Hùng (Trường ĐH Đồng Tháp) đã tiến hành khảo sát 3 tư liệu: Ca dao dân ca Nam bộ, Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh và Ca dao dân ca ĐBSCL để tìm hiểu Lớp từ khẩu ngữ địa phương trong thơ ca dân gian Nam bộ, trong đó có thống kê các lớp từ khẩu ngữ, gồm: từ xưng hô, từ tình thái, từ láy, từ chỉ mức độ. Nghiên cứu này cho thấy từ ngữ trong thơ ca dân gian Nam bộ có những biểu hiện rất đa dạng, mỗi lớp từ mang lại đặc trưng riêng, không thể nhầm lẫn.
Sách còn có các bài nghiên cứu chuyên sâu khác như: Sự chuyển nghĩa từ ngữ có nguồn gốc sông nước trong lời ăn tiếng nói của người Nam bộ (ThS Hoàng Tiến Chính - Trường ĐH Bạc Liêu); Tìm hiểu cách vận dụng thành ngữ, tục ngữ trong tác phẩm của Sơn Nam, Hình ảnh “thân em” và ngôn ngữ trong ca dao trữ tình vùng sông nước Cửu Long (PGS-TS Nguyễn Văn Nở); Đặc trưng ngôn ngữ trong ca dao tình yêu của người Việt vùng sông nước Cửu Long (TS Đậu Thị Ánh Tuyết - Trường ĐH Văn hóa TP.HCM); “Cá” trong ca dao Nam bộ (ThS.Nguyễn Thị Thu Thủy - Trường ĐH Cần Thơ), Sử dụng từ ngữ sông nước để chỉ đặc điểm, hoạt động con người (ThS Nguyễn Phước Hoàng - Trường ĐH Bạc Liêu)…
Đọc Ngôn ngữ miền sông nước chúng ta có thể hiểu thêm về những đặc trưng ngôn ngữ của vùng đất lắm sông nhiều rạch. Đọc để không khỏi thích thú phát hiện cách so sánh râu cá chốt, miệng cá leo, tép riu... có ý nghĩa và quan hệ như thế nào với con người có đặc điểm như vậy. Đọc để cảm thấy thú vị với cách nói láy, chơi chữ của những con người vốn hiền lành, chất phác miền sông nước Cửu Long.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.