Nhà sách trực tuyến vào cuộc đua

31/12/2010 09:32 GMT+7

Mô hình nhà sách trực tuyến đã có mặt tại VN khá lâu (từ năm 2004), tuy nhiên đến năm 2010, cùng với sự tăng trưởng ấn tượng về lượng người dùng Internet (26 triệu người, tương đương 30% dân số), xu hướng mở nhà sách trực tuyến trở nên mạnh mẽ.


Một vài nhà sách trực tuyến: Davibooks.com.vn, Nhasachtritue.com, Nhasachphuongnam.com, Sach365.com, Tiki.vn, Vbook.com.vn, Vietnamsach.com.vn, Vinabook.com, Xbook.com.vn, Zokik.com, Bookbuy.vn, Saharavn.com.

Không chỉ những nhà sách truyền thống nay có thêm website (Minh Khai, Nhân Văn, Trí Tuệ) thị trường cũng xuất hiện những nhà sách hoàn toàn trực tuyến mới như: Tiki.vn, Xbook, Zokik...

Theo thống kê ban đầu, hiện đã có trên 20 website chuyên kinh doanh sách. Ðó là chưa kể chính các NXB, công ty phát hành sách cũng phát triển website của mình từ việc chỉ đăng thông tin sách, tiến tới bán và giao hàng các đầu sách (NXB Trẻ, Alphabooks, Thái Hà, Chibooks, Phan Thị...). Fahasa, anh cả trong ngành bán lẻ sách, cũng cho biết đang trong giai đoạn gấp rút "làm lại" website của mình thành trang web thương mại điện tử và dự kiến ra mắt vào năm 2011.

Sở dĩ có sự bùng phát như vậy, ngoài tăng trưởng về lượng người dùng Internet còn do nhiều yếu tố khác. Có thể kể đến "thời cơ vàng" của thương mại điện tử VN, giai đoạn 2010-2015.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình - tổng giám đốc Peacesoft/Chợ điện tử, thương mại điện tử sẽ đạt doanh số khoảng 2 tỉ USD đến năm 2012. Các công ty có tham vọng trở thành "Amazon Việt Nam" đều học tập mô hình của Amazon, sử dụng sách như một sản phẩm truyền thống để xâm nhập thị trường thương mại điện tử.

Bạn yêu sách cũng đã dần làm quen và chấp nhận hình thức mua sắm trên mạng bởi các ưu điểm: dễ tìm kiếm, tham khảo thông tin, không tốn thời gian đi mua, giao hàng tận nhà, trả tiền sau...

Thị trường còn nhỏ bé

Độc giả Nguyễn Thị Minh Trang, giáo viên Trường THCS Phan Công Hớn, Hóc Môn, TP.HCM: “Tôi mua sách trực tuyến thấy có cái lợi là không phải di chuyển, thoải mái lựa chọn và danh mục sách được chọn lọc sẵn, chỉ vài thao tác là xong. Những quyển sách cũ, xuất bản đã lâu cũng dễ tìm hơn và có khi mua được dù nhiều lần tìm ở nhà sách offline. Tuy nhiên, mua sách trực tuyến vẫn có bất lợi như chi phí giao hàng ở một số nhà sách khá cao. Mua sách trực tuyến không có được không khí “vào nhà sách”, tận hưởng không gian sách vở và không giáo dục được cho con trẻ niềm yêu thích sách vở. Cảm giác khi mình lật giở từng trang sách trong nhà sách cũng rất đặc biệt”.

Nếu như ở các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật... cuộc đua đã ngã ngũ với phần thắng nghiêng hẳn về các công ty trực tuyến (Amazon tại Mỹ, Dangdang tại Trung Quốc) thì tại Việt Nam vẫn còn quá sớm để kết luận.

Một vài số liệu chính thức lẫn không chính thức cho thấy thị trường nhà sách bán lẻ của VN năm 2009 khoảng trên 2.000 tỉ đồng, trong đó tổng doanh số của các nhà sách trực tuyến dự đoán chỉ khoảng 1-2% thị trường. Fahasa, chuỗi nhà sách offline lớn nhất với 56 cửa hàng khắp cả nước vẫn chiếm khoảng 50% doanh thu (theo Fahasa, doanh thu năm 2010
là 1.250 tỉ đồng).

Lợi thế ở thời điểm hiện tại vẫn nghiêng về các nhà sách truyền thống là vì giá (ở các khu phố sách như Nguyễn Thị Minh Khai ở TP.HCM, Nguyễn Xí - Ðinh Lễ tại Hà Nội, khách hàng khi mua luôn được giảm 20-30% so với giá bìa; trong khi các nhà sách trực tuyến thỉnh thoảng mới có chương trình giảm giá, khuyến mãi), sự đa dạng về chủng loại hàng hóa, thời gian giao hàng (Việt Nam với văn hóa mua sắm đường phố, hầu hết khách hàng ở các tỉnh thành lớn chỉ cần bỏ 30 phút chạy ra tiệm sách gần nhà là có ngay cuốn sách cần mua).

Tuy nhiên, các nhà sách trực tuyến cũng đã và đang có những bước tiến đáng kể để bắt kịp với các nhà sách truyền thống về ba điểm nêu trên. Ngoài việc giảm giá, hầu hết các nhà sách trực tuyến đều có chính sách miễn phí vận chuyển khi đơn hàng đạt đến một mức giá trị nào đó.

Các đơn vị cũng cố gắng mở rộng và phong phú ngành hàng trên website của mình, như Vinabook đã triển khai kinh doanh phim, nhạc, thẻ cào; website Tiki.vn ngoài sách tiếng Việt, sách tiếng Anh, sách điện tử, quà tặng, đồ chơi, thiệp... còn có dịch vụ giúp khách hàng đặt sách ngoại văn, thỏa mãn nhu cầu tìm sách chuyên ngành, sách hiếm...

Trước sự phát triển ồ ạt của các nhà sách trực tuyến, các nhà sách truyền thống cũng tích cực phát triển website như một kênh bán hàng mới cho mình.

Cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ

Trước một cuộc cạnh tranh được dự báo sẽ ngày càng quyết liệt hơn, các nhà sách trực tuyến đều cố gắng phát huy và tìm ra điểm khác biệt của mình.

Vinabook hai năm gần đây đã tích cực thực hiện nhiều đợt giảm giá, khuyến mãi. Tiki.vn ngoài việc giảm giá và mở rộng ngành hàng còn chú trọng mang lại những dịch vụ "chăm sóc" khách hàng, như tặng bọc sách cho mọi cuốn sách bán ra, tặng quà cho khách hàng thân thiết. Nhasachphuongnam.com của Tổng công ty Văn hóa Phương Nam dù mới ra đời cũng mạnh mẽ tuyên bố sẽ mang lại dịch vụ khách hàng tốt nhất với chính sách hoàn tiền nếu không hài lòng.

Không chỉ vậy, cả ba nhà sách trên đều có chính sách giao hàng miễn phí, thậm chí một số chương trình khuyến mãi cũng rất giống nhau.

Ví dụ cả Tiki.vn và Nhasachphuongnam.com trong tháng 12 đều có chương trình khuyến mãi mua hàng tặng iPad, Kindle. Hay khi tựa sách mới của Nguyễn Nhật Ánh vừa rục rịch ra mắt, Tiki.vn đã tung chiêu giảm 20% cho khách hàng đặt trước cuốn này và giảm 20% cho toàn bộ sách của Nguyễn Nhật
Ánh trong dịp này, Vinabook.com và Nhasachphuongnam.com cũng ngay lập tức có chương trình tương tự, kéo theo một loạt nhà sách
trực tuyến nhỏ lẻ khác vào cuộc.

Cho dù thế nào thì người dùng là đối tượng có lợi nhiều nhất với xu hướng giá sách sẽ ngày càng cạnh tranh hơn, đồng thời dịch vụ khách hàng cũng ngày càng nâng cao. Các công ty xuất bản sách cũng là ngư ông đắc lợi khi hệ thống phân phối được mở rộng.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.