Những tình bạn trong văn chương: Sơn Nam - Kiên Giang một đời lăn lóc

24/09/2016 05:28 GMT+7

'Vừa là bạn đồng hương, vừa là tình văn nghệ trên 20 năm từ đồng ruộng đến thành thị, tôi có dịp sống gần và sống chung với nhà thơ Kiên Giang'. Đây là những dòng Sơn Nam viết về Kiên Giang từ năm 1969, lúc bạn mình in tập thơ Lúa sạ miền Nam.

Năm 1995, tôi nhận được thư của Kiên Giang, ông viết: “Đến gặp L.M.Q để trao tập thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím rút trong 3 tập Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Quê hương ấu, Lúa sạ miền Nam. Anh Sơn Nam dặn tôi trao cho nhà thơ”. Thật cảm động, gần 30 năm sau, một lần nữa, viết tựa cho tập thơ này, Sơn Nam lại nhấn mạnh: “Nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà nhỏ hơn tôi năm, ba tuổi, là người cùng sinh quán ở làng Đông Thái, Q.An Biên, tỉnh Kiên Giang”.
Sau năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, đôi bạn này cùng lên Sài Gòn sống bằng nghề cầm bút. Họ thật sự kiếm sống bằng con chữ, ngoài ra không có thêm bất kỳ một thu nhập nào khác. Có lần tôi hỏi “Ông già Nam bộ” rằng giữa hai người thì thu nhập của ai khấm khá hơn. Ông Sơn Nam cười khà khà cho biết do viết báo cho nhiều tờ báo nên lúc nào cũng có “đồng ra đồng vào”. Trong khi đó, Kiên Giang nghiêng về lĩnh vực sân khấu, là tác giả nhiều vở cải lương lừng lẫy một thời; ít viết báo, chỉ chọn thơ cho chuyên mục Mái nhà thơ, Cánh đồng thơ trên một vài nhật báo ở Sài Gòn.
Do cùng nghèo nên đôi bạn này luôn thương cảm và giúp đỡ những người nghèo. Tôi nhớ hoài tâm sự của nhà thơ Đơn Phương tại trại phong Bến Sắn (Bình Dương). Trước lúc mất, Đơn Phương vẫn còn giữ cảm giác sung sướng đến rợn người khi được đọc lời giới thiệu của nhà văn Sơn Nam về những bài thơ của mình do nhà thơ Kiên Giang chọn giới thiệu trên báo, đài. Niềm cảm thông, sự trìu mến của hai nhà văn đàn anh đã tiếp sức cho một người bất hạnh như Đơn Phương thêm niềm vui sống.
Thời điểm năm 1965, lúc Mỹ đổ quân sang miền Nam VN, có lần cà kê dê ngỗng, nhà văn Sơn Nam viết Truyện ngắn của truyện ngắn, chính là phản ánh tâm trạng của tầng lớp trí thức nghèo thành thị đang hoang mang, không rõ thế sự sẽ diễn biến ra sao. Gọi là truyện ngắn nhưng nó dài đến 117 trang in, NXB Phù Sa ấn hành.
Điều thú vị, như Sơn Nam cho biết, là tác phẩm này được gợi cảm hứng từ một lần nhà thơ Kiên Giang rủ ông đi lên Chợ Lớn gội đầu lúc ông than nhức đầu quá: “Nhức đầu thì gội đầu. Đặc biệt lắm, ở Sài Gòn không đâu có. Anh bạn chủ tiệm uốn tóc phụ nữ bày ra kiểu đó... vui lắm. Như ở Nhật Bổn dành cho bạn thân. Mình vô tiệm, ngồi để mấy cô gội cho, gội cho vui. Tôi gội nữa. Vừa rẻ tiền, vừa đứng đắn” (tr.95), nhân vật nhà thơ Kiên Sơn đã bảo với nhà văn, ký giả Tấn như thế.
Cuối cùng, tác giả kết luận: “Thôi! Càng gội càng buồn”. Câu chuyện rề rà, cốt truyện tưởng như không đâu vào đâu, mạch văn trễ nải, chậm rãi nhưng theo Sơn Nam cũng là một cách thể hiện nỗi ưu tư về thời cuộc của ông và Kiên Giang lúc ấy.
Mẹ khổ suốt đời con lận đận
Còn nhớ năm 1997, bạn đọc yêu thơ giật mình khi hay tin nhà thơ Kiên Giang không còn được trú ngụ ở cái chái trên đường Âu Dương Lân (Q.8, TP.HCM) nữa. Bấy giờ, sau nhiều lần thay đổi chỗ trọ, Kiên Giang quay về “cắm dùi” bên hông khu đất dành xây khu dưỡng lão nghệ sĩ. Ở đó được chừng gần năm rưỡi, ông phải đi vì công trình bắt đầu xây dựng. Vậy phải ở đâu? Khi hay tin này, nhà văn Sơn Nam đi đến nhiều tòa soạn báo, tìm gặp anh em phụ trách văn hóa văn nghệ để thông báo. Sở dĩ như thế vì Sơn Nam thường lui tới các tòa soạn gửi bài cộng tác nên quen biết với nhiều nhà báo.
Nhờ vậy, thấu hiểu hoàn cảnh ngặt nghèo của thi sĩ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, nhiều bạn đọc hảo tâm đã giúp đỡ tận tình. Còn nhớ lúc chở Sơn Nam đến thăm ông trước lúc dọn đi, tôi thấy trên bàn thờ mẹ, Kiên Giang có ghi 2 câu thơ viết trên tấm gỗ tạp: “Mẹ khổ suốt đời con lận đận/Thương con hồn mẹ chắc linh thiêng”.
Thật cảm động, lúc ấy, tôi chứng kiến 2 người bạn tâm giao cùng nói về mẹ của mình. Sở dĩ như thế vì bấy giờ Sơn Nam có nhắc lại bài thơ Ngủ bên chân mẹ của Kiên Giang được bạn đọc tạp chí Kiến thức ngày nay chọn là bài thơ hay nhất trong năm 1992. Kiên Giang kể có lần mẹ ông nhỏ nhẹ: “Mẹ biết con làm thơ, cái nghề này chết đói, nhưng mẹ được nghe thơ con rồi, quý lắm, không có gì đổi được”.
Tình cảm của Sơn Nam dành cho Kiên Giang không chỉ trong sinh hoạt đời thường, còn là trên lĩnh vực sáng tác nữa. Chính tác giả Hương rừng Cà Mau là người trước nhất khẳng định Kiên Giang “để lại cho đời vài câu tuyệt vời mà nhiều nhà nghiên cứu cứ ngỡ là... ca dao Nam bộ”: “Đói lòng ăn nửa trái sim/Uống lưng bát nước đi tìm người thương”; “Ong bầu đậu đọt mù u/Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn”; “Ngày mai đám cưới người ta/Cớ sao sơn nữ Phà Ca lại buồn?”. Sơn Nam đánh giá về bạn: “Một cuộc đời lăn lóc, chẳng bao giờ khấm khá, về già làm chuyện ái hữu, tương tế, quả là thành đạt, không xấu hổ với đất nước. Đây là một người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi”.
Bây giờ, cả hai lại cùng nằm lại ở nghĩa trang Bình Dương. Còn nhớ, nhân giỗ đầu Sơn Nam, ngày 13.8.2009, Kiên Giang có ứng tác bài thơ tặng bạn như sau: “Sống thì xuôi ngược bôn ba/Chết nằm đất Nghĩa, vẫn là cố hương/Đây Bến Cát: Đất Bình Dương/Sơn Nam vào đất miên trường ngàn thu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.