Phiêu lưu với sách

24/05/2013 03:00 GMT+7

Đồng loạt nhiều tác phẩm văn học phiêu lưu trong nước ra mắt hoặc tái bản rất nhanh trong một vài năm gần đây.

Nữ tác giả Phương Mai luôn miệng cười với người dẫn chương trình - bình luận viên Trương Anh Ngọc trong buổi ra mắt cuốn sách của cô. Không gian văn hóa Manzi (Hà Nội) đầy ắp độc giả cứ liên tục đi ra đi vào đón Tôi là một con lừa, trong đó cô nàng “độc thân mà vẫn long lanh” kể lại nhiều bài học trên đường thiên lý của 80 nước mình từng qua. Sau mỗi bài học, cô lại tẩy sạch định kiến để đón một thế giới mỗi lúc lại một long lanh óng ánh hơn. Ra mắt sách của mình, cô cũng vui thêm niềm vui của Anh Ngọc - khi cuốn Nước Ý tình yêu của tôi anh xuất bản năm ngoái giờ sắp tái bản lần thứ tư.

 

Trong các tác phẩm phiêu lưu, sự trải nghiệm các nền văn hóa, các thông tin rất nhiều

TS Phạm Xuân Thạch

Sóng tiếp sóng, những cuốn sách phiêu lưu ra mắt trong những năm gần đây lần lượt bán chạy, tái bản khá nhanh. Cuốn sách của Trương Anh Ngọc là một ví dụ điển hình. Trước đó, còn có Nước Mỹ nước Mỹ của Phan Việt cũng tái bản đầu năm 2013, Xách ba lô lên và đi của Huyền chíp, Không chỉ là blog mà còn... của Hà Kin. Đầu tháng 6 tới, cuốn tự truyện của Trần Hùng John - chàng Việt kiều đi bộ xuyên Việt không mang theo tiền cũng sẽ ra mắt. “Văn học phiêu lưu trong nước đang rộ”, TS Phạm Xuân Thạch - Phó chủ nhiệm Khoa Văn học, ĐH Quốc gia Hà Nội nói.

Nếu chuyện tay không đi chục nước lúc đầu còn xa lạ, thì giờ đây, “phượt thủ” kể chuyện là điều nhiều người không còn hoài nghi nữa. “Càng ngày người ta càng có điều kiện đi nhiều, muốn đi nhiều. Những người có điều kiện đi trước chia sẻ kinh nghiệm đó. Bên cạnh kinh nghiệm còn là cảm xúc, động lực nữa”, ông Trương Anh Ngọc chia sẻ.

Sự chia sẻ của mỗi tác giả cũng khác nhau. Anh Ngọc kể những câu chuyện lịch sử về các di sản văn hóa mà nước Ý ôm trong lòng. Hà Kin có nhiều ảnh đẹp, và giọng văn có những góc nhìn cực kỳ xi nê. Phương Mai đa văn hóa và có tư duy kinh tế. Trong bài giảng tại Khoa Kinh tế của một đại học Hà Lan, cô có thể trích dẫn chính những ví dụ mà cô viết trong sách. Chẳng hạn, vì sao châu Phi cứ tiếp tục đói nghèo rất lâu bất chấp viện trợ quốc tế không ít. Phan Việt lại có kết cấu tác phẩm được nhiều nhà phê bình văn học ngợi khen...

 
Phương Mai, tác giả cuốn Tôi là một con lừa, đang cưỡi lừa vượt thành đá cổ Petra (Jordan) - Ảnh: nhân vật cung cấp

“Phiêu lưu không chỉ là phiêu lưu. Nếu sách phiêu lưu bán tốt thì chứng tỏ người đọc có nhu cầu tri thức” - ông Thạch phân tích - “Trong các tác phẩm phiêu lưu, sự trải nghiệm các nền văn hóa, các thông tin rất nhiều”.  

Theo TS Thạch, văn học phiêu lưu nở rộ, bán chạy còn chỉ báo một điều quan trọng hơn. Nó cho thấy xu hướng ngày một rõ là con người Việt Nam đang trở thành công dân thế giới như thế nào. Cũng như Nguyễn Tuân trước đây, những cuộc xê dịch chính là sự khẳng định mong muốn phá vỡ môi trường xã hội truyền thống. “Sự phiêu lưu mở rộng biên độ tồn tại của con người. Gần như sách văn học phiêu lưu là chặng tiếp nối của blog và các diễn đàn”, ông phân tích.

Trong những cuốn sách phiêu lưu, người đọc thấy có sự chiều chuộng, giải phóng bản thân. Lối sống này với nhiều người trước khi đọc sách còn khá xa lạ. Thậm chí, các tác giả còn bị “chụp mũ” là ích kỷ, theo nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, những tác giả phiêu lưu vẫn có tính nghiêm khắc và kỷ luật với bản thân. Họ không buông thả hay vô trách nhiệm. “Có thể nói sách phiêu lưu trong nước hiện nay thể hiện thứ chủ nghĩa cá nhân rất trong lành, ở một nghĩa tích cực của nó”, ông Thạch nói.

Trinh Nguyễn

>> Lệ Tân Sitek: Viết sách để nhớ về lịch sử và quê hương
>> One Direction mời fan cùng viết sách
>> 7 tuổi viết sách quyên tiền chữa bệnh cho bạn
>> Hamlet Trương viết sách tình yêu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.