Phu Văn Lâu được phục hồi nguyên trạng

02/09/2016 05:36 GMT+7

Ngày 1.9, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế công bố chương trình Tuần lễ vàng du lịch di sản Huế (diễn ra từ 2 - 8.9) và khánh thành công trình trùng tu di tích Phu Văn Lâu.

Phu Văn Lâu là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của kiến trúc di sản Huế, nơi niêm yết những chiếu thư, chỉ dụ quan trọng của hoàng đế và triều đình nhà Nguyễn, công bố kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức. Tòa lầu nằm trên trục chính thẳng hướng nam của kinh thành Huế được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long (nay thuộc trục đường Lê Duẩn hướng ra sông Hương, TP.Huế).
Từ năm 1821, danh sách các tiến sĩ được đem niêm yết tại đây. Với tính chất quan trọng đó, dưới thời vua Minh Mạng, triều đình cho dựng hai bên hai tấm bia đá khắc 4 chữ Khuynh cái hạ mã, nghĩa là ai đi qua đều phải cởi mũ và xuống ngựa. Dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Phu Văn Lâu đều được lựa chọn là địa điểm tổ chức các cuộc vui chơi, yến tiệc trong dịp lễ vạn thọ của nhà vua. Năm 1829, vua Minh Mạng đã tổ chức cuộc đấu giữa voi và hổ và năm 1830, nhà vua lại tổ chức cuộc vui chơi yến tiệc suốt 3 ngày để mừng sinh nhật của mình.
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, di tích Phu Văn Lâu đã 8 lần sửa chữa và trùng tu. Đáng chú ý là giai đoạn (1968 -1974) khi trùng tu, một số kết cấu cột, kèo tầng 2 được làm bằng bê tông. Bên cạch các giai đoạn trùng tu mang tính “chắp vá” trên, 2 tấm bia đá Khuynh cái hạ mã cũng đã bị các phương tiện giao thông đi lại húc đổ, hai khẩu súng thần công do sợ bị mất trộm nên đã được đưa vào kho cất giữ, thay vào đó là hai khẩu súng được đúc bằng bê tông...
Dự án trùng tu công trình kiến trúc Phu Văn Lâu, được khởi công tháng 5.2015 với kinh phí gần 12 tỉ đồng. Theo đó, công trình được trùng tu hoàn chỉnh theo phương án phục hồi được xác lập là tái tạo hình ảnh Phu Văn Lâu dưới thời Khải Định (năm 1922), là thời kỳ gần nhất với hiện tại và những hình ảnh tư liệu Phu Văn Lâu còn được ghi lại nhiều nhất.
Phần mái lợp ngói âm-dương, réo mái (mái cong) được phục dựng đúng nguyên bản, phục hồi các con giống và ô hộc trang trí hoa văn theo quy trình, phương thức và vật liệu truyền thống. Sử dụng gỗ kiền kiền để chế tác toàn bộ các cấu kiện gỗ phải thay thế, phục hồi chế tác theo nguyên mẫu và tái sử dụng các cấu kiện còn đảm bảo độ vững chắc, sơn son thếp vàng theo quy trình truyền thống. Hai tấm bia đá Khuynh cái hạ mã cũng đã được phục dựng để trả lại nguyên trạng cho di tích.
Hôm nay (2.9) nhân dịp lễ Quốc khánh, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế mở cửa miễn phí (từ 7 - 17 giờ) cho du khách trong nước và nhân dân địa phương vào tham quan tại tất cả các điểm di tích cố đô Huế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.