Phục dựng 'con đường tơ lụa'

10/06/2017 17:18 GMT+7

Đó là sự ví von và cũng là 'sứ mệnh' mà làng lụa Hội An (Quảng Nam) đang theo đuổi gần 20 năm nay, trong nỗ lực bền bỉ để bảo tồn, phát huy di sản tơ lụa truyền thống Việt.

Làng lụa Hội An ngày ngày người ta âm thầm vun xới từng cội dâu cổ thụ hàng trăm năm tuổi và nuôi tằm nhả tơ, quay tơ dệt lụa… Những khung cửi dệt lụa vẫn kẽo kẹt thoi đưa, mang bóng dáng của các làng nghề truyền thống từ bắc chí nam của người Việt và của người Khmer, Cơ Tu, Chăm…

Mỗi ngày có cả ngàn du khách trong nước và quốc tế đến làng lụa Hội An (28 Nguyễn Tất Thành, TP.Hội An, Quảng Nam) để học “bài học vỡ lòng” về tơ lụa. Họ thích thú nghe giới thiệu về những công đoạn trồng dâu nuôi tằm đến ươm tơ, quay kéo sợi và phương thức dệt lụa được bảo tồn trong dân gian suốt nhiều thế kỷ qua. Họ cũng mày mò phân biệt từng loại chất liệu đũi thô, satin, gấm, lãnh, tafta… được dệt nên từ sợi tơ tằm truyền thống.
Du khách quốc tế thích thú với "bài học vỡ lòng" về dâu tằm, tơ lụa Việt ẢNH: AN DY

Câu chuyện tơ lụa và sự vực dậy ngoạn mục những năm trở lại đây của các làng nghề truyền thống trong nước như Mã Châu, Nha Xá, Phùng Xá, Thái Bình, Vạn Phúc, Tân Châu… đã không chỉ đánh thức giấc mơ lụa Việt mà còn là niềm cảm hứng đối với tơ lụa khu vực và thế giới. Ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tơ lụa Quảng Nam, tự tin: “Sứ mệnh của Làng lụa Hội An chính là bảo tồn và gìn giữ di sản lụa Việt, lưu giữ những câu chuyện giao lưu văn hóa tơ lụa qua nhiều thế kỷ để ra đời những sản phẩm thủ công, dịch vụ, du lịch mang đậm nét văn hóa Việt”.

Gần 4 thế kỷ trước, “Con đường tơ lụa trên biển” được vẽ nên từ những chiếc thuyền buôn rời thương cảng Hội An sang Trung Hoa, Nhật Bản và các nước phương Tây, mang sứ mệnh cung cấp những loại tơ hảo hạng của Quảng Nam ra thế giới và góp phần tạo nên sự thịnh vượng của một vùng đất xứ Đàng trong. Giờ đây, tại Làng lụa Hội An, một điểm nhắn của “con đường tơ lụa” thế kỷ 21 cũng đang dần hình thành, khi đại diện Hiệp hội tơ lụa châu Á, Hiệp hội tơ lụa thế giới và những thương nhân tơ lụa nổi tiếng khắp năm châu đến VN xem lụa, mua lụa Việt. Họ kết nối với các làng nghề thủ công truyền thống để mang lụa Việt đi khắp thế giới.

Những thương nhân hội tụ tại Hội An cũng mang đến cho người dân địa phương và du khách cơ hội mua sắm, sử dụng dòng lụa chất lượng cao của thế giới. Đó là thứ lụa Ấn “đặc chủng” vùng Mumbai (trước gọi là lụa Bombay) và dòng lụa nức tiếng thế giới Cashmere (ở biên giới Ấn Độ - Pakistan). Đây là lần đầu tiên lụa Cashmere Ấn Độ đến VN và làng lụa Hội An, giới thiệu những sản phẩm sử dụng ngày thường như váy áo, lụa, khăn lụa, áo gối, chăn mền… làm từ lụa. “Lụa Cashmere trên thị trường Việt hiện tại cũng cao cấp nhưng đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Còn đây là lần đầu tiên người tiêu dùng Việt tiếp cận trực tiếp lụa Cashmere đến từ Ấn Độ”, ông Lê Thái Vũ hào hứng giới thiệu.

Thủ phủ lụa hàng ngàn năm tuổi của Trung Quốc là Hàng Châu, Tô Châu, Tứ Xuyên, Thẩm Quyến cũng mang đến ngày hội tơ lụa những dòng lụa cao cấp nhất, đặc biệt nhất là câu chuyện nghiên cứu phục dựng tơ lụa từ thời nhà Tống, nhà Minh và Mãn Thanh để đưa dòng lụa cổ về đời sống hiện đại. Hiệp hội Tơ lụa Nhật Bản thì tập trung giới thiệu lụa mang nhãn hiệu “Made in Japan” danh tiếng, những dòng lụa hiện đại và cao cấp trên thị trường. Sẽ là một cuộc “gặp gỡ lụa” đặc biệt, với lụa Myanmar có hoa văn rất đặc biệt và luôn dành riêng cho các cô dâu trong ngày cưới, lụa Thái với những dòng lụa thành công ở thị trường châu Âu, lụa Tây Ban Nha và lụa Brazil được đánh giá hảo hạng… Gặp gỡ, để rồi kết nối để nới rộng mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực sản xuất tơ lụa.  

Du khách quốc tế ấn tượng với sản phẩm lụa Việt truyền thống ẢNH: AN DY

Trong câu chuyện bảo tồn và phát triển lụa Việt, ông Lê Thái Vũ nhìn nhận chưa khi nào thấy sự hợp tác phát triển tơ lụa từ cộng đồng tơ lụa VN, khu vực và thế giới lại quyết liệt, đoàn kết và mạnh mẽ như lúc này. Theo ông Vũ, nếu 4 thế kỷ trước thương cảng Hội An nơi hội tụ giao thương tơ lụa của khu vực và thế giới, thì nay Làng lụa Hội An sẽ nhận sứ mệnh định hình một dấu ấn tơ lụa thế kỷ 21 để trưng bày, kết nối đầu ra, tìm kiếm thị trường cho các làng lụa, cơ sở dệt lụa…

“Khi có sự gặp gỡ, giao thương, chia sẻ sản phẩm tơ lụa của nhau, biết lụa Việt như thế nào, lụa Myanmar, Thái, Ấn ra sao… thì sẽ tìm ra được hướng phát triển sản phẩm. Lúc ấy, những người yêu lụa sẽ biết phải làm gì với lụa, làm như thế nào để mọi người yêu thích mặc lụa. Nên cứ đến sẽ thấy, cứ đi sẽ gặp...”, ông Vũ bỏ lửng câu nói khi tiếng thoi, tiếng khung dệt bắt đầu chuyển động râm ran giữa không gian làng quê Việt yên bình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.