Thế nào là 'thể hiện tình cảm đúng mực'?

16/03/2017 07:22 GMT+7

'Tây thì không cho người ta vẫn hôn. Họ hôn nhau tôi khẳng định người Hà Nội chấp nhận. Nhưng người mình lại không chấp nhận mình giữa đường hôn nhau', ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống Sở VH-TT Hà Nội, nói.

Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội vừa được Chủ tịch UNBD TP Nguyễn Đức Chung ký ban hành, có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 10.3. Quy tắc ứng xử nơi công cộng gồm 4 chương, 14 điều. Phạm vi áp dụng bộ quy tắc này là nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, tham quan và học tập trên địa bàn TP.Hà Nội. “Như vậy có nghĩa là người nước ngoài đến TP cũng là đối tượng áp dụng của bộ quy tắc này”, ông Ngô Văn Nam, nói.
Không cấm, chỉ nên làm hay không nên làm !
Bộ quy tắc chia thành những quy định cho từng loại địa điểm công cộng như: vỉa hè, lòng đường, vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên, bảo tàng, nhà văn hóa... Với mỗi nhóm địa điểm như vậy, bộ quy tắc nêu những điều nên và không nên làm. Chẳng hạn, tại khu vực vườn hoa, công viên không nên phá cây xanh, hoa cỏ, xâm hại cảnh quan hay tại thư viện không nên mang theo vật nuôi... “Chúng tôi không dùng chữ cấm mà ghi thành nên làm, không nên làm”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, nói.
“Tôi thấy bộ quy tắc vẫn giữ cách soạn thảo như trước về việc nên hay không nên. Tại sao với những việc đã rành rành trong những luật mà lại ghi vào đây là không nên và nên. Tại sao việc đặt biển quảng cáo trái quy định lại là không nên, tại sao việc uống rượu khi lái xe lại là không nên, tại sao việc chở quá số người quy định lại là không nên. Cái đó phải là cấm chứ”, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học nói. Ông cho rằng văn bản thể hiện tư duy không rõ ràng về pháp luật.
Về việc này, ông Động cho rằng: “Cái gì đã có quy định pháp luật rồi thì phải mạnh tay. Cái gì chưa có quy định thì phổ biến. Có nhiều cái xử lý được, có chế tài rồi thì xử lý ngay được”.
Ông Động cũng cho biết tuy đã có hiệu lực thi hành, xong hiện chưa có kiểm tra, thực hiện. Đầu tiên, sẽ cần phải in tài liệu phổ biến để mọi người đều biết, sau đó mới xây dựng kế hoạch thực hiện để báo cáo ủy ban rồi mới thực hiện. “Chúng tôi cũng sẽ có đoàn kiểm tra thực hiện”, ông Động nói.
Theo ông Ngô Văn Nam, sắp tới việc phạt theo các chế tài đã quy định sẽ thực hiện theo cách, việc của ai người nấy phạt. Chẳng hạn, ngành môi trường kiểm tra các vấn đề an toàn vệ sinh môi trường, ngành văn hóa xử phạt vi phạm văn hóa như quảng cáo...
Thế nào là “thể hiện tình cảm đúng mực” ?
Quyết tâm là vậy nhưng trên thực tế có những quy định khá khó phân định ranh giới. Chẳng hạn, điều 11 quy định tại khu vui chơi, giải trí tham quan du lịch nên “thể hiện tình cảm đúng mực”, hay điều 6 tại cơ sở tín ngưỡng tôn giáo không nên “mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm”. “Tôi chịu, không hiểu nổi quy định như vậy thì biết phán xét dựa trên cái gì”, ông Nguyễn Hùng Vỹ, giảng viên văn hóa dân gian, ĐH KHXH-NV Hà Nội, nói.
Ông Ngô Văn Nam cho biết tuy chưa có quy định thế nào là hở hang, xong việc “quán triệt” về hở hang cũng đã được thực hiện đối với Sở VH-TT Hà Nội. Tại các di tích lịch sử sẽ có biển nội quy, quy tắc này. “Thử mặc hở hang vào đền Ngọc Sơn xem, ngay lập tức nhân viên bán vé mời ngay ra ngoài. Sở VH-TT đã quán triệt hết các điểm như thế rồi”, ông Nam nói.
Về quy định này, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho rằng phạt là một chuyện khó, nên tốt nhất là làm sao để người vào di tích có trang phục kín đáo, đặc biệt là khi quan niệm hở hang của các dân tộc lại không giống nhau. “Có những chùa đã tổ chức phòng mượn quần áo. Người ta có thể được mượn trang phục kín đáo ở đây mặc khi vào chùa. Việc cho mượn quần áo không thu tiền”, ông Phúc chia sẻ. Đây có lẽ là cách làm tốt với khách du lịch.
Về việc “thể hiện tình cảm đúng mực”, ông Nam cũng cho biết không có quy định cụ thể nhưng điều này dựa trên quan điểm thuần phong mỹ tục. Khi được hỏi, hôn nhau nơi công cộng có phải là “thể hiện tình cảm đúng mực” không, ông cho biết: “Hôn nhau nơi công cộng lại phụ thuộc vào văn hóa của từng nơi và mình phải cảm hóa dần. Tây thì không cho người ta vẫn hôn. Họ hôn nhau tôi khẳng định người Hà Nội chấp nhận. Nhưng người mình lại không chấp nhận mình đứng giữa đường hôn nhau”.
Về điều này, nhà văn Nguyễn Việt Hà, tác giả nhiều tác phẩm về Hà Nội, cho rằng: “Hôn nhau là chuyện bình thường. Thậm chí, vào đêm Noel tôi ra nhà thờ Lớn thấy các bạn trẻ hôn nhau còn thấy vô cùng cảm động”. Theo ông Hà, quan điểm của các bạn trẻ, thậm chí cả người lớn tuổi cũng đã thay đổi quá nhiều theo thời gian và hội nhập. Chính vì thế, tốt nhất theo ông Hà, nên bỏ quy định về tình cảm đúng mực đi.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng các quy tắc ứng xử nên dành cho những tổ chức xã hội riêng chứ không nên làm cho toàn thể. Ví dụ trường học có quy tắc của trường học, quân nhân có quy tắc của quân nhân. “Giờ làm chung như thế thì khó áp dụng, khó đầy đủ vì ứng xử là phạm trù của đạo đức. Khi đưa thì cũng thấy cần thiết đưa ra nhưng mà khi làm thì sẽ thấy không khả thi. Chưa kể, không có chế tài thì không thể thực hiện được. Trong từng không gian xã hội có quy tắc của họ. Nên việc cố làm quy tắc chung cho toàn thể không gian e không ổn. Vì bản chất không phù hợp như vậy, nên họ sẽ dùng các từ ngữ chung chung, để hy vọng là nó đúng với nhiều người. Thế nên mới không ai hiểu thể hiện tình cảm đúng mực là như thế nào”, ông Vỹ nói.
Không nên lồng ghép vào trường học
Ông Nguyễn Hùng Vỹ cũng lên tiếng về ý định sẽ lồng ghép trong trường học về bộ quy tắc: “Các em đã phải học lồng ghép quá nhiều rồi. Không nên lồng ghép nhiều quá. Họ có thiết chế trong tay thì họ sử dụng nhưng nếu không cẩn thận sẽ thành lạm dụng. Cái đó sẽ ảnh hưởng tới giờ học, làm nặng chương trình. Học rồi thì phải kiểm tra, kiểm tra rồi thì phải thanh tra, thanh tra xong thì phải thi đua...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.