Thủ Ngữ, tản mạn trong gió chiều!

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
05/09/2020 10:00 GMT+7

Tròn 155 năm, kể từ năm Ất Sửu (1865) đến nay, gió vẫn thổi qua cột cờ Thủ Ngữ. Bao biến động qua các thời đại cùng theo ngọn gió ấy mải miết, thăng trầm…

Tháng tám, ghi dấu một sự kiện của Sài Gòn, đôi khi lọt thỏm giữa rừng thông tin mùa dịch Covid-19, nhưng ý nghĩa vô cùng lớn lao khiến tôi chú ý: UBND TP.HCM quyết định trùng tu lại cột cờ Thủ Ngữ. Một động thái thể hiện việc chú trọng bảo tồn di sản của thành phố, vốn in đậm trong lòng người dân Sài Gòn hơn thế kỷ rưỡi qua.

Dấu mốc khó quên

Cột cờ này, được người Pháp xây dựng vào năm 1865 lúc đã lấy được Gia Định, Định Tường và Biên Hòa, trước hai năm khi họ lấy tiếp 3 tỉnh phía tây đất Nam kỳ là các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, vào năm 1867.
Theo mô tả của các học giả chuyên về xứ Nam bộ, cột cờ Thủ Ngữ được người Pháp xây dựng để đón tàu sắt đến Sài Gòn, cột cao 30 m được treo cờ hiệu, tọa lạc tại khu vực Bến Bạch Đằng, nơi giao nhau giữa sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé. Sở dĩ gọi tên như vậy là vì được xây dựng trên nền dinh thự của quan Thủ ngự nhà Nguyễn, chuyên lo cho việc giao thương thời ấy. Thủ Ngữ nghĩa là nơi canh tuần tàu biển, báo hiệu và kiểm soát các chuyến tàu ra vào.
Vào năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng. Sau đó 3 năm thì tiến quân vào Gia Định. Học giả Trần Trọng Kim ghi lại trong Việt Nam sử lược: “Tháng giêng năm Tân Dậu (1861), trung tướng Charner đem cả thảy 70 chiếc tàu và 3.500 quân bộ về đến Gia Định. Được 20 ngày thì trung tướng truyền lệnh tiến quân lên đánh lấy đồn Kì Hòa (một dãy đồn do quan Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương và quan tham tán đại thần Phạm Thế Hiển đắp trước đó một năm - NV). Hai bên đánh nhau rất dữ trong hai ngày. Quân Pháp chết hơn 300 người, nhưng mà súng Tây bắn hăng quá, quân ta địch không nổi, phải thu bỏ đồn chạy về Biên Hòa”.
Sau nhiều năm chiến trận liên miên, quân Pháp đã lấy được Gia Định, Định Tường và Biên Hòa, rồi tiếp tục chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, bắt đầu thiết lập chế độ thuộc địa từ Sài Gòn xuống miền châu thổ Cửu Long. Và cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng vào một khoảng thời gian rất “nhạy cảm”. Đó chính là dấu mốc những năm tháng Pháp chính thức đặt nền móng cho việc áp dụng chính sách cai trị đầu tiên ở các tỉnh Nam kỳ.

Gợi nhớ anh linh

Vào ngày cuối tuần, tôi đứng trên lầu 5 của một quán cà phê nhìn ra ngã ba sông Sài Gòn, chếch qua khách sạn Majestic cổ gần 100 năm cuối đường Đồng Khởi (Q.1). Nơi ấy, rẽ về tay trái là bức tượng danh tướng Trần Hưng Đạo uy nghi, phía tay phải đi lên một đoạn là cột cờ Thủ Ngữ. Cả hai đều nằm trên đường Tôn Đức Thắng lồng lộng gió chiều, nhìn ra phía tàu ghe qua lại.
Chợt miên man nhớ về một anh linh, với thời gian đã trải hơn 150 năm, cũng cùng khoảng thời gian cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng, ông đã đi vào lịch sử của giai đoạn bi hùng mỗi khi nhắc lại, như khơi gợi nỗi đau khó nguôi của một đời người. Đó là vị Kinh lược sứ Nam kỳ Phan Thanh Giản, mà mùa hè năm nọ tôi đã từng có dịp về xã Bảo Thạnh, H.Ba Tri (Bến Tre) đến đền thờ của ông để thắp nhang viếng trong niềm tưởng vọng tôn kính. Về cái chết của vị quan thanh liêm này, ở trang 502 cuốn Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim trân trọng viết: “Tháng 6 năm Đinh Mão (1867), là năm Tự Đức thứ 20, Thiếu tướng De la Grandière hội hơn 1.000 quân ở Mĩ Tho, rồi định ngày kéo sang lấy Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Ông Phan Thanh Giản biết thế không chống nổi, bảo các quan đành chịu nộp thành trì cho khỏi sự tai hại, rồi ông uống thuốc độc mà tự tận, dặn lại con cái phải cày ruộng mà ăn, chứ không được nhận quan chức gì ở Nam kỳ. Bấy giờ ông đã già, đã ngoài 74 tuổi, làm quan thật là thanh liêm, nhưng chẳng may gặp khi nước có biến, biết thế mình không làm gì được, đem tấm lòng son sắt mà báo đền ơn nước cho hết bổn phận người làm tôi…” (bản đặc biệt, NXB Kim Đồng, 2019).
Cuối tháng 9.2006, trong một bài viết đăng trên Thanh Niên, nhà báo Giao Hưởng đã trích lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt như sau: “Tôi cũng muốn nhắc lại câu nói như một tuyên ngôn của Phan Thanh Giản khi biết chắc 3 tỉnh miền Tây đã rơi vào tay giặc: “Lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống”. Với “tuyên ngôn” này và với những gì tôi đã trình bày, tôi khẳng định Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân mà lo không tròn bổn phận, Cụ đã tự làm án cho chính mình: đó là cái chết. Một cuộc đời thanh sạch, thật đáng để lại gương soi cho hậu thế…”.

Năm tháng rộng dài

Bây giờ, thỉnh thoảng tôi lại đi qua con đường Tôn Đức Thắng, nơi có cột cờ báo hiệu những chuyến tàu sắt to đùng ngày trước vẫn vào ra. Cũng là nơi thuở ấy Hiệp biện đại học sĩ Phan Thanh Giản, giữ cương vị chánh sứ triều Nguyễn đã từng qua đây, để bước xuống chiếc tàu Européen cùng với Tả tham tri Lại bộ Phạm Phú Thứ và Án sát sứ tỉnh Quảng Nam Ngụy Khắc Đản, theo chiếu sai bảo của vua Tự Đức đi sứ sang Pháp và Tây Ban Nha năm 1863, để điều đình chuộc lại 3 tỉnh Nam kỳ. Chuyến công du ròng rã 2 tháng đi, 2 tháng chờ đợi để yết kiến Pháp hoàng Napoleon đệ tam, và 2 tháng để về nhưng không đạt được mục đích. Và đoàn đi sứ đã trở lại đất Sài Gòn trên một con tàu khác mang tên Japon, vào cuối năm ấy.
Những gì năm tháng oanh liệt mà vô cùng rối ren hằn dấu trong lịch sử vẫn như in hình trên nền trời, có lá cờ mãi bay trên chiếc cột cao nhìn ra được mọi chốn bên kia sông. Nhưng thâm tâm cứ tiếc rằng, nếu như Sài Gòn có một con đường vẫn còn mang tên vị quan yêu nước Phan Thanh Giản thì trọn vẹn biết mấy! Là bởi, lan man đọc lại mấy dòng của nhà văn Sơn Nam trong quyển Đi & ghi nhớ (xuất bản năm 2008), ghi lại lời thuật của một thầy giáo lớn tuổi cùng đi với ông, lại dày thêm ao ước: “Hồi xưa, lúc còn nhỏ tôi được dạy cẩn thận, khi đi ngang qua miếu Văn Thánh, học trò phải giở nón, cúi đầu để chào ông Phan. Chào ông Phan, (được xem như) là lời thề rửa hận cho ông, chớ không phải để bắt chước ông… Tuy làm quan to nhưng ông tự xem mình như người dân thường ở nông thôn, đối xử như người bình dân, không bao giờ phô trương quyền lực. Xin đề nghị: Trong chương trình Sử học cho học sinh, nên có một bài nói về ông, đủ lý đủ tình”.
Miếu Văn Thánh ông đề cập ở đây, là Văn Thánh miếu Vĩnh Long, một công trình do quan Kinh lược Phan Thanh Giản chủ trương xây dựng cùng với quan Đốc học Nguyễn Thông, hoàn tất đúng một năm trước khi quân Pháp đánh vào Vĩnh Long và ông tự vẫn. Nhưng cái điều mà “Ông già đi bộ” (biệt danh của người dân thân quý đặt cho nhà văn Sơn Nam), gửi gắm vào trong đoạn văn nói trên không chỉ là một cách nhìn nhận lại công trạng hay nỗi oan khuất của một con người luôn đau đáu vì dân, bởi điều này đã có nhiều hội thảo khoa học lịch sử nói đến, mà là ông chủ ý xác định lại một “phong cách” giáo dục đầy ân nghĩa với tiền nhân, để cho nhiều lớp hậu thế soi vào và chiêm nghiệm.
Bởi thế, tôi cứ hình dung mỗi cơn gió sớm chiều thổi qua đây, lại đầy lên hồi ức về những con người trung cang nghĩa khí phương Nam một thời. Tin rằng niềm tưởng vọng ấy sẽ còn ngân mãi đến mai sau, với năm tháng rộng dài, trong sử sách và trong lòng người.
Phan Thanh Giản đỗ tiến sĩ năm 1826 lúc 30 tuổi, đó là vào năm Minh Mạng thứ 7. Ông làm quan trải qua 3 triều: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Phan Thanh Giản là một vị quan giữ nhiều cương vị trọng yếu trong giai đoạn vô cùng rối ren ở Nam kỳ trong khoảng thời gian 7 năm (1860 - 1867). Cái chết của ông đã khiến cho không ít người Pháp lúc ấy rất trọng nể và gọi ông là “vị lão thần cao thượng” bởi lòng nhiệt thành ái quốc. Năm 1868, cho rằng ông để mất Nam kỳ nên triều đình xử ông tội “trảm quyết”, nhưng vì ông đã chết nên được miễn, bị đục bỏ tên ở bia tiến sĩ. Gần 20 năm sau (1886), ông được vua Đồng Khánh khôi phục nguyên hàm Hiệp biện đại học sĩ và khắc lại tên trên văn bia tiến sĩ như cũ.
Hai người con trai của ông là Phan Liêm và Phan Tôn sau khi an táng cha được 3 tháng, cũng đứng lên kháng Pháp và đều là lãnh tụ nghĩa quân ở các tỉnh Nam kỳ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.