Giọng mẹ à ơi

03/09/2020 08:00 GMT+7

Người Quảng thường tự nhận xét chất giọng quê mình là ăn cục nói hòn, ăn sóng nói gió, ăn to nói lớn. Ngẫm cũng có lý.

Chất giọng đâu chỉ là sản phẩm của quỹ gien, đâu chỉ từ cha sinh mẹ đẻ, cái tiếng oa oa đầu đời con người nơi nào mà chẳng giống nhau, mà khi trưởng thành lại rõ nét vùng miền. Giọng người Quảng quê tôi thoát thai từ điều kiện môi trường, điều kiện lao động, từ giao thoa văn hóa, từ tính cách con người mà thành nét đặc trưng riêng: một mặt cứ thâm trầm sâu lắng, mặt khác thô, mộc, chắc nịch, ít khi dùng uyển ngữ.
Trước hết là khởi nguồn giọng nói. Giọng Quảng quê tôi là giọng điệu được gánh theo trên quang gánh của người Việt di cư trên đường từ Bắc xuống Nam, hòa âm cùng chất giọng vùng miền trong quá trình cộng cư Chăm - Việt, là giọng của người cha Việt thương nhớ quê cha đất tổ nên sâu lắng cảm thương, hòa cùng giọng người mẹ Chăm hoài cổ thành nhiều ngắc ngứ trắc ẩn. Chẳng thế mà trong câu nói người Quảng rất nhiều những “thì”, “mà”, “là”… như những nỗi niềm khó chuyển thành lời.

Chợ quê ở làng Triêm Tây, Quảng Nam

Ảnh: Mai Thành Chương

Rồi trong hành trình di dân, mảnh đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm níu kéo bước chân người khai phá. Giọng nói hình thành trong quá trình lao động như một thói quen. Tôi cứ mường tượng ra ông cha sau một thôi một hồi cạy cục vỡ từng hòn đất lại phì phà khói thuốc trò chuyện cùng nhau tiếng được tiếng mất chen ra trong hơi thở mệt nhọc. Đó, cha ông tôi ăn cục nói hòn từ đó.
Rồi kẻ lên nguồn người xuống biển. Biển miền Trung dữ dội những gió bão, biển khơi quanh năm ầm ào mà ít khi rì rào êm dịu, kẻ chèo người lái cứ phải gào lên. Đó là cái giọng ăn sóng nói gió của người cha biển, người mẹ biển.
Quảng Nam quê tôi tự hào với Hoàng Diệu tuẫn tiết, Ông Ích Khiêm lẫm liệt, Phan Chu Trinh can trường… và bao nhiêu vị thái phó dạy quân vương chữ Đức, chữ Nhân. Là tính cách Quảng Nam không chịu "thủ ý như bình" cho vừa lòng kẻ cầm quyền. Mà tính cách cương cường có phần cố chấp ấy phải chăng là nét di truyền từ buổi cha ông không cam phận tôi đòi, từ những thành phần ngoan cố bị chèn ép quyết lòng bỏ cố xứ mà tìm bầu trời tự do? Mà phẩm chất can trường ấy cứ như một nét son truyền đời được tuyên dương, được bảo toàn qua bao thế hệ.
Ấy đó, chính vì là sản phẩm của nhiều đời truyền lại như một bảo chứng văn hóa nên người Quảng Nam rất yêu tiếng nói của mình. Dầu ai đi đâu về đâu, gốc quê hãy giữ lấy giọng quê. Người Quảng gặp nhau nhất là đất khách quê người, xổ một bữa đã đời giọng quê cứ như nở gan nở ruột. Tôi một thời dạy học ở Tây nguyên, một trưa có cậu học trò thưa gửi: Ba mời thầy ghé nhà chơi. Tôi lần đến, chủ nhà hóa ra là người Quảng Nam. Tha hương ngộ cố tri, ông thầy thành bạn hữu. Anh em một thôi một hồi giọng Quảng râm ran mà mâm mồi nhậu còn nguyên. Ra về chủ nhà ôm tôi thân thiết: Bữa ni được một bữa giọng Quảng Nam đã đời!
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn có lời tâm tình đến tội:
Ôi, nghe yêu sao
cái chi răng mà rứa hỉ
Ôi nghe thương sao
cái chu choa hung he
Đất Quảng ân tình em yêu từ thơ bé
Ừ, từ thơ bé những mô tê răng rứa… đã chí khú bầu bạn cùng những đứa trẻ dáng nâu, và những đứa trẻ nắng gió ấy sẽ mang âm thổ đi suốt đời mình.
Là tình yêu mà cũng là chí nguyện của người Quảng Nam!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.