Gửi cháu Trinh bạc bẽo Bình Ba

25/10/2020 07:07 GMT+7

'Gửi cháu Trinh bạc bẽo Bình Ba', đó là dòng đầu trong bức thư ông ngoại gửi cho tôi năm 1982. Bức thư gởi lên Củ Chi vài tháng sau khi tôi rời đảo Bình Ba…

Khi về hẳn Củ Chi với ba má, con nít mau quên, tôi không còn nhớ nhiều ông bà ngoại, những người nuôi tôi suốt 10 năm đầu đời ở Bình Ba. Bức thư có khúc ông ngoại viết: “Mỗi bữa cơm múc tô canh ra, nhớ con Trinh mà ngoại ăn không nổi. Vì nhìn tô canh, thấy mấy cái mắt cá hay gắp cho con Trinh, nhớ cái đầu nó cúi cúi húp canh. Mà giờ nó về luôn, bạc bẽo không thèm nhớ tới ngoại”.
Mà đúng, 10 năm sống với ông bà ngoại, có bao nhiêu mắt cá biển là ông ngoại gắp cho tôi ăn hết, ngoại nói ăn mắt cá cho thông minh, học giỏi.
Trong thư ông ngoại còn kể, con có nhớ không Trinh, những bữa tối con nhức răng, con kêu ông ngoại cõng ra biển đi lòng vòng, hay những tối ông ngoại xách đèn đón con về mấy lần con đi coi chiếu bóng.
Sao con quên được ngoại ơi! Vì những năm tháng đủ đầy yêu thương của ông bà ngoại trên đảo.
Bình Ba là quê mẹ của tôi. Ba tôi người Củ Chi, từng là hải quân, đóng quân ở vịnh Cam Ranh. Năm 1975, ba đưa cả nhà về Củ Chi. Ông ngoại xin tôi ở lại nuôi.
Thành thử, tôi hơn mấy chị em trong nhà một quê hương “nguy nga thơ ấu miền Trung” - đảo Bình Ba. Giờ đã 38 năm ngày tôi xa Bình Ba. Nhưng tiếng sóng đập rào rào trên đảo vẫn như vang trong đầu tôi.
Nhà ông ngoại tôi có một cây khế chua, trái sai quặt, mọi người trên đảo hay đem cá qua đổi. Có bữa mấy chị cũng lôi tên tôi ra để “cuộc đổi chác” thuận lợi: “Bữa nay có cá hố, con Trinh thích ăn nè ông Năm…”.
Tôi ăn cá biển mà lớn lên. Nồi canh Bình Ba luôn lỉnh bỉnh cá, ăn hoài không hết, nào là cá nục, cá mòi, cá chỉ, cá bạc má, cá thu, cá sóc… Hồi đó tôi hay lẽo đẽo theo ngoại để coi ngoại nấu cá biển, cá mú nấu chua, cá nhòng nấu canh bầu, cá sơn đỏ kho tiêu, cá cơm xăng kho măng, cá liệt kho tiêu, cá hố, cá thu chiên mắm chua ngọt với xoài bằm… Nhờ đó mà giờ tôi biết nấu cá biển đúng vị. Bà ngoại cũng dạy giẽ cá, ăn sao cho khỏi bị mắc xương.
Tôi nhớ nhờ lớn lên bên biển, mà mọi lần cô Năm dạy văn ở Trường cấp 3 Trung Phú (Củ Chi) giảng các bài thơ về miền Trung thì cô đều kêu cả lớp hỏi bạn Xuân Trinh. Cô biết trong lòng tôi có biển và hiểu biển.
Tôi còn nhớ Bình Ba có những ngày cá nổi. Đó là những ngày cá ồ, cá cơm, cá nục… bơi từng đàn về đảo. Có cả cá chuồn bay. Mọi người thổi tù và bằng vỏ ốc để tụ ra coi và vớt cá về. Chưa bao giờ tôi thấy cảnh cá đẹp như vậy, từng luồng cá bơi, lấp lánh trên một khúc biển xanh.
Chính vì 10 năm ăn cá biển không ngớt đó, đến giờ với tôi không có gì ngon bằng cá biển miền Trung. Tôi cũng không ăn được cá nước ngọt. Dường như, máu miền Trung chảy rần giật trong lòng tôi nhờ biển và cá biển.
Tôi nhớ thời ấy, nhà ông ngoại có bán rượu đế và rượu thuốc, nhất là cho lính biên phòng trên đảo. Những tiếng kẻng gọi khách của ghe hằng khuya “bon bon”, làm cho Bình Ba có chút hối hả. Khi tiếng kẻng kêu lần hai, ngoại kêu tôi dậy, dắt ra ghe, gửi mấy dì, mấy chú trong đảo để dẫn tôi qua đất liền lấy rượu. Ngồi trên ghe khi mặt trời đang ló rạng, nhìn nước biển xanh mênh mông, tôi ngỡ mình như đang bước trong một thế giới lung linh, cổ tích. Những ngày đi lấy rượu cũng là những ngày đi chợ ăn ngon. Bánh xèo, bánh căn, bún cá... trong chợ, tôi ăn sạch đến đít tô. Khi thấy các bạn trẻ đi du lịch biển, lấy tay hứng mặt trời hừng đông trên biển để chụp hình, làm tôi nhớ mình đã có được cảm xúc đó từ hồi chập chững bước đi. Tôi cũng nhớ những chiếc ghe đánh cá về, mấy chị hay mượn sân nhà ngoại để vá lưới. Từng mắt lưới, từng nhịp điệu của biển như đọng đầy trong tâm trí tôi đến tận hôm nay, không rời…
Tôi luôn tự hào, mình là cháu Trinh Bình Ba.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.