Thị trấn vào hè

26/09/2020 06:26 GMT+7

Gia đình người anh thứ tư của tôi đã sống tại An Khê ( Gia Lai ) trên hai mươi năm. Tôi hay lên thị trấn, nhất là vào dịp hè.

Là vùng cao nên khí hậu mát mẻ dễ chịu, trong khi dưới này nắng nóng oi bức bắt khiếp. Xe chỉ cần qua khỏi đèo là người nhẹ bẫng và thị trấn đón chào mình từ tốn trong cái vẻ chậm rãi hiền hòa. Anh tôi những năm đó đi dạy ở Yang Bắc. Ngoài giờ lên lớp, anh còn tăng gia sản xuất để thêm thu nhập nên vắng nhà thường xuyên. Không có bố nhưng các cháu tôi rất ngoan. Đi học về là vui vẻ vào việc vì công chuyện cũng nhiều. Chị tôi có nuôi đôi nghé, dăm chú heo, đàn gà và trồng trọt rau củ... Giống bố mẹ và chắc ảnh hưởng tính cách của dân An Khê, tụi nhỏ rất cởi mở thân thiện. Chỉ ở đây tôi mới có cảm giác mơn mởn tươi ngọt của ngọn lang, đọt su su, dây bầu được chế biến ngay, khi vừa mới ngắt trên dây xuống. Tôi cũng ưa món bầu khô (do quá nhiều phải phơi bớt) um với cá hoặc thịt.
Mỗi lần ra chợ, tôi hay dõi theo cách bán buôn của người dân tộc. Họ bán các thứ hàng giống nhau chỉ với một giá ngang nhau. Tỷ như cùng những trái bí đỏ. Trái to cũng năm đồng thì trái vừa hay trái nhỏ cũng cứ năm đồng. Và, cảnh họ những trưa trật ngồi buồn thiu nơi một góc chợ với mớ trái đèo đọt luôn khiến tôi thương sao đâu. Nghe nói sau này, người dân tộc đã khôn ra nhiều chứ không còn chân chất đơn sơ như hồi ấy. Chiều, tôi hay đạp xe ra sông Ba và thấy nhẹ nhõm cùng dòng nước ngắt xanh, ắp đầy. Buổi tối ở An Khê không chút ồn động náo nhiệt. Cứ im trầm với những con đường vắng, quán cà phê, hàng ăn thưa thớt người vào ra. Thị trấn hiển hiện một nét đẹp rất thơ lướt theo từng vòng xe tôi đạp nhẹ, ruổi rong. Tôi yêu biết bao những đêm trăng nơi đó. Khi ở lại lâu hơn với sông sõng xoãi vàng mơ. Và thị trấn như xiêu nghiêng hiu hắt trong trăng non, lại tràn trề vững chãi thuở trăng đầy.
Lần nào lên An Khê tôi cũng đến thăm gia đình bà Ba ở An Sơn. Nơi này cách An Khê khoảng năm cây số và tôi được biết rẫy bắp, những cánh đồng mía... từ đây. Sớm mai, khi những ngôi nhà chìm lỉm trong màn sương mờ xám, cả nhà đã trở dậy, co ro và xuýt xoa bên bếp lửa đỏ rực. Bà Ba phải dậy sớm hơn để kịp cơm nước cho các cô chú đi làm. Ở An Sơn tôi mê nhất là bắp non luộc ngay khi vừa được hái ở rẫy về. Ngọt ngon lắm kìa! Những trái bắp mà răng chỉ cần chạm nhẹ đã lập tức tứa sữa, ở dưới này sao có thể kiếm ra?
Thích nhất là những buổi tối ở đấy khi cả nhà túm tụm ngay hốc bếp ấm sực trong khi trời bên ngoài lạnh căm. Lửa luôn được ủ và cần đun nấu mới khơi bùng lên. Bà Ba nhóm bếp đêm để luộc bắp, khoai, lạc. Chỉ nấu những thứ còn non và lép hạt chứ lạc mẩy được để dành. Lạc để nhắm rượu lại khác. Vì được để nguyên từng bó nhỏ, giụi vào bếp khi lửa vừa tắt khiến tro, khi ấy hãy còn nóng, trùm lấy lạc, ngún vào lạc cho mau chín và rất thơm ngon. Ăn đến đâu thì tách ra, xoa sạch vỏ đến đấy. Ông Ba gật gù: “Rượu có ngon hay không là nhờ vào những cái thú cỏn con như thế”.
Thị trấn luôn bù đắp cho tôi những năng lực bị hụt hao hồi ở dưới xuôi và đem lại cho tôi sự khỏe khoắn, thư thái. Ngay cả những hàng phượng rực đỏ ở An Khê cũng không có vẻ bỏng cháy trong tiết hè. Bởi nắng? Là sự chan hòa giữa cái gắt gao bức bối ở đây với cái dịu nhẹ yên ả nơi ấy. Nắng chừng mực nhóm lên trong lòng dăm ba niềm vui nho nhỏ, khi một ngày mới bắt đầu. Nắng không thừa chẳng thiếu, mà vừa đủ để làm đẹp hơn trang phục của các cô sơn nữ gùi hàng qua phố. Nắng và hạ, và An Khê những tháng năm nơi này hãy còn là thị trấn đã cột buộc tôi bằng bao quyến luyến yêu thương.
Sau khi gia đình anh chị tôi chuyển xuống dưới này, tôi không còn có dịp lên An Khê. Và rất hay nhớ về trên ấy, nhất là khi đến hè. Ngày bà Ba mất, tôi vội lên. Chú Út khi đó đang có cái xe tải chở mía cho nông trường. Cái xe ấy được dùng để đưa linh cữu bà cùng người thân tới nhà thờ làm phép xác rồi ra huyệt mộ. Đường xấu, xe xóc mạnh, tôi bám càng và lặng khóc. Cả một quãng đời ấm áp bên bà, rộn vui cùng gia đình anh chị nơi thị trấn, lặng lẽ và bình yên, bật dậy thiết tha.
Như bây giờ, giữa mùa hè khi viết lại...
*An Khê được lên thị xã từ năm 2003. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.