Tiếng chiều - Truyện ngắn của Hồ Thị Ngọc Hoài

30/07/2017 07:01 GMT+7

Ngày hôm qua, lần đầu ông Mẫn lên máy bay. Gần hết đời người, thế mà có lắm cái thông thường của người ta nhưng lần đầu ông Mẫn mới được biết đến. Một chuyến đi xa vào cái tuổi đã cập kề tám mươi...

Chúng nó nay đây mai đó, chuyển dời thay đổi còn hơn cả thuyền trên nước, ông thì già yếu, được yên một chỗ cũng quý rồi, không còn nhiều ham muốn, không nghĩ còn có lúc đi xa, còn có lúc được biết thêm những điều ngoài sức tưởng tượng. Dù là điều đơn giản nhưng thằng con út không ở xa thế này thì không chắc ông có dịp để đi. Cái máy bay to, lúc nó lên xuống sao mà đầu ông quay cuồng như say. Thế đấy! Cả đời ông mới chỉ đi từ huyện về tỉnh, đâu như năm hay sáu lần gì đó, già rồi, lâu rồi, ông cũng không nhớ rõ nữa.
Cái sự đi, nói đến cũng thèm nhưng già yếu rồi thì ngại lắm. Gắng mãi. Đi đâu cũng phải có sức, có tiền, có việc ra việc mới đi được chứ! Đi, ông quan sát người đi trước, người bên cạnh, khi cần gì thì hỏi. Hỏi gì cũng được trợ giúp, hướng dẫn chu đáo. Thế mà ông đã run, đã lo lắng lắm. Cái ô kính bé bằng hai bàn tay ấy, nhìn xuống có thấy rừng núi, thấy đường, thấy sông biển, mây. Lần đầu ông Mẫn ở trên mây. Có nhiều thứ bất ngờ lắm, cái gì cũng nhiều, cũng quá sức tưởng tượng; nào nhà, xe, người... Hôm nay là chuyến đi dài nhất trong đời ông, một ngày chứng kiến những cái lạ, những cái lạ do ông nghèo thiếu, lạc hậu, khổ cực... mà có. Ông già quá rồi, thế mà lại có cái ngày này. Mới sớm ra thức giấc còn nghe lá vườn lay ngoài cửa sổ, thế mà đã qua một ngày đường.
Ông Mẫn nằm trên tấm nệm trải giữa nhà nhớ lại. Ông đi chuyến này cũng chỉ mong được biết vợ chồng thằng út nó ăn ở, sinh sống thế nào? Nó lông bông lang bang mãi, phiêu dạt khắp chốn mãi... Ba đứa con ông mỗi đứa mỗi nơi, đứa gần nhất cũng cách gần trăm cây số. Đứa nào đứa ấy chẳng đến nỗi đói réo rắt như ngày xưa nhưng chúng cứ khiến ông có cảm giác âu lo, không yên. Chúng luôn vội vã. Đứa nào cũng mượn tiền ngân hàng, đứa mua xe, đứa vay làm nhà, thằng út thì bảo vay mượn để làm ăn...
***
Bên ngoài trời đã sáng mơ mơ.
Ông Mẫn đứng lên ngồi xuống, ra cái sảnh con con lại vào. Đi ra đi vào, chỉ hai, ba bước chân. Chút sảnh bé tí, chúng nuôi cây gì trong xô nhựa? Ngồi nhìn ra, nhìn lại, nhìn quanh cái chỗ phải nép ghế chồng lên bàn, lấy chỗ nằm. Chật, bàn ghế, giường tủ, lối đi... loay hoay đụng cái này, chạm cái kia.
Ông Mẫn đi lại một, hai bước, loay xoay vận động, ngồi xoa bóp, bẻ khớp xương tay chân kêu rắc rắc... Những gì trên cơ thể, bàn chân, đầu gối, da thịt... chừng nghe chúng cũng khác đi khi cảm nhận ngày mới ở chỗ mới. Tuổi thanh xuân, những ấp ủ ước mong đã rời xa ông lúc nào. Lồng ngực trơ bày xương với da, má hóp, răng rụng, mắt mờ, những nhăn nheo... cái thời sung sức đã mỏi mòn và nhanh qua sao?! Lâu lắm rồi ông không buồn nhớ mình từng ra làm sao?! Già, có lắm thứ ngủ lì, nó không buồn thức dậy nữa. Thế nhưng từ chiều trước, sáng qua, rồi sáng nay, trong lòng ông Mẫn cứ lăn tăn gợn dâng những nỗi cũ mới lẫn vào nhau. Những xa xăm và cái mới cứ như mùa lá rụng bên một vài chồi non.
Ông Mẫn lại đứng dậy ra ngoài mảnh ban công nhỏ hẹp đứng chỉ vừa hai hoặc ba người. Trong ánh sáng rõ dần, đã trông thấy mấy nhà cũng có chút hoa chút lá lòi ra bên tường. Tối qua nhập nhòe sáng tối, lạ, chẳng thấy rõ cái gì ra cái gì.
Sáng hẳn, nhà thêm tiếng động, ông Mẫn cảm thấy cái chật chội lại rõ lên, trội lên, ông loay hoay muốn sắp đặt, thu xếp, con trai, con dâu không để ông làm gì. Chúng muốn ông xuống đất đi dạo cho quen mắt quen chân.
Ông còn ngại cái thang máy lắm, được hướng dẫn hai ba lần nhưng vẫn run chân, lo như trẻ nhỏ. Anh con út đi cùng ông, hướng dẫn thêm cách đi lại. Cửa cầu thang mở, có ba người đang chờ vào, ông Mẫn ngỡ ngàng chút, gật gật cái đầu, miệng bành bạnh muốn tươi cười như... chào, ông đã quen thế khi gặp người làng người xã.
Anh con út đi theo ra tận cổng chung cư rồi quay trở vào, được mấy bước, lại đi trở ra, quần đùi sọc, áo lót trắng đi sau ông Mẫn thêm đoạn nữa.
Ông Mẫn đứng nhìn lên tòa chung cư, cây lá, áo quần lẫn vào nhau, lìa xìa ra ngoài. Nói chung ông không thích chung cư, không thích ở phố. Ừ, thì còn lâu ông mới gỡ bỏ được những ý nghĩ trong đầu mình. Cũng chẳng còn thời gian nữa để ông nghĩ khác, sống khác.
Cây cối chim chóc, nhiều nhà cửa ngay ngắn, đẹp. Nhưng nhà không có chút sân chút vườn thì buồn chết. Thế mà còn ối người không có lấy chút đất. Út nhà ông mua cái chỗ ở trên cao đó mà hơn tỉ bạc. Đời ông chưa cầm nổi mấy chục triệu bạc, chúng nói tỉ này tỉ nọ mà ông nghe ù hết cả tai. Ông nghe chuyện nợ nần, khó mà vui cho hẳn.
Ông Mẫn đi, lại đứng nhìn. Người đi bộ, thể dục và người đi lại cũng rộn dần lên. Các bà các cô ở phố đi bộ, tập thể dục nom khỏe, đẹp mơn mởn. Người phố có khác. Ở nhà thì thế nào ông bà cũng cầm dao cầm cuốc hay làm gì đó, sức yếu nhưng vẫn làm, làm chậm, thế cũng khỏe. Ông nhớ
đến, nghĩ thương bà nhà. Mới sáng hôm qua ông đi bà dậy sớm lo lỏm nào xôi, nào trứng, gói ghém...
Đi đi rồi đi lại, ông Mẫn đã trở về trước cổng chung cư. Con cháu tranh thủ ngày chủ nhật muốn ông đi chơi, thăm thú. Ông về sửa soạn để đi.
Ông Mẫn về chỉ thay bộ quần áo. Áo nâu, quần xám, thắt củ lạc chỉnh tề như mỗi khi ông đi ra xã có việc, hay đi đám giỗ, đám cưới ở làng.
Nói đi nhưng chưa đi ngay được. Xuống phố ăn sáng nữa. Ăn sáng rình rang, bún bò, bún cá, chờ chọn, xì xụp, nóng sốt, loay hoay mãi... rồi mới đi. Ông biết mỗi cái mỗi tí về chỗ con cháu sinh sống nó là vậy! Ông thấy vui vầy. Chưa bao giờ ông được bên con cháu trong cảnh này.
Anh con út chở ông Mẫn chạy sau mẹ con Mậm một khúc, đoạn thả một tay chỉ chỗ nhà lều lụp xụp bên bờ nước đen ngòm lềnh bềnh bèo rác... nói to cho bố biết đó là nhà ổ chuột. Ông Mẫn nghe gì mà... chuột. Ờ chuột, trông bẩn, lại còn xấu xí hơn cả... chuồng lợn.
Đi. Xe người ầm ào, rần rần. Hóa ra đất đai còn bề bề thế kia. Đất thế mà được ở, được trồng trọt thì phải biết!
Không tin nổi là sào đất nhà ông bán đi cũng không mua nổi mét vuông đất ở đây. Đắt gì mà đắt quá thế?!
Từ lúc bước chân ra đường đã nhìn, đã biết được bao nhiêu thứ, còn đi bảo tàng, đi một chỗ, rồi hai chỗ, đi sơ sơ mà ông Mẫn vẫn nhanh thấy mệt, chỉ muốn về. Già yếu nó chán thế đấy... dễ lãng phí nhiều thứ lắm.
Lớp người như ông Mẫn ở làng hầu như ai cũng đánh đông dẹp bắc. Nhà ông, hai anh trai đều là liệt sĩ, ông Mẫn, nếu không thấp bé nhẹ cân vì đau ốm oặt oẹo từ nhỏ thì cũng đi bộ đội... Không đi bộ đội, ít ra khỏi làng, già yếu mới đi xa. Chưa đi đã mệt. Cuối đời rồi, không biết còn có dịp đi lại không?
Chiều về, vợ chồng út lại đưa nhau ra ngoài, bảo là đi siêu thị. Ông Mẫn nằm co trên chiếc ghế dài chợp mắt nghỉ. Cu Mậm bày bộ đồ chơi mới mua ra giữa nhà lặng lẽ tháo lắp.
Chiều xuống hẳn. Mậm chơi đàn cho ông nội nghe. Tiếng đàn của Mậm khiến bao nhiêu mệt mỏi như là của cả đời ông muốn tan đi. Ông thấy êm ái, nhẹ nhõm. Tiếng sáo trong lồng ngực ông cũng bay ra, ông thấy quê nhà, cánh đồng, vách núi, vườn nhà, những cánh rừng, đỉnh núi, ông thấy thời trai trẻ của ông. Ngón tay Mậm non mềm khéo léo trên phím đàn... Ông đã quên tài thổi sáo của ông từ lâu. Tiếng sáo im từ ngày nào không nhớ rõ nữa. Ông Mẫn có tài thổi sáo. Ông nhìn ra ngoài cửa, thấy lô xô, san sát nhà cửa, tường vách, đồ vật, còn tiếng đàn, tiếng sáo... nó bay tới tận những cánh rừng.
Ăn cơm, nghỉ ngơi. Giữ yên ắng, nhỏ nhẹ, giảm đi lại, giảm nói cho đỡ chật chội.
Con dâu soạn sửa xấn thốn, vừa làm vừa thỉnh thoảng ngó xem một đôi cảnh đoạn phim trên ti vi. Bà nhà cũng thế, rất là lắm việc, ít khi ngơi chân tay, có khi vừa làm vừa xem, vừa ăn vừa làm.
Nấu dọn, lau rửa, tắm giặt, việc này việc kia... con dâu ông xem chừng luôn chân luôn tay, ít nói, gương mặt nom gầy sạm hơn dạo trước về quê, cái vẻ cười nói mà ánh mắt buồn buồn... Ông Mẫn hít sâu rồi nén tiếng thở dài, thoáng buồn về kiếp người, rồi kiếp phụ nữ... Nhưng ông cũng không biết làm sao hơn! Ông nhớ tới bà nhà. Bà ấy cả đời nấu nướng, làm lụng, lo lắng. Đời người rõ khổ. Mà có những cái khổ cũng tại bà ấy nữa. Ông không thích cái tính bà lắm điều từ trong nhà ra ngoài đường, hết lấy chuyện nhà người ta bỏ vào nhà mình, rồi lấy chuyện nhà này bỏ vào nhà kia... mang phiền nhiễu vào người, lây lan ra cả. Ông tránh chỗ lắm điều lắm sự, lặt vặt, tủn mủn, bà lại lôi ra, mang về. Mệt, chẳng đâu vào đâu. Lắm lúc bà nói đi ông bực bõ nói lại, cãi nhau cũng từ đó mà ra. Giờ bà nói bà tự nghe lấy.
Anh con út dẹp nép bàn ghế lại. Sàn nhà lau khô, nệm trải ra và nói ông ngủ nghỉ cho khỏe. Có mỗi cái phòng ngủ nho nhỏ, còn lại là chỗ ăn uống, nấu nướng, tủ đồ, bàn ghế bao thứ...
Mậm đi nằm cùng ông nội, nói líu ríu chút rồi im ngủ. Ông Mẫn chưa ngủ ngay được. Giờ này ở nhà là ông ngủ rồi. Không biết bà nhà đã ngủ chưa? Con dâu lui cui sửa soạn chưa xong, hình như đang phơi đồ thì phải. Thằng Út đang làm gì? Không biết trong lòng chúng thế nào? Vợ chồng ăn ở với nhau thế mà khó lắm. Thằng út đi xa nó cũng khác nhiều. Cái tính cứ vội vội vàng vàng liệu có hay hỏng việc? Từ ngày làm thợ thuyền, rồi bạn bầu tập hợp làm chung, chúng sướng khổ làm sao, ông không được gần gũi. Lo việc, lo kiếm tiền, lo chuyện tiền nhiều quá. Ừ, tất tật gì cũng cần đến tiền, không lo, tiền nó tự đến sao?
Ông Mẫn có lo lắng của ông nhưng không nói ra. Dù sao nỗi lo lắng của ông cũng không phải như ông Tứ, ông Xiến có con trai cờ bạc.
Ông hít mùi đầu tóc thằng cháu, nó thật là thơm mềm dễ chịu. Đêm của từng người trong nhà cũng khác nhau.
***
Vợ chồng út đi làm, cu Mậm đi học, chúng nó cùng lúc đi hết, mình ông Mẫn với cái phòng vắng lặng đã trở nên rộng hẳn ra. Ông mở ti vi xem chán lại thôi, đi dạo quanh khu phố lại về, dạo lấy một vòng cho khỏe đôi chân và đỡ buồn con mắt. Sáng ra con dâu đã lo sẵn cơm trưa. Đi vào đi ra, ngồi, nằm, ăn, ngủ, đi, pha trà, mở ti vi, chờ đến bốn giờ chiều đón cháu. Ngày lê thê, nhưng vẫn là ngày với những cái xa lạ mà đời ông Mẫn chưa trải qua.
Chờ đến giờ đón cháu, việc quan trọng nhất trong ngày của ông. Nghe bảo khi có việc trễ muộn, chúng nó dặn Mậm chơi, chờ ở trong sân trường, có nhờ bảo vệ trường trông chừng cho nữa. Nạn bắt cóc, lừa trẻ... cũng lo lắm. Ông Mẫn lóng ngóng lấy bộ áo quần phơi từ tối qua đã khô. Quần màu cỏ úa, áo màu ghi xám, bộ ông mặc hôm đi. Ông mang đi hai bộ đồ dài, hai quần đùi, hai áo may ô, tất cả là bà nhà mua và đặt may ngoài chợ. Cũng như hai hôm trước, như những hôm có việc cưới hỏi hay họp hành ở làng xã... ông Mẫn bỏ áo vào quần thắt củ lạc. Ông gầy, mặc áo rộng chút nom đỡ gầy lại thoải mái, quần rộng bụng chút thì đã có thắt lưng.
Mười sáu giờ mười phút Mậm tan trường, ông Mẫn đi trước hai mươi phút. Ông đi chậm. Già thì chậm chạp, mắt, tai không tỏ, còn lạ đất lạ người nữa! Sợ lại có lúc... ú a ú ớ. Còn nắng vãi mồ hôi nhưng có nhiều bóng cây. Những ngôi nhà đẹp, quán, hàng ăn uống, áo quần... đi qua đi lại, thấy cả quen lẫn lạ, ông đi nép sát lề đường, nghe tiếng xe còi sau lưng cũng thột mình, run run đôi chân. Cách đoạn có bóng mát, thi thoảng còn có thêm những chậu cây đặt lấn ra đường.
Như đã dặn Mậm, ông Mẫn đứng yên bên cột cổng chờ. Cái cổng lớn, đẹp. Tiếng trống, tiếng òa vỡ nhao nhao.
Thấy cháu, ông Mẫn cười, răng chiếc còn chiếc mất, gương mặt nâu đen, hóp hép cũng tươi lên, ông đòi mang cặp cho Mậm, dù vẫn run run chân tay. Hai ông cháu chừng líu ríu đôi chân, cái miệng, con mắt. Xe, người đông, lách, né đi một quãng mới thưa dần. Mậm nói chuyện, ông Mẫn nghe tiếng được tiếng mất:
“Cô đánh vào tay hả? Vì sao?”.
“Không, đó là bạn lớp con, không phải con, bạn ấy nghịch, không chịu viết bài...”.
“Còn cháu ngoan không?”.
“Cháu ngoan ông ạ. Nhưng... cháu cũng có lúc nói chuyện, từng bị cô mắng mấy lần...”.
“Thế à?! Cháu ông rất thật thà. Nhưng đi học là phải học im lặng nữa đấy, cháu nhớ nha”.
“Mà ông ơi, thỉnh thoảng bố mẹ cãi nhau đấy ông ạ. Bạn cháu cũng có những lúc cãi nhau, học im lặng thì khó ông ạ”.
“Ừ. Không hiểu nhau nên có lúc sẽ cãi nhau đấy”.
Xe máy chạy xoẹt ngang, ông Mẫn nghe không đầy đủ câu của Mậm, thường là thế, ông nghe câu tỏ câu không, ồn ào thì càng tệ, không nghe ra gì. Nghe không rõ thì hỏi lại, hoặc trả lời đại đi, hoặc im lảng.
Ông bước nhẹ, đi nép vào lề đường. Cãi nhau à? Từ lâu, thật lâu lắm rồi ông xem nhẹ mọi chuyện, không cãi nhau. Ừ, nghèo thì có rất nhiều chuyện đành phải gác lại đó. Lại còn già yếu nữa, già cả rồi, chuyện gì cũng muốn mặc kệ. Người nghèo và người già yếu nó chán thế!
Thế nhưng có những chuyện già thì già cũng không thể cho qua được. Chuyện đất cát, bờ rào bờ giậu ở nhà, ông Mẫn không cương quyết, cứng rắn là không xong!
Ông bỗng đứng lại, run chân. Về già nảy tật hay run tay chân mỗi khi có gì đó không quen, quá sức, đói quá, hoặc có gì đó tức giận... Ông nhìn nhìn lên ngọn cây trước mặt. Cu Mậm nắm tay ông lay:
“Ông, ông nghĩ gì mà không nghe cháu hỏi?”.
“À, ờ... cháu hỏi gì ông nào?”.
“Thì cháu hỏi là ông đang nghĩ gì?”.
“Ông chẳng nghĩ được gì, chỉ thấy nhớ quê nhà”.
“Nhớ quê như bài hát “Quê hương là chùm khế ngọt” ấy hả ông?”.
“Khế ngọt, khế ngọt... ừ, đi nhanh về tắm, ăn cái bánh tạm đỡ đói rồi chơi đàn cho ông nghe để ông đỡ nhớ, nha...”.
Tiếng hai ông cháu lọt vào mé đường có các loài cây, dưới những tán cây, và thỉnh thoảng xe máy vù qua... như giựt âm thanh đi mất.
Cổng chung cư người xe đi vào đông hơn hẳn, cuối ngày rồi, người như chim về tổ vậy. Cửa thang máy đông người chờ. Hai hôm nay, đã mấy lần đi lên đi xuống, ra vào cầu thang, chân ông Mẫn đỡ lạ ngượng, đỡ run dần. Quen dần từng chút, ông Mẫn lại biết thêm cái lúc cầu thang chật người, mùi tạp, bức nóng, cửa cầu thang mở lại đóng, mở lại đóng, lần thứ tư mới đến lượt hai ông cháu nhà Mậm và một bà mẹ bế em bé.
Hành lang gần như cả ngày im vắng rộn lên một ít tiếng bước chân. Bỗng mùi thức ăn òa ngập mũi, ông Mẫn hít căng ngực và bụng, mùi như mùi cá kho bị cháy? Ông hít hít xác định thêm, lại nghe lẫn mùi một thứ thức ăn gì đó nghe rất thơm ngon. Ông cũng quen ngửi mùi thức ăn bà nhà nấu. Trong ông đầy ắp hình ảnh người vợ già và gian bếp, ngôi nhà quê...
Cái mùi thức ăn, lẫn mùi từ nhà rác... Rác chất chứa bị nén ở nhà rác vẫn thi thoảng bay nghe dọc hành lang, đã có khi nó bay xộc vào nhà. Cái mùi chua chua thum thủm.
Hành lang chiều chung cư mùi lẫn lộn mùi. Sợ lãng đi một chút là sẽ nhầm. Nhà nào cũng giống nhà nào, chỉ khác mỗi con số. Ông Mẫn nhớ con số 11.10, nhưng đi với Mậm, ông tự tin, cũng không phải nhìn số nhà nữa.
“Ái chà...”.
Gót chân nghe nhói lên. Chết thật. Cái đinh vít. Ông Mẫn gỡ cái đinh có khía xoắn, có nụ, chừng hơn một phân. Có chút máu ở gót chân rỉ ra. Dép tông Thái màu xanh dương cũ bẩn... mà đôi dép nào của ông cũng nhanh nhão mòn cái gót và chỗ ngón cái.
Mậm đang rướn mở cửa, ngoảnh lại:
“Ông làm sao thế?”.
Ông Mẫn đứng lên đi và nói:
“Không làm sao, ông nhặt được một cái đinh. Cháu đi cũng cần cẩn thận kẻo đinh nó đâm vào chân đấy!”.
“Bố mẹ cũng luôn nhắc nhở cháu; cẩn thận kẻo rơi, vỡ, hay đi cẩn thận kẻo vấp té, ăn cẩn thận, rồi viết bài cần cẩn thận... cháu nghe hoài ông ạ”.
“Ông cũng thế. Đi đâu bà cũng nhắc nhở: ông đi cẩn thận nhé! Cháu biết không, ông luôn nhớ lời bà nhắc đấy!”.
Lớp cửa sắt ngoài cùng của căn hộ nhà Mậm đã được kéo lại.
Sau khi vẫy vùng tắm táp, ăn uống, Mậm ngồi đàn theo lời đề nghị của ông nội. Tiếng đàn của Mậm bay ra ngoài, tiếng sáo trong lồng ngực ông Mẫn cũng bay ra theo. Tay ông run run lại dụi lên đôi mắt chớp chớp. Ông thấy con đường quê, cái bóng ông đổ lên đó, đất sỏi, phân tro, ổ gà, cỏ giả hai bên bờ ruộng, đồi... ông thấy cả làng Chêm. Làng Chêm... có ruộng, có núi đồi, có sông. Từ xa xưa người ta tìm đến sống quanh một vùng trũng, trồng trọt, chăn nuôi, nghe nói tên làng là Chiêm, dần dà, người sinh sôi, người vùng khác đến, đẽo vạc lấn cả đồi núi, rồi tên làng là Chêm, đời này sang đời khác, măng thành tre, mỗi lần có việc, ăn uống tụ họp lại nói những hiểu biết của mình, cự cãi nhau, trong đó có chuyện cái tên...
Vợ chồng nhà út về, tay xách, miệng nói. Chúng với một tổ thợ xây đang đà có nhiều việc, nghe bảo lắm lúc thiếu vốn, thiếu thợ, lắm lúc xoay xở thở không ra...
Ánh sáng lọt cửa lại mất, cửa khép mở buổi tàn ngày, tiếng động to gây chú ý. Lắm thứ không cần thiết nữa. Ông Mẫn lãng lờ. Sự bừa bộn chật chội và cả sự hoang hủy trong trí nghĩ đều đáng sợ.
Vẫn còn một chút chiều, ông Mẫn xuống đất đi dạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.