Tinh hoa cổ vật Phật Giáo - Kỳ 5: Bộ mộc bản gần 300 năm tuổi

31/08/2013 00:00 GMT+7

Đó là bộ văn khắc trên gỗ thị với gần 250 bản, ghi lại nội dung kinh Phật, các bài kệ, chú, bài cúng đang được lưu giữ tại tổ đình Phước Lâm (Hội An, Quảng Nam).

Tổ đình Phước Lâm là một trong những tổ đình lớn thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An, với niên đại hình thành cách đây gần 300 năm. Theo tư liệu lịch sử thì tổ đình do thiền sư n Triêm khai lập vào khoảng giữa thế kỷ 18. Đây là nơi bảo tồn nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị như hoành phi, liễn đối, bia ký, chuông đồng, kinh Phật, tượng... đặc biệt là bộ mộc bản kinh, kệ, chú, bài cúng được dập nổi công phu, tinh xảo.

Tuyệt tác mộc bản kinh, kệ, chú

Hỏi về bộ mộc bản này, hòa thượng Thích Hạnh Hoa - trụ trì tổ đình Phước Lâm, cho biết: “Bộ mộc bản ước đoán xuất hiện ngay sau khi tổ đình được khởi dựng không lâu, nhằm phục vụ truyền dạy pháp Phật. Mộc bản kinh Phật được lưu giữ tại chùa tập trung chủ yếu vào kinh tịnh độ như Hồng Danh Bửu Sám, Niệm Phật Vãng Sanh, Kinh Pháp Hoa, Phổ Môn..., các bài chú như Thập Chú, Đại Bi Chú...”.


Ảnh: A.D 

Cũng theo vị trụ trì tổ đình thì mộc bản kinh Phật lưu giữ tại chùa được khắc trên gỗ thị đỏ. Loại này khá hiếm nhưng khi văn khắc được lưu lại trên loại gỗ này thì đặc biệt bền, đẹp. Những Hán tự khắc trên mộc bản dù rất nhỏ nhưng vẫn rõ nét và thể hiện trình độ điêu khắc tinh xảo. Kích thước mộc bản kinh tại đây cũng không đồng đều, với chiều dài trung bình khoảng 50 cm, rộng 25 cm và dày khoảng 2,5 cm. Bề mặt mỗi tấm mộc bản thường có màu đen, láng bóng do được bao phủ bởi một lớp mực in khá dày. Đây cũng là lớp bảo vệ tự nhiên bền chắc cho mộc bản với tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc và mối mọt... Văn tự trên mộc bản được khắc bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm và được khắc ngược nên còn gọi là âm bản. Văn bản khi in ra giấy sẽ thành chữ xuôi, được đóng gáy và sử dụng theo truyền thống của người phương Đông xưa là đọc từ trái sang phải và từ trên xuống dưới.

Không chỉ lưu truyền nội dung kinh Phật, giáo lý Phật và lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư, đáp ứng yêu cầu tín ngưỡng của người dân mà mộc bản kinh Phật còn là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tinh xảo, thể hiện tài hoa của người thợ Việt xưa. Và mỗi mộc bản kinh đều ẩn tàng những bí quyết trong nghệ thuật chạm khắc gỗ ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi vùng đất, những thói quen, tập tục địa phương, và là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt, của chữ Nôm trong lịch sử.

Những bài cúng trong dân gian

Nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa mộc bản kinh Phật của tổ đình Phước Lâm và mộc bản kinh ở những nơi khác có lẽ nằm ở những bài cúng theo tín ngưỡng dân gian. Hòa thượng Thích Hạnh Hoa cho biết: “Bộ mộc bản tại chùa có một phần rất lớn những bài cúng mang tính chất bùa chú. Nội dung này xuất hiện trong bộ mộc bản kinh có lẽ xuất phát từ chính nhu cầu của người dân bản địa. Bùa chú hình thành từ sự tương giao giữa Phật giáo (chú) với một phần Lão giáo (bùa) của thầy phù thủy”. Theo một số nhà nghiên cứu thì luận cứ này khá thuyết phục, và nhất là nó phù hợp khi giai đoạn này có một bộ phận lớn người Hoa sang Hội An giao thương và định cư. Nên những bài cúng đóng vai trò rất lớn trong tín ngưỡng thờ cúng của họ cũng như người dân bản địa. Về sau này, những nội dung cúng bái, bùa chú đã mất dần ảnh hưởng đối với người dân trong vùng, hay có thể được lưu truyền rộng rãi bằng bản in, nên những mộc bản này cũng dần bị quên lãng.

“Tuy nhiên, khoảng 50 năm trở lại đây, đã có những ông thầy cúng ở khu vực Chợ Lớn (TP.HCM) tìm đến tận chùa để san định, in ấn toàn bộ nội dung những bài thờ cúng này và mang về áp dụng ở địa phương, cũng là phục vụ tín ngưỡng của phần nhiều người Hoa ở khu vực đó”, hòa thượng Thích Hạnh Hoa cho biết thêm.

Ý thức được giá trị di sản Hán - Nôm đang lưu giữ tại chùa, nhiều thế hệ các sư thầy ở tổ đình Phước Lâm đều hết sức gìn giữ kho mộc bản. Tuy nhiên, “những mộc bản này chỉ còn mang giá trị di sản, giá trị đối với các nhà nghiên cứu, chứ thực tiễn trong in ấn, phổ biến kinh sách đã không còn, người dân địa phương thì họ càng không mấy bận tâm. Nhiều đợt thiên tai, nhân họa khiến mộc bản cũng thất thoát. Nên chuyện người ta nhặt được tấm mộc bản kinh mang ra chẻ để đun nấu, hay có người gắn thêm chiếc cán vào mộc bản để làm trang cào lúa không cũng không thiếu”, hòa thượng Thích Hạnh Hoa nói giọng ngậm ngùi, tiếc nuối.

Hiện tại, hơn 250 mộc bản kinh Phật, chú, bài cúng vẫn đang được lưu giữ tại tổ đình Phước Lâm, tuy nhiên, do thời gian lưu giữ quá dài (gần 300 năm) mà điều kiện bảo quản còn nhiều hạn chế nên di sản mộc bản ở đây đã có dấu hiệu hư hỏng. Theo một cán bộ của ngành bảo tàng thì gần 10% mộc bản đã bị mối mọt khiến một phần nội dung văn khắc bị mất đi. “Cách đây mấy năm, mộc bản kinh, chú, bài cúng được các cán bộ bảo tàng ở Hội An đến dập nội dung mang về nghiên cứu nhưng kết quả ra sao thì chưa thấy công bố. Còn công tác bảo quản thì chùa cũng đã làm hết khả năng. Nếu thấy bộ mộc bản này thực sự có giá trị về lịch sử, văn hóa cũng như tôn giáo thì các cấp ngành chức năng nên vào cuộc để sớm có phương án bảo tồn, phát huy”, sư thầy chia sẻ.

An Dy 

>> Mất ăn, mất ngủ vì cổ vật
>> Tinh hoa cổ vật Phật giáo
>> Triển lãm ‘Tinh hoa cổ vật Phật giáo’
>> Bảo tàng Vương Hồng Sển - 10 năm chưa thành: Những hệ lụy từ cổ vật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.