Tọa đàm về phỏng dựng chùa Một Cột

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
01/12/2020 06:25 GMT+7

Chiều 30.11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) diễn ra tọa đàm về các vấn đề khoa học liên quan đến bản phỏng dựng chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý.

Tại đây, TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) trình bày về hình ảnh và lý do của các chi tiết chùa Một Cột được ông phỏng dựng trên công nghệ thực tế ảo. TS Dương cho biết bộ mái của chùa Một Cột mà ông đưa vào hình ảnh phỏng dựng là kế thừa thành tựu nghiên cứu của các học giả Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu kinh thành, Đại học Quốc gia Hà Nội. Về bộ mái kiến trúc thời Lý, các nhà khoa học đã có công trình nghiên cứu in thành sách, mô hình mái này cũng đã được dựng thành phim 3D và chiếu tại bảo tàng dưới hầm tòa nhà Quốc hội. Ông Dương đã kế thừa kết quả nghiên cứu này và đưa nó vào phỏng dựng của mình.
PGS-TS Trang Thanh Hiền (Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) đặt câu hỏi với TS Dương về việc tại sao có thể lấy cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh) để làm cột của chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý. Về việc này, TS Trần Trọng Dương cho biết: "Đây là công trình phỏng dựng chùa Một Cột, chúng tôi đưa ra một giả thuyết và số hóa nó. Nếu không sử dụng cột đá này thì coi như đóng sập một cánh cửa đi về quá khứ. Trong bối cảnh hiện tại, khi chưa thể có được khai quật khảo cổ học chùa Diên Hựu thời Lý thì tại sao không sử dụng cột đá này (cột Dạm và chùa Một Cột đều là một núi Tu Di ở trung tâm của kiến trúc Phật giáo mandala)”. Cũng cần nói thêm, phỏng dựng không phải là một khái niệm có trong luật Di sản. Bản thân TS Dương cũng dùng từ này với ý nghĩa đó là một giả thuyết.
Trước đó, công trình phỏng dựng chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý đã được số hóa bằng công nghệ thực tế ảo. Công nghệ này đã được đưa ra giới thiệu với công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong thời gian vừa qua và tạo nên một cơn sốt. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết lượng người xếp hàng trải nghiệm công nghệ này rất nhiều. Chính vì thế, có thể vào năm tới, bảo tàng sẽ thu xếp để công chúng, đặc biệt là trẻ em, được trải nghiệm công nghệ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.