Tôn vinh tinh hoa áo dài Việt

18/02/2017 07:04 GMT+7

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 4 - 2017 được xem là lễ hội áo dài lớn nhất từ trước đến nay, sẽ diễn ra từ ngày 3 - 17.3 với hàng loạt hoạt động và chương trình nghệ thuật.

3.000 người mặc áo dài đồng ca
Hôm qua 17.2, buổi họp báo cáo các khâu chuẩn bị của lễ hội đã diễn ra tại trụ sở UBND TP.HCM dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến. Lễ hội năm nay có chủ đề Duyên dáng áo dài TP.HCM. Hoa hậu VN Đỗ Mỹ Linh được chọn làm đại sứ của lễ hội.
Tôn vinh vẻ đẹp áo dài, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ qua lễ hội áo dài... Bên cạnh đó, TP mong muốn đây còn là một sản phẩm du lịch thường niên để thu hút sự quan tâm của khách du lịch đến TP.HCM
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ (Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, đại diện BTC) cho biết trong khuôn khổ lễ hội sẽ có 3 chương trình nghệ thuật quy mô diễn ra trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Cụ thể, vào lúc 19 giờ ngày 3.3 sẽ có chương trình Tinh hoa áo dài Việt; lúc 19 giờ 30 ngày 4.3 là chương trình Áo dài VN - Nét duyên đi cùng năm tháng và đồng diễn, diễu hành áo dài chủ đề Tôi yêu VN diễn ra lúc 7 giờ ngày 5.3. Trong đó, phần biểu diễn giới thiệu các bộ sưu tập lịch sử áo dài xưa, áo dài truyền thống của các nhà thiết kế thế hệ đầu tiên VN (vào đêm 3.3) và phần diễu hành áo dài đồng ca bài Việt Nam ơi là để xác lập kỷ lục Guinness VN: nhiều người mặc áo dài đồng ca được nhiều người quan tâm. Ông Vũ cho biết: “Chuyện xác lập kỷ lục khởi đầu bằng việc chúng tôi mong muốn những người tham gia lễ hội có một hành động tập thể, cùng biểu hiện tình cảm với chiếc áo dài. Sẽ có khoảng 3.000 người tham gia hoạt động này”.
Ngoài 3 chương trình nghệ thuật lớn trên, các hoạt động tôn vinh chiếc áo dài trong lễ hội rất đa dạng: Hội thi Ảnh đẹp áo dài online (qua mạng xã hội, khởi động từ ngày 10.2, kết thúc ngày 16.3); Cuộc thi Duyên dáng áo dài (từ ngày 25 - 28.2 tại Nhà văn hóa Thanh niên); Triển lãm không gian áo dài chủ đề Duyên dáng áo dài TP.HCM (ngày 3 - 5.3 tại dọc tuyến đường phố đi bộ Nguyễn Huệ); Cuộc thi chụp ảnh nhanh Ảnh đẹp áo dài; Hành trình xe đạp Năng động áo dài; đồng diễn áo dài Tôi yêu VN (ngày 4.3 tại sân khấu phụ, sân khấu chính phố đi bộ Nguyễn Huệ và Thư viện Khoa học tổng hợp); Thi vẽ trên áo dài Áo dài và hoa (ngày 5.3 tại Thư viện Khoa học tổng hợp); Chương trình giao lưu chủ đề Áo dài trong đời sống người Việt (tối ngày 8.3 tại Trường quay Đài truyền hình TP.HCM); Chương trình gala, giao lưu Áo dài VN - Hội tụ và thăng hoa (tối ngày 17.3 tại Gem Center)...
Hoa hậu Mỹ Linh - đại sứ của Lễ hội Áo dài TP.HCM
Hoa hậu Mỹ Linh - đại sứ của Lễ hội Áo dài TP.HCM Ảnh: BTC cung cấp
Lễ hội Áo dài thành sản phẩm du lịch
Theo kế hoạch, danh sách nhà thiết kế, nghệ sĩ, ca sĩ khách mời tham gia lễ hội gồm: các nhà thiết kế Lan Hương, Đỗ Trịnh Hoài Nam (đại diện miền Bắc), Minh Hạnh (đại diện miền Trung), Sĩ Hoàng, Liên Hương (miền Nam) cùng Võ Việt Chung, Việt Hùng, Thuận Việt, Minh Châu, Ngô Nhật Huy, Cao Minh Tiến, Tuấn Hải, Đình Hải, Thu Thủy, Thủy Nguyễn, Tùng Vũ, Anh Tuấn... Hơn 50 người mẫu cùng nhiều hoa hậu, á hậu, hoa khôi, á khôi... sẽ trình diễn áo dài. Học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ, THPT... tại TP.HCM sẽ tham gia tiết mục đồng diễn áo dài. Ngoài ra còn có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng tham gia lễ hội.
Trong buổi họp, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh Lễ hội Áo dài năm nay có quy mô lớn hơn các lần trước, với nhiệm vụ đặc biệt. “Tôn vinh vẻ đẹp áo dài, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ qua lễ hội áo dài và giới thiệu được các nhà thiết kế trẻ tài năng cho việc phát triển áo dài truyền thống VN. Bên cạnh đó, TP mong muốn đây còn là một sản phẩm du lịch thường niên để thu hút sự quan tâm của khách du lịch đến TP.HCM”, ông nói. Ông đề nghị tất cả các ban ngành phải phối hợp chu đáo cùng nhau để quảng bá, tổ chức lễ hội tốt nhất và đảm bảo an ninh, trật tự trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Trò chuyện riêng với Thanh Niên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết Sở đã làm việc với các công ty lữ hành để giới thiệu, quảng bá về lễ hội áo dài đến du khách từ trước. “Bản thân phố đi bộ Nguyễn Huệ đã có sự hấp dẫn đối với du khách vào cuối tuần, khi có thêm những hoạt động trình diễn áo dài cùng các chương trình nghệ thuật ở đây thì tôi tin rằng du khách sẽ thích thú”, ông nói thêm. Có một thông tin khá hấp dẫn với du khách được ban tổ chức công bố là trong ngày 4 và 5.3, từ 8 giờ 30 đến 18 giờ 30, tại sân khấu phụ phố đi bộ Nguyễn Huệ (trong chương trình Biểu diễn nhạc cụ dân tộc, múa áo dài truyền thống) sẽ có hoạt động tương tác cùng du khách và công chúng. Các nhà thiết kế, nhà may sẽ đo, cắt, may áo dài nhanh dành cho du khách may mắn được chọn ngẫu nhiên khi đến TP.HCM tham gia lễ hội.
Sau những tranh cãi dữ dội về áo dài cách tân thời gian gần đây, người yêu thời trang đang nóng lòng muốn biết liệu lễ hội có rộng cửa cho việc trình diễn áo dài cách tân. Ông Vũ nói: “Quan điểm của ban tổ chức là trình diễn áo dài phát triển qua nhiều giai đoạn, trong đó thể hiện sự điều chỉnh, cách tân phù hợp với từng thời kỳ. Áo dài cách tân để thể hiện sự năng động của người mặc hơn. Nhưng chúng tôi không đồng ý với những cách tân mà không mang giá trị của áo dài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.