Trọn đời vẽ Bác

19/08/2017 15:08 GMT+7

'Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn', câu thơ của Tố Hữu như nói hộ nguồn cảm hứng bất tận của một cựu chiến binh ở Đà Nẵng, khi ông cần mẫn vẽ gần nghìn bức chân dung Bác Hồ trong suốt hơn 45 năm qua...

Niềm đam mê mãnh liệt vẽ chân dung Bác Hồ của thượng tá Trần Ngọc (71 tuổi, K33/24 Duy Tân, TP.Đà Nẵng, nguyên Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân khu 5) đã tạo ấn tượng đặc biệt trong lòng đồng chí, đồng đội. Ông nhập ngũ năm 1966, khi tròn 20 tuổi, và chỉ 3 năm sau thì Bác Hồ mất. Trong không khí cả nước đau thương tưởng nhớ Bác, hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại đã thực sự trở thành dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm thức chàng trai trẻ.
Vẽ khắp chiến trường
Nơi ông Ngọc khoác áo lính đầu tiên là ở Trung đoàn 53 cơ động mở đường 20 Quyết thắng (đường Hồ Chí Minh). Từ đó, những bức họa về Bác Hồ cũng đã theo chân ông đi khắp các chiến trường. Suốt thời kỳ công tác từ Khu 4 đến Khu 5, chân dung Bác luôn nằm trong hành trang của ông.
Đại tá, nhà văn quân đội Đỗ Viết Nghiệm nhớ lại, trước năm 1975, giữa những trận đạn pháo, ông đã cùng với ông Ngọc vẽ chân dung Bác Hồ để treo trong dịp đại hội thi đua quyết thắng do Cục Hậu cần tổ chức bên bờ suối ở vùng tây Quảng Nam. Lúc ấy, bụng đói, cơm không có, chỉ ăn một khúc củ mì (sắn) luộc, nhưng các chiến sĩ trẻ vẫn say sưa vẽ. Đại tá Nghiệm kể, thời chiến tranh, ở chiến trường mà có được một bức chân dung Bác Hồ to bằng khổ tờ báo là rất hiếm; đặc biệt ở cấp cục, cấp quân khu càng hiếm hơn.
Cứ như vậy, gần 10 năm, chàng bộ đội Trần Ngọc đi đến đâu là vẽ chân dung Bác đến đó, cũng là cách anh góp sức cổ vũ tinh thần chiến sĩ và dân công chiến đấu, sản xuất, gùi thồ, mở đường ra trận trên khắp các chiến trường Khu 5. Năm 1975, trong khí thế ào ạt của quân ta khi tiến vào giải phóng miền Nam, lúc vào đến Thăng Bình (Quảng Nam), Trần Ngọc đã tranh thủ vẽ chân dung Bác Hồ trên tấm ván ép chiến lợi phẩm với khổ 1,2x2,4m. “Nơi anh vẽ là nơi vừa được giải phóng, nên chân dung Bác trở thành niềm tự hào, mang tính khích lệ quân dân. Ngưỡng mộ tài năng vẽ của anh, nhiều người dân Thăng Bình lúc ấy đã vây kín để xem và trầm trồ thán phục”, đại tá Nghiệm kể.
Cảm hứng bất tận
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Ngọc được Bộ Tư lệnh, Cục chính trị và Phòng Tuyên huấn Quân khu 5 tin tưởng giao nhiệm vụ vẽ chân dung Bác Hồ để trang trí, tuyên truyền trực quan phục vụ tất cả các sự kiện lớn nhỏ trên toàn quân khu. Đây là khoảng thời gian ông vẽ Bác nhiều nhất, với đủ các chất liệu và mọi kích cỡ, ở tất cả các dịp đại hội thi đua, hội thao quốc phòng, hội diễn nghệ thuật… Đặc biệt, ở các sự kiện đón tiếp các đoàn khách quân sự và dân sự nước ngoài đến Quảng Nam - Đà Nẵng, thần thái của vị lãnh tụ do ông Trần Ngọc đã vẽ tạo dấu ấn khó quên trong lòng bạn bè quốc tế. “Thời kỳ này, việc trang trí, tuyên truyền, cổ động rất vất vả vì không có phương tiện in ấn hiện đại như bây giờ. Tôi và những cộng sự của mình đã vẽ nhiều ngày đêm để hoàn thành những bức chân dung Bác, với nhiều bức rất lớn có khổ lên đến gần 40m2”, thượng tá Trần Ngọc nhớ lại.
“Đó là con người của công việc, của sáng tác nghệ thuật, của đam mê cháy bỏng và một sự chỉn chu đặc biệt khi vẽ về Bác Hồ. Tôi đã từng thấy anh đứng lặng thinh trước khung giấy với nhiều góc độ để rồi bằng cây cọ vẽ, anh đã cho ra đời những bức chân dung Bác thật sinh động, toát lên thần thái của vị lãnh tụ kính yêu”, trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) ngợi khen tài năng của ông Ngọc.
“Vẽ Bác phải vẽ cho được thần thái lạc quan của đôi mắt và khóe miệng cười. Đó là sự lạc quan yêu đời, là niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc”, thượng tá Trần Ngọc chia sẻ. Và tôi nhìn thấy ánh mắt long lanh của người cựu chiến binh, khi ông ngâm nga những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn...”. Tứ thơ luôn tạo cảm hứng đặc biệt trong ông, và chỉ trong tích tắc, ông có thể phác thảo như in chân dung của vị lãnh tụ vĩ đại như thể những đường nét ấy đã thấm sâu vào từng hơi thở.
Ông Ngọc bên một phác thảo Ảnh: An Dy
Kho tư liệu ảnh của Quân khu 5 lưu giữ những bức chân dung Bác Hồ do ông Ngọc vẽ phục vụ những sự kiện lớn của đất nước giai đoạn 1973-1995. Trong đó, có bức chân dung cỡ lớn (6m2) từng được treo trước Nhà văn hóa và Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Quân khu 5. Bức chân dung Bác giơ tay chào (cỡ tranh 6m2) và tranh sơn dầu “Bác Hồ đọc báo” cỡ lớn cũng được lưu giữ tại Thư viện quân đội, cùng hàng loạt tranh cổ động trực quan (cỡ tranh từ 15-18m2), chân dung Bác với lực lượng vũ trang, với chiến sĩ...
Thượng tá Trần Ngọc đã được trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương chiến công hạng nhì, Huân chương kháng chiến và Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng nhì, Huân chương quân kỳ quyết thắng, danh hiệu Dũng sĩ, Chiến sĩ thi đua quân giải phóng miền Nam VN...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.