Trong 'Nghiệp' có thương của Hoàng Minh Phi

Hoàng Kim
Hoàng Kim
29/09/2020 12:45 GMT+7

Đúng ngày Giỗ Tổ sân khấu (28.9 -12.8 âm lịch), đạo diễn Hoàng Minh Phi ra mắt phim ngắn chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ với tựa đề Nghiệp , trên kênh YouTube của anh.

Tác phẩm Nghiệp của Hoàng Minh Phi không chạy theo cách làm “ăn khách” của thị trường, mà xoáy vào những cảm xúc sâu lắng, thật sự làm người ta ấn tượng.
Câu chuyện dính tới cải lương. Một anh kép đẹp (Hoàng Đăng Khoa) chuẩn bị hóa trang, tạo hình, để ê kíp chụp ảnh quảng bá cho sự kiện sắp tới. Bối cảnh anh chọn là một căn hộ nhỏ, có chị lao công (Cần Thơ) đến giúp dọn dẹp, và chị có một đứa cháu trai cứ tò tò đi theo. Cậu thanh niên (Hoàng Minh Phi) đã 23 tuổi, từng là sinh viên năm hai của trường sân khấu, nhưng không may trong một tai nạn giao thông khiến cha mẹ cậu qua đời, cậu bị ảnh hưởng thần kinh và từ đó bị câm. Cậu đã chăm chú ngồi nhìn anh nghệ sĩ, và anh nghệ sĩ khi biết chuyện đời của cậu đã quá thương cảm, bèn hóa trang cho cậu, mặc cho cậu bộ đồ cải lương, rồi dạy cậu vài tư thế vũ đạo đơn giản.
Nét mặt cậu thanh niên dần chuyển sang nhẹ nhàng, hạnh phúc, và cậu đã ôm chặt anh nghệ sĩ như một biểu hiện yêu thương. Anh nghệ sĩ chia tay cậu thanh niên nhưng để lại một vùng ánh sáng trong tâm trí và trái tim của cậu. Tự nhiên khán giả rơi nước mắt. Thông điệp yêu thương hình như rất giản đơn mà sâu lắng, đúng như chủ ý của đạo diễn Hoàng Minh Phi.

Hoàng Minh Phi, Cần Thơ và Hoàng Đăng Khoa (từ trái sang) trong phim Nghiệp

ẢNH: H.M.P

Tình thương hóa giải nỗi đau từ nghiệp báo

Máy quay cứ chầm chậm lia từng chút, từng chút, thử thách sự kiên nhẫn của khán giả. Một kiểu “chơi” của Hoàng Minh Phi đó thôi. Máy quay từ lúc mấy anh nhân viên ánh sáng, phục trang chuẩn bị đồ đạc, dây điện, máy móc, rồi đi đến ngôi nhà, rồi soạn đồ ra, rồi anh nghệ sĩ mở hộp trang điểm, đánh phấn, kẻ mày, thoa son, mặc áo, đội mão… Quay toàn bộ trình tự hóa trang của anh nghệ sĩ, không bỏ phút nào. Sau đó mới bắt đầu xuất hiện chị lao công, cậu thanh niên, mới vô câu chuyện.
Hoàng Minh Phi muốn ghi lại chính xác trình tự hóa trang của nghệ sĩ cải lương như một tư liệu, một kỷ niệm, nhưng thực ra cũng là chuẩn bị cảm xúc cho người ta dần dần yêu cải lương. Quả thật, gương mặt anh nghệ sĩ dần hiện lên rực rỡ, không gây bất ngờ bởi người ta đã chứng kiến cả quá trình, nhưng chính ra lại gây ngạc nhiên như kiểu lặng lẽ nhỏ từng giọt nước vào ly, cho đến giọt cuối cùng tràn ra thì bật lên cảm xúc. Thật sự là một kiểu chơi cảm xúc mà Hoàng Minh Phi đã khéo léo chọn lựa.

Anh nghệ sĩ và cậu thanh niên khờ khờ

ẢNH: H.M.P

Cho đến khi anh nghệ sĩ hóa trang cho cậu thanh niên cũng thế. Từ một gương mặt khờ khờ, bỗng sáng dần lên, đẹp đến từng đường nét. Ánh sáng ấy không chỉ từ son phấn, mà chính từ những lời nói ngọt ngào của anh nghệ sĩ, từ năng lượng yêu thương anh đã trao đi. Quả thật cảm xúc chầm chậm mà đến, nhưng chầm chậm mà lắng, mà thấm, nó sâu bền hơn những cảm xúc dâng trào vội vã. Hoàng Minh Phi đã chọn cho series phim của mình cái tên Deep Inside là vì vậy. Anh sẽ ra mắt từng phim với nhiều loại cảm xúc khác nhau theo thủ pháp dàn dựng thế này. Riêng với sân khấu thì anh sẽ dành hẳn 4 câu chuyện, mà Nghiệp là câu chuyện đầu tiên.
Chọn chữ nghiệp là một ẩn ý sâu sắc. Anh nghệ sĩ có nghiệp cầm ca, còn cậu thanh niên có đến hai nghiệp, là nghiệp cầm ca và nghiệp báo tai ương mà cả gia đình cậu phải chịu, nếu hiểu theo luật nhân quả. Nhưng cái nghiệp báo vẫn có thể cứu rỗi đôi chút nhờ vào tình thương. Cậu thanh niên đã được anh nghệ sĩ yêu thương, giúp cậu hạnh phúc khi nghĩ rằng mình vẫn có khả năng làm nghệ sĩ. Cậu thanh niên được hóa trang rất đẹp, được mặc đồ cải lương, được học vũ đạo, khác hẳn cậu thanh niên lúc trước ngây khờ. Ánh sáng đã len qua đường hầm tăm tối, cho người ta thêm chút tự tin mà đi, mà sống. Anh nghệ sĩ đã dùng cái nghiệp cầm ca mà hóa giải bớt cái nghiệp báo bất hạnh của cậu thanh niên. Tình thương là một thứ ánh sáng mà mỗi chúng ta cần cho đi dù chỉ trong ngắn ngủi, có khi không cần tốn tiền, có khi chỉ cần nhẹ nhàng ngồi xuống bên ai đó cũng đủ hóa giải những nỗi đau.
Hoàng Đăng Khoa là một kép cải lương thật sự, và anh diễn tự nhiên như đang sống thật với nghề. Anh có một giọng nói dịu dàng kỳ lạ, nghe tới đâu người ta thấy bình an tới đó, cứ nhỏ từng giọt róc rách vào tim không cần cố gắng. Hoàng Minh Phi vừa viết kịch bản, vừa dàn dựng và đóng vai cậu thanh niên khờ khờ. Anh diễn hay đến bất ngờ, diễn nhẹ nhàng, chân thật, chẳng lên gân. Và một nữ diễn viên có cái tên mộc mạc là Cần Thơ trong vai chị lao công, đã khắc họa một người dân Nam bộ chân chất, mê cải lương, rất đỗi dễ thương. Phim chỉ cần ba gương mặt thôi nhưng cũng đủ tạo cảm xúc sâu lắng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.